Vụ bắt nhiều bác sĩ Viện Pháp y tâm thần TW Biên Hòa: Họ phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?

Theo quy định, nếu làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, kết luận giám định thì tùy trường hợp có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như nhận hối lộ, giả mạo trong công tác...

Như PLO đã đưa tin, mới đây Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt giữ nhiều bác sĩ, điều dưỡngvà nguyên lãnh đạo của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Theo nguồn tin ban đầu của chúng tôi, những người này bị bắt để phục vụ điều tra, làm rõ một số vấn đề liên quan đến kết quả giám định, điều trị bệnh nhân.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Lê Văn Bình, Đoàn LS TP.HCM cho biết kết quả giám định pháp y tâm thần có ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trách nhiệm hình sự của một người.

Cụ thể, Điều 21 BLHS 2015 quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hay Điều 40 BLHS 2015 thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà mắc bệnh tâm thần thì cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Hoặc trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh....

Do đó trên thực tế, nhiều đối tượng đã lợi dụng quy định trên để móc nối, bằng mọi cách để có trong tay "bảo bối" bệnh án tâm thần, để được "điên hợp pháp" nhằm né tránh pháp luật khi được tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án để bắt buộc chữa bệnh, thời gian chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù.

"Hành vi làm giả hồ sơ bệnh án, kết quả giám định tâm thần là rất nguy hiểm, tiếp tay cho tội phạm và sẽ bị xử lý nghiêm", LS Bình nói.

 Viện Pháp y tâm thần TW Biên Hòa, nơi Bộ Công an bắt giữ nhiều người là bác sĩ. Ảnh: VŨ HỘI

Viện Pháp y tâm thần TW Biên Hòa, nơi Bộ Công an bắt giữ nhiều người là bác sĩ. Ảnh: VŨ HỘI

Đối với vụ việc tại Viện Pháp y tâm thần TW Biên Hòa, theo LS Bình, cơ quan chức năng sẽ điều tra và làm rõ hành vi vi phạm. Khi đó mới có thể biết chính xác trách nhiệm pháp lý mà họ phải đối mặt là gì.

Còn theo quy định chung tại BLHS 2015, người có hành vi làm giả, sai lệch kết luận giám định, hồ sơ bệnh án tâm thần thì tùy thuộc vào từng trường hợp, tình tiết, hành vi cụ thể mà sẽ đối diện với những tội danh khác nhau.

Ví dụ đối với những người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao và đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án thì có dấu hiệu của tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tù từ 2-7 năm.

Tương tự trường hợp người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi như: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung bệnh án; Làm, cấp hồ sơ bệnh án giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để ban hành kết luận giám định... thì có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359 BLHS, khung hình phạt tại khoản 1 của tội này là phạt tù từ 1-5 năm.

Lưu ý, trong hai tội danh trên đều có điểm chung là người thực hiện hành vi tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc kết luận bệnh án.

Ngoài ra, trong trường hợp đối với những người không nắm giữ chức vụ quyền hạn, không được phân công thực hiện công việc thăm khám, điều trị và đưa ra kết luận mà làm giả hồ sơ bệnh án, kết luận giám định thì bị xem xét và xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS. Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 3-7 năm tù.

Về trách nhiệm của những người sử dụng hồ sơ bệnh án, kết luận giám định giả để trốn tránh trách nhiệm thì có dấu hiệu của tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS. Khung hình phạt cao nhất cũng bị phạt tù từ 3-7 năm tù.

Do vậy, tất cả các hành vi làm giả hồ sơ bệnh án, kết luận giám định tâm thần đều sẽ bị xử lý nghiêm.

ĐẶNG LÊ

plo.vn https://plo.vn/bo-cong-an-bat-nhieu-bac-si-dieu-duong-vien-phap-y-tam-than-trung-uong-bien-hoa-post795690.html

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-bat-nhieu-bac-si-vien-phap-y-tam-than-tw-bien-hoa-ho-phai-chiu-trach-nhiem-phap-ly-ra-sao-post795810.html