Vụ Bản nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP
Nhằm triển khai hiệu quả, đồng bộ các nội dung Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm địa phương; nâng cao năng lực quản lý và quản trị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, huyện Vụ Bản đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung Chương trình OCOP. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhằm triển khai hiệu quả, đồng bộ các nội dung Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm địa phương; nâng cao năng lực quản lý và quản trị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, huyện Vụ Bản đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung Chương trình OCOP.
Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Vận tải Minh Hằng (Cụm công nghiệp xã Quang Trung) là đơn vị đầu tiên của huyện Vụ Bản có sản phẩm Trà tươi hương chanh mật ong S24 đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Anh Bùi Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2020, được các cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện, các đơn vị tư vấn hướng dẫn Công ty hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Qua đó giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa Chương trình OCOP, từ đó cải tiến quy trình sản xuất, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã bao bì, tem nhãn, xây dựng website tuyên truyền, quảng bá sản phẩm định hướng phát triển, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, toàn bộ nguyên liệu đầu vào được Công ty ký kết hợp đồng thu mua ổn định với các đơn vị sản xuất, gồm trà xanh của thị trấn Gôi (Vụ Bản), bí xanh tại các xã của huyện Nam Trực và chanh của tỉnh Sơn La. Trung bình mỗi tháng, Công ty tiêu thụ từ 15-20 tấn nguyên liệu đầu vào; sản xuất trên 20 nghìn sản phẩm các loại. Nhờ đó, sản phẩm Trà tươi hương chanh mật ong S24 đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Những tháng đầu năm 2022, Công ty đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Chỉnh cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, Công ty tiếp tục được đơn vị chức năng của huyện giúp đỡ nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ, trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch (Liên hiệp Hợp tác xã Khánh Hưng) và tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh. Đến nay thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty đã được mở rộng. Sản phẩm Trà tươi mật ong, Trà bí đao, nước ép chanh leo của Công ty đã được nhiều doanh nghiệp uy tín như: Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên; Công ty TNHH LG Display Việt Nam tại Hải Phòng… lựa chọn cho công nhân sử dụng. Năm 2022, Công ty phấn đấu đạt doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tập trung quảng bá sản phẩm, chú trọng đầu tư công nghệ, phối hợp với đơn vị cung cấp bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP...
Ngoài sản phẩm nước uống hoa quả đóng chai của Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Vận tải Minh Hằng trên địa bàn huyện Vụ Bản còn có 15 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Trong đó, năm 2020 có 7 sản phẩm OCOP; năm 2021 có 8 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao của huyện Vụ Bản có chất lượng tốt; mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm, chủng loại hàng hóa khá đa dạng và là sản phẩm tiêu biểu của các xã, thị trấn, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vụ Bản cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hàng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở sản xuất tại địa phương tiến hành xây dựng sản phẩm OCOP một cách nghiêm túc, bài bản; khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện tốt nội dung hoạt động của Chương trình OCOP. Phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng theo 6 ngành hàng và thực hiện chu trình OCOP đúng quy định. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, khuyến khích, động viên các cơ sở trên địa bàn tham gia chương trình OCOP; thành lập Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để lựa chọn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP của huyện cũng như trình UBND tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm từ 3 sao trở lên. Phòng NN và PTNT huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức các hội nghị triển khai Chương trình OCOP gắn với chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; thường xuyên phân công cán bộ bám sát địa bàn tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của chương trình OCOP; việc thực hiện, phát triển sản phẩm OCOP để các cơ sở biết tham gia. Tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ xã phụ trách chương trình OCOP và các cơ sở trên địa bàn huyện; hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia chương trình. Phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và đơn vị tư vấn chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Năm 2022, huyện Vụ Bản phấn đấu có thêm 5 sản phẩm OCOP trở lên được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có từ 1-2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng 4 sao. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện Vụ Bản sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đơn vị tư vấn Chương trình OCOP tổ chức hội nghị triển khai các nội dung thực hiện Chương trình OCOP. Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích, ý nghĩa và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin của huyện, các xã, thị trấn. Tổ chức lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất về phương pháp xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh; tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường trong sản xuất; về marketing trong phát triển sản phẩm, giám sát, quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện trên các kênh truyền thống và thương mại điện tử… Đối với những sản phẩm OCOP đăng ký mới, thực hiện đúng chu trình OCOP theo 6 bước. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sản phẩm OCOP; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu./.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên