Vụ bé 3 tuổi bị nhốt vào tủ đông: Đau lòng hành động với con trẻ
Các chuyên gia khẳng định nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (trường hợp tủ bị đóng kín) sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tử vong.
Vụ việc cháu N.H.Đ (sinh năm 2019, trú tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) bị đối tượng Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1997, trú tại xã Chính Lý, Lý Nhân) bạo hành vào ngày 13/8 đang khiến dư luậnbức xúc.
Đối tượng Giang khai nhận đã bịt miệng, bóp cổ và đập mạnh đầu cháu xuống sàn nhà làm bé Đ. bất tỉnh và cho vào thùng carton, đặt trong ngăn đông của tủ lạnh bảo ôn. D. sau đó được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khoa Cấp cứu và chống độc cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trẻ bị nhốt vào tủ đông lạnh. Bác sĩ khẳng định, nếu trẻ không được phát hiện kịp thời, thân nhiệt hạ sâu do ở nhiệt độ lạnh quá lâu hoặc thiếu khí (nếu tủ bị đóng kín) có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Đồng quan điểm, Ths.Bs Lê Văn Dẫn - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn, khẳng định: “Nạn nhân có nguy cơ tử vong tùy vào nhiệt độ tủ đông và thời gian bị nhốt trong tủ kéo dài bao lâu”.
Ths.Bs Dẫn cũng phân tích, khi trẻ bị lạnh kéo dài sẽ gây ra tình trạng hạ thân nhiệt.
“Ngoài triệu chứng nhiễm lạnh, nạn nhân sẽ bị rối loạn các chuyển hóa trong máu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Điều này giống với 39 người Việt tử vong trong container tại Anh tháng 10/2020”, Ths.BS Dẫn phân tích.
Ths.Bs Dẫn cũng cảnh báo, trong không gian hẹp như ngăn đông tủ bảo ôn và thời gian kéo dài có thể xảy ra nguy cơ về ngạt khí.
“Tủ đông đóng kín khiến nạn nhân bị thiếu dưỡng khí, thiếu oxy, CO2 tăng lên có thể rơi vào tình trạng hôn mê”, Ths.BS Dẫn nói.
Bác sĩ Đặng Xuân Thắng - Khoa Nội tổng hợp, Đại học Y Dược - Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cũng khẳng định hành động đánh nhét bỏ trong ngăn đông vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
“Thông thường ngăn đông tủ lạnh nhiệt độ là 0 độ C. Cơ thể con người bị hạ thân nhiệt nguy hiểm hơn nhiều so với sốt, tăng thân nhiệt vì gây ngừng toàn bộ các quá trình như ngừng tim, tuần hoàn, ngừng các chức năng cơ thể như hô hấp, tiêu hóa, thần kinh… ”, bác sĩ Thắng cho biết.
Bác sĩ Thắng cũng phân tích chi tiết cháu bé được bọc trong tấm bìa: “Việc bọc cháu vào tấm bìa caton khi cho vào tủ lạnh có thể làm chậm quá trình giảm thân nhiệt của trẻ vì chính tấm bìa này mang tính cách nhiệt”.
Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Tấn Phương, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đánh giá hành vi cho trẻ nhỏ vào tủ cấp đông lạnh là cực kỳ nguy hiểm. Ngoài vấn đề thân nhiệt bị hạ, trẻ có nguy cơ thiếu oxy nghiêm trọng khi môi trường tủ lạnh kín, dẫn đến tử vong.
"Chỉ định hạ thân nhiệt chỉ thực hiện cho một số bệnh nhân mắc các bệnh lý, nhằm duy trì và hạn chế sự hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể trong lúc mổ như mổ tim. Việc hạ thân nhiệt này được chỉ huy và kiểm soát rất chặt chẽ, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ", bác sĩ Phương cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Phương, mức độ nguy hiểm đến trẻ khi bị bỏ vào tủ cấp đông lạnh phụ thuộc vào thể tích tủ lạnh và thời gian từ lúc cho trẻ vào đến khi phát hiện.
"Tủ lạnh càng nhỏ thì mức độ nguy hiểm càng cao, thiếu oxy càng nhiều, dẫn đến tổn thương đa cơ quan và nhanh tử vong", bác sĩ Phương nói.