Vụ Bản nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở
Thời gian qua, huyện Vụ Bản đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. Qua đó đã hòa giải thành nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, huyện Vụ Bản đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. Qua đó đã hòa giải thành nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Toàn huyện hiện có 92 tổ hòa giải với 758 hòa giải viên được bố trí đều khắp các thôn, xóm. Các tổ hòa giải hoạt động đúng quy chế, hòa giải viên là những người uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng vận động, thuyết phục và được bầu chọn công khai, dân chủ. Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã tổ chức 10 hội nghị tập huấn cho hơn 1.000 lượt thành viên các tổ hòa giải ở cơ sở; đồng thời, cấp phát sổ theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn cách ghi chép theo dõi, sử dụng cho các tổ hòa giải. Các hòa giải viên cũng tự củng cố kiến thức qua việc nghiên cứu các văn bản pháp luật thông qua các tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, trường học, trụ sở UBND các xã, thị trấn; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để có phương pháp hòa giải hiệu quả. Năm 2020, các tổ hòa giải tiếp nhận 2.021 vụ việc, chủ yếu liên quan tới hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai và một số tranh chấp dân sự khác. Trong đó đã hòa giải thành công 1.589 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 87% góp phần làm giảm các vi phạm pháp luật và hạn chế được tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Công tác hòa giải được thực hiện hiệu quả đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ vững an ninh trật tự địa phương. Tại thị trấn Gôi, nhiều năm qua, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn được tổ hòa giải tiếp nhận và giải quyết kịp thời. Khi tiếp nhận vụ việc, các thành viên tổ hòa giải nắm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh, đến tận nơi tìm hiểu, xác minh, nghe nhận định của những người xung quanh để có thêm cơ sở đánh giá, hướng giải quyết “thấu tình, đạt lý”; đồng thời vận dụng khéo léo tình và lý khi hòa giải giữa hai bên. Trong năm, thị trấn đã hòa giải thành công 32 vụ. Điển hình như trường hợp tranh chấp thừa kế nhà bà D ở tổ dân phố Văn Côi; hay như trường hợp tranh chấp về hôn nhân gia đình giữa anh T và chị N ở tổ dân phố Trần Huy Liệu cũng được hòa giải thành công. Ông Trần Ngọc Sáu, thành viên tổ hoài giải thị trấn Gôi cho biết: “Thông thường mỗi bên tranh chấp đều đưa ra lý lẽ để chứng minh mình đúng, do đó người hòa giải phải thực sự khách quan, công minh, đề cao lẽ phải. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các bên đặt lòng tin vào hòa giải viên và cùng nhau giải quyết vụ việc. Các thành viên tổ hòa giải là lãnh đạo và cán bộ các đoàn thể luôn sâu sát địa bàn, nắm chắc tình hình để ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh”. Tại xã Quang Trung công tác hòa giải luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, các vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra được các tổ hòa giải kịp thời giải quyết tại các thôn, xóm không để kéo dài, không gây bức xúc trong nhân dân. Xã hiện có 14 tổ hòa giải với 110 hòa giải viên. Khi có vụ việc xảy ra, tổ hòa giải tập hợp các hòa giải viên đến tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức gặp gỡ động viên, thuyết phục, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả; hướng dẫn để các bên hiểu và tự thỏa thuận với nhau trước sự chứng kiến của tổ hòa giải. Do làm tốt công tác tuyên truyền, năm 2020, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã hòa giải thành công trên 90% vụ việc phát sinh tại cơ sở. Các thành viên trong tổ hòa giải của xã đều là người có uy tín, hiểu biết về pháp luật, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện Ban công tác Mặt trận và các chi hội, đoàn thể, người có uy tín của khu dân cư. Khi có vụ việc đều được giải quyết êm xuôi, tình làng nghĩa xóm được đoàn kết, thắt chặt. Thực tiễn hoạt động hòa giải ở huyện Vụ Bản thời gian qua đã khẳng định ý nghĩa của công tác hòa giải trong xây dựng tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thị Dung, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tư pháp huyện cho biết: “Công tác hòa giải ở huyện đã được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, hàng năm, các vụ việc hòa giải thành ở huyện luôn đạt tỷ lệ cao. Khi hòa giải, hòa giải viên đã dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp nhằm tác động đến tâm tư, tình cảm của các bên và quy định của pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp họ hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình trong dàn xếp, hóa giải mâu thuẫn. Việc phổ biến các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải cũng là “kênh” quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Hiện nay, trước sự phát triển nhanh của kinh tế, dẫn tới tình trạng tranh chấp trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai ngày càng phổ biến, tính chất ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và cần được bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải nhằm hạn chế tối đa những vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên. Nhằm nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, thời gian tới huyện Vụ Bản tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải, khen thưởng, biểu dương những điển hình trong công tác hòa giải, khuyến khích người dân sử dụng nhiều phương thức hòa giải để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh