Vụ bạo hành trẻ mầm non ở Tiền Giang: Giáo viên đánh học sinh bị xử lý thế nào?

Những ngày qua, dư luận không khỏi phẫn nộ trước đoạn clip ghi lại cảnh một bảo mẫu có hành vi bạo hành dã man đối với trẻ mầm non tại một cơ sở giữ trẻ thuộc tỉnh Tiền Giang.

Vụ việc không chỉ gây bức xúc trong cộng đồng mạng mà còn dấy lên lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non. Câu hỏi đặt ra là, theo quy định của pháp luật hiện hành, những giáo viên mầm non có hành vi đánh đập học sinh sẽ bị xử lý như thế nào?

Hành vi bạo hành trẻ em gây phẫn nộ dư luận

Theo thông tin từ đoạn clip được lan truyền, vụ việc xảy ra tại một cơ sở giữ trẻ gần Khu công nghiệp Long Giang, thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Camera an ninh đã ghi lại cảnh một bảo mẫu đang sử dụng điện thoại trong khi các bé đang ngủ. Bất ngờ, người này quay lại và liên tục dùng tay đánh mạnh vào đầu và mặt một bé gái khoảng 2 tuổi, mặc cho bé khóc thét vì đau đớn. Âm thanh từ cú đánh và tiếng khóc của bé gái được camera ghi lại rõ ràng, cho thấy lực tác động không hề nhẹ.

Chưa dừng lại ở đó, trong lúc hành hung bé gái, bảo mẫu này còn tiện tay ném một chiếc gối khiến một bé trai đang ngồi gần đó bị ngã ngửa xuống đệm.

Bảo mẫu dùng tay đánh liên tục vào mặt, đầu bé gái - Ảnh: Cắt từ video

Bảo mẫu dùng tay đánh liên tục vào mặt, đầu bé gái - Ảnh: Cắt từ video

Ngay sau khi vụ việc được phát hiện và lan truyền trên mạng xã hội, Công an tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và tiến hành tạm giữ hình sự đối với bảo mẫu có hành vi bạo hành để củng cố hồ sơ, xử lý về hành vi "hành hạ trẻ em".

Giáo viên mầm non đánh học sinh sẽ đối diện với những hình thức xử lý nào?

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Hoài Nam khẳng định rằng, hành vi giáo viên mầm non đánh học sinh là một sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, giáo viên có thể phải đối mặt với các hình thức kỷ luật hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Nguyễn Hoài Nam dẫn chiếu Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT, trong đó quy định rõ trẻ em có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình. Đặc biệt, Điều 31 của Thông tư này nhấn mạnh giáo viên mầm non tuyệt đối không được có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em.

Theo Điều 28 của Thông tư 52, nhiệm vụ hàng đầu của giáo viên mầm non là bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong suốt thời gian các em ở trường. Đồng thời, giáo viên có trách nhiệm thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ theo đúng chương trình giáo dục mầm non.

Như vậy, hành vi giáo viên mầm non đánh học sinh rõ ràng đã vi phạm Điều lệ trường mầm non và đi ngược lại đạo đức nghề giáo. Đối với giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục công lập, tùy theo mức độ vi phạm, họ có thể phải chịu một trong các hình thức kỷ luật được quy định tại Điều 52 Luật viên chức 2010, bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức (chỉ áp dụng với viên chức quản lý) hoặc buộc thôi việc.

Về xử phạt hành chính, luật sư Nguyễn Hoài Nam cho biết, khoản 1 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định, hành vi xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Như vậy, giáo viên mầm non có hành vi đánh học sinh có thể bị phạt hành chính với mức phạt lên đến 10 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp hành vi đánh đập gây ra thương tích cho trẻ, giáo viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, giáo viên mầm non đánh học sinh gây thương tích dưới 11% cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích do thực hiện với người dưới 16 tuổi.

Mức phạt thấp nhất cho Tội cố ý gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Các khung hình phạt tăng nặng được quy định cụ thể như sau:

- Phạt tù từ 2 đến 6 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%.

- Phạt tù từ 5 đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây thương tích (trừ trường hợp làm biến dạng vùng mặt) hoặc tổn hại sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.

- Phạt tù từ 7 đến 14 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: làm chết người; gây thương tích làm biến dạng vùng mặt mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.

- Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu làm chết 2 người trở lên.

Vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ em tại Tiền Giang một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của những người làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này, đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và sự an toàn của trẻ em.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-bao-hanh-tre-mam-non-o-tien-giang-giao-vien-danh-hoc-sinh-bi-xu-ly-the-nao-169250406103339934.htm