Vụ bê bối rượu vang chấn động

Ngày 27/6/1985, Cục an toàn thực phẩm Cộng hòa liên bang Đức (Tây Đức) đã tìm thấy hai chai rượu vang Ruster Auslese sản xuất tại Áo năm 1983, bày bán trong một siêu thị ở Stuttgart có pha thêm hóa chất Diethylene glycol để tạo vị ngọt. Chỉ 1 tháng sau, 27.000.000 lít rượu vang, tương đương 36 triệu chai trên thị trường Tây Đức cũng đã bị tịch thu vì có chứa Diethylene glycol. Vụ việc gây ra sự phẫn nộ của người tiêu dùng châu Âu và nhiều nơi trên thế giới…

Vị ngọt chết người

Ngay sau khi phát hiện 2 chai rượu vang Ruster Auslese có chứa chất cấm Diethylene glycol (DEG), Cục an toàn thực phẩm Tây Đức đã cho công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, yêu cầu tất cả các cửa hàng rượu tạm ngưng mua bán các loại rượu vang xuất xứ từ Áo còn với người tiêu dùng, ai đã lỡ mua thì chưa nên uống để chờ kết quả điều tra.

Về mặt kỹ thuật, các loại rượu vang ngọt do Áo sản xuất từ nho thu hoạch muộn, xuất khẩu sang Tây Đức đều được dán nhãn theo hệ thống phân cấp tiêu chuẩn Pradikat tùy vào độ chín của nho, gồm Qualitatswein, Kabinett, Spatlese, Auslese, Beerenauslese và Trockenbeerenauslese theo thứ tự từ thấp đến cao, càng ngọt thì chất lượng càng tốt và giá càng đắt. Và mặc dù hệ thống Pradikat cho phép các nhà sản xuất pha trộn rượu vang làm từ nho thu hoạch muộn với một số loại vang khác để tạo độ ngọt nhưng Pradikat lại không chấp thuận cho đường vào rượu trong lúc nếu pha đường, giá thành sẽ rẻ hơn.

Cửa hàng rượu vang ở Stuttgart, nơi đầu tiên phát hiện 2 chai vang Áo có DEG.

Cửa hàng rượu vang ở Stuttgart, nơi đầu tiên phát hiện 2 chai vang Áo có DEG.

Cơ hội bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 1980, sự thay đổi khí hậu ở Áo đã khiến việc trồng nho trở nên khó khăn. Và mặc dù năng suất vẫn cao nhưng quả nho lại không đạt được độ chín cần thiết để tạo ra mức đường theo tiêu chuẩn Pradikat, đặc biệt là niên vụ 1982, các nhà sản xuất rượu và các nhà xuất khẩu Áo đã hoảng sợ khi phần lớn lượng rượu đang ủ trong các hầm chứa vừa loãng lại vừa chua. Để cứu vãn tình hình, một số nơi tìm cách thay đổi chất lượng rượu mà không cần phải đợi đến niên vụ mới.

Nắm bắt được điều này, Otto Nadrasky, 58 tuổi, nhà hóa học và đồng thời cũng là nhà tư vấn rượu đến từ Grafenworth, Áo, đã nảy ra ý định dùng chất hóa học Diethylene glycol (DEG) mà khi pha vào rượu vang làm từ nho chín muộn, kể cả nho mốc, nó sẽ cho vị ngọt chẳng khác gì pha chung với một số loại vang khác. Được sự đồng ý của ông Karl Grill, giám đốc Firma Gebruder Grill, là công ty sản xuất rượu vang lớn nhất nước Áo và ông Pieroth, giám đốc công ty đóng chai cùng tên, Otto Nadrasky làm thử vài trăm chai mẫu. Những chai vang có pha DEG được Karl Grill và Pieroth tặng cho một số bạn bè, đối tác, là những người sành rượu. Ngay cả các nhà nhập khẩu ở Tây Đức sau khi nếm thử loại rượu nói trên cũng đều thừa nhận rằng “nó rất tuyệt vời” nhưng chẳng ai ngờ vị ngọt của rượu được tạo bởi DEG!

Về mặt hóa học, DEG là chất lỏng không mùi, có vị ngọt và có độc tính cao. Nó hòa tan trong nước, rượu, ether, acetone và ethylene glycol. Ở lĩnh vực công nghiệp, DEG dùng làm chất chống đông, chất dẻo hóa và chất hút ẩm cho sợi bông vải, giấy, keo dán, hồ dán, màng bao, nút bần… Liều gây chết người của nó là 14gam nếu pha vào 1 lít rượu nhưng chỉ cần pha 0,1gam mỗi lít cũng đủ để gây tổn thương não, thận, nếu sử dụng lâu dài. Và mặc dù từ năm 1937, việc pha trộn DEG trong một số đồ uống đã dẫn đến hàng nghìn ca tử vong trên toàn thế giới nhưng nó lại không được công bố rộng rãi, kể cả khi bang Burgenland, Áo, phát hiện loại rượu vang Welschriesling Beerenauslese sản xuất năm 1981 có đến 48 gam DEG trong mỗi lít cũng không làm các ngành chức năng quan tâm mặc dù chỉ cần uống 1 chai, người uống sẽ… lên bàn thờ!

Vậy là bắt đầu từ tháng 3/1983 cho đến khi bị phát hiện (17/6/1985), hơn 50 triệu chai vang pha DEG, đóng chai bởi Công ty Pieroth đã được Công ty Firma Gebruder Grill cùng 36 công ty xuất khẩu khác tung ra thị trường, chưa kể hàng chục triệu chai do một số công ty Đức nhập khẩu nguyên liệu từ Áo rồi đóng chai với mẫu mã, bao bì mang nhãn hiệu của họ. Ông Steiner người Đức, một trong những nhà nhập khẩu rượu vang Áo lớn nhất thời điểm này đã nói: “Vang Áo được sản xuất hàng loạt, giá lại rẻ. Ở Tây Đức, nếu ai đó muốn một chai Beerenauslese thì họ sẽ chọn mua của Áo, vừa ngon lại vừa phù hợp với túi tiền”. Chả thế mà chỉ trong năm 1984, riêng ở Tây Đức, các cửa hàng rượu đã bán ra hơn 40 triệu chai vang Áo còn ở các nước như Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ…, con số này là 27 triệu chai. Ngay cả nước Pháp, quê hương của rượu vang, vang Áo có DEG cũng bán được 6 triệu chai!

Những thùng DEG tìm thấy tại một cơ sở sản xuất rượu vang Áo.

Những thùng DEG tìm thấy tại một cơ sở sản xuất rượu vang Áo.

Thiên bất dung gian

Tháng 3/1985, ông Adolph Schwabb, thành viên của ban giám khảo rượu vang thế giới đến Belgrad, Nam Tư để tham dự một hội chợ rượu vang. Tại đấy, ông được nghe quảng cáo về loại rượu Beerenauslese xuất xứ từ Áo. Sau khi uống thử một chai, ông Adolph Schwabb đã trả lời phỏng vấn của một tờ báo địa phương: “Tôi không hiểu làm thế nào mà người trồng nho ở Áo lại có thể cho ra sản phẩm đạt được sự đậm đà như vậy?”.

Nghi ngờ rượu có pha đường, ông Adolph Schwabb nhờ các đồng nghiệp người Nam Tư kiểm nghiệm và kết quả đã làm ông sửng sốt: “Rượu vang Beerenauslese có Diethylene glycol, hàm lượng 2gam/lít”. Ông Adolph Schwabb nói: “Thật là phẫn nộ, người ta không những đã phá hủy cả một ngành công nghiệp mà còn phá hủy cả niềm tin của người tiêu dùng, chưa kể những tổn hại lâu dài về sức khỏe. Nếu phải dùng một từ gì đó để nói về trường hợp này, tôi chỉ có thể nói 3 chữ: Vô nhân đạo!”.

Gần như ngay lập tức, chính phủ Áo biết về rượu vang có DEG trước khi nó bị phát hiện ở siêu thị Stuttgart, Tây Đức (27/6/1985). Ông Gunter Haiden, Bộ trưởng Nông nghiệp Áo tuyên bố rằng Bộ đã thông báo cho chính quyền ở tất cả các địa phương trong cả nước về sự việc nghiêm trọng này. Đến ngày 10/5, nghĩa là gần 3 tháng sau ngày ông Adolph Schwabb phát hiện rượu vang Beerenauslese xuất xứ từ Áo có DEG, chính phủ Tây Đức mới thừa nhận rằng họ đã nhận được thông tin do phía Áo cung cấp và mới bắt đầu ra lệnh kiểm tra những nơi bán rượu vang. Theo chân Tây Đức, các nước châu Âu cũng tiến hành những biện pháp tương tự còn ở Mỹ, người tiêu dùng Mỹ cho rằng Tây Đức là quốc gia duy nhất nhập khẩu rượu có DEG nhưng các phương tiện truyền thông đại chúng nhanh chóng nhận ra rằng thời điểm đó, khoảng 1.500 nhãn hiệu rượu vang Áo đã được đưa vào Mỹ.

Chỉ trong tháng 6/1985, 4 lô rượu có DEG gồm Illmitzen Felsonecker Beerenauslese, Illmitzen Kaisergarten Beerenauslese và Ruster Beerenauslese, tất cả đều sản xuất năm 1983 và lô Margerethener Auslese, sản xuất năm 1982 được tìm thấy ở tại các cửa hàng rượu ở Washington D.C. Đến cuối tháng 8, số chai vang có DEG ở Mỹ là 2,6 triệu! Chưa hết, một loại nước ép không cồn làm từ nho khi xét nghiệm cũng có DEG!

Ngày 9/7/1985, Bộ Y tế Liên bang Tây Đức đưa ra cảnh báo chính thức về sức khỏe con người trong việc tiêu thụ rượu vang Áo và nó nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Tại Bonn, thủ đô Tây Đức, nhà nhập khẩu rượu vang Áo là Anton Schmied đã đổ 18.000 lít rượu vang xuống cống thoát nước của thành phố, dẫn đến hậu quả hàng nghìn con cá hồi bị chết khi nước chảy ra suối vì nhiễm độc DEG, Anton Schmied bị bắt vì “cố ý hủy hoại môi trường”.

Cũng trong thời gian này, 27.000.000 lít rượu vang (tương ứng với 36 triệu chai) bày bán trên toàn lãnh thổ Tây Đức bị tịch thu vì có chứa DEG rồi bị tiêu hủy. 30 người liên quan đến rượu DEG bị bắt, trong đó có nhà hóa học Otto Nadrasky. Nó đã gây ra cơn địa chấn kinh hoàng với ngành công nghiệp rượu vang Áo đồng thời còn tác động tiêu cực đáng kể đến danh tiếng của rượu vang Đức.

Kết quả thực nghiệm cho thấy chỉ cần 1 gam DEG, 1 lít vang chua sẽ biến thành ngọt.

Kết quả thực nghiệm cho thấy chỉ cần 1 gam DEG, 1 lít vang chua sẽ biến thành ngọt.

Từ giữa tháng 7/1985 trở đi, rượu vang Áo ở bất kỳ thị trường nào trên thế giới đều bị tẩy chay. Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch…, tịch thu hàng chục nghìn chai, Nhật Bản ra lệnh cấm nhập khẩu và bán tất cả các loại rượu vang Áo kể từ 29/7. Ở nhiều quốc gia khác, các đại lý rượu vang đã loại bỏ vang Áo ra khỏi kệ hàng. Một thống kê của Bộ Thương mại Áo cho thấy trước năm 1985, Áo xuất khẩu 45 triệu lít vang mỗi năm nhưng năm 1986, con số này chỉ còn là 4,5 triệu lít và kéo dài đến năm 1997.

Tháng 9/1986, Otto Nadrasky cùng 16 người trong tổng số 30 người bị bắt ra tòa với tội danh làm giả đồ uống bằng hóa chất có hại cho sức khỏe. Và bởi vì phía công tố xác định cho đến ngày những chai rượu vang có DEG bị phát hiện, Tây Đức cũng như các quốc gia đã nhập khẩu vang Áo chưa ghi nhận người nào thiệt mạng vì uống loại rượu này nên Otto Nadrasky chỉ bị phạt 18 tháng tù giam, những người khác lĩnh án từ 6 tháng đến 12 tháng. Riêng Karl Grill, chủ sở hữu Công ty Firma Gebruder Grill bị kết án 15 năm vì đã “nhận thức được sự nguy hiểm khi cho DEG vào rượu nhưng vẫn cố tình thực hiện”. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau khi tòa tuyên án, Karl Grill tự sát.

Với Pieroth, giám đốc công ty đóng chai cùng tên, trong suốt 4 năm từ 1986 đến 1990, ông đã khởi kiện tại Tòa hành chính Đức để chứng minh rằng Bộ trưởng Liên bang Tây Đức về thanh niên, y tế và gia đình là Heiner Geisler đã vượt quá thẩm quyền khi Bộ này ban hành một danh sách công khai, bao gồm tất cả các loại rượu có DEG rồi khẳng định Pieroth là nơi đóng chai trước khi tung ra thị trường. Tuy nhiên ngày 18/10/1990, Tòa án hành chính Liên bang Đức ra phán quyết, cho rằng Bộ trưởng Geisler có quyền ban hành danh sách ấy.

Ông Helmut Kohl, Thủ tướng Tây Đức thời điểm này đã nói: “Đây là thảm họa đối với những người trồng nho lương thiện cũng như với hàng triệu người uống rượu. Tội phạm đang hoành hành ở ngay trong lòng nước Đức. Chúng phải bị trừng phạt với mức tối đa của pháp luật”.

Tháng 3/1996 tòa án Koblenz, Tây Đức, tuyên Pieroth phạm tội đồng lõa và phải nộp phạt 1 triệu mark Đức. Vụ án rượu vang DEG khép lại nhưng hậu quả đã khiến ngành công nghiệp rượu vang Áo rơi vào khủng hoảng khi khách hàng đồng loạt quay lưng với những chai rượu mang dòng chữ “Fabriqué en Autriche - Sản xuất tại nước Áo”, kéo dài đến cuối thập niên 1990. Ngay như thành phố Rust, nơi có những đồn điền trồng nho và những nhà sản xuất rượu vang nhỏ lẻ, không hề biết đến DEG là gì nhưng vẫn bị ảnh hưởng.

Ông Heribert Altinger, thị trưởng Rust nói: “Doanh số bán hàng sụt giảm, khách du lịch thưa thớt. Đây là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở khu vực này kể từ Thế chiến II"…

Vũ Cao (Theo Economics Review)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/vu-be-boi-ruou-vang-chan-dong-i733738/