Vụ bé gái 3 tuổi có 9 vật thể giống đinh ghim vào hộp sọ: Hành vi độc ác, tàn nhẫn, mất tính người
Công an huyện Thạch Thất đã bàn giao người tình của mẹ cháu bé lên Phòng CSHS Công an Hà Nội để làm rõ việc bé gái 3 tuổi nhập viện trong tình trạng có 9 vật thể lạ giống đinh ghim vào hộp sọ.
Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã bàn giao nghi can Nguyễn Trung H (SN 1992, ở địa phương) cho Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội để điều tra vụ việc bé Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) có vật thể lạ giống đinh găm vào hộp sọ. Nghi can H chính là người tình của chị N.T.L. (mẹ bé A).
Được, bé A. là con út trong gia đình có 3 chị em. Sau khi bố mẹ ly hôn, bé A. về ở cùng mẹ tại một nhà trọ ở xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), còn 2 chị gái ở cùng bố.
Chia sẻ về vụ việc đau lòng này, Ts. Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, thông tin này quá sốc với nhiều người, nếu kết quả xác minh đúng là những chiếc đinh đã ghim vào đầu cháu bé ở nhiều phía khác nhau như vậy thì chắc chắn là có tác động ngoại lực chứ không phải là một vụ tai nạn thông thường.
Mặc dù mới 3 tuổi nhưng xương sọ của cháu bé cũng đã cứng chắc, để những chiếc đinh kim loại xuyên vào đó không dễ dàng chút nào và hành vi đó có thể đoạt mạng mạng nạn nhân. Chỉ cần một chiếc đinh đâm xuyên hộp sọ là cũng có thể khiến nạn nhân tử vong. Hành vi xuyên đinh kim loại vào đầu cháu bé (nếu có) vì bất cứ lý do gì thì đó là hành vi giết người. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 (NLHS 2015).
"Trường hợp xác định các dị vật là những chiếc đinh kim loại thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Sau khi khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để xác định ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi tác động để những chiếc đinh đó xuyên vào đầu cháu bé. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành lấy lời khai của những người trực tiếp chăm sóc cháu bé, những người thường xuyên tiếp cận với cháu bé để làm rõ nguyên nhân.
Trong trường hợp xác định có người đã đóng đinh vào đầu cháu bé thì sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi, làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của người này. Nếu với một người không bị bệnh tâm thần mà thực hiện một hành vi ghê rợn như vậy thì con người này quá độc ác, tàn nhẫn, mất hết tính người.
Nếu bị xử lý về tội "Giết người" thì đối tượng phạm tội sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như phạm tội với người dưới 16 tuổi; có tính chất côn đồ; thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ nên hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Cường phân tích.
Cũng theo Ts. Ls Cường, sự việc này chắc chắn phải diễn ra trong một quá trình, cháu bé sẽ đau đớn, vật vã trong một thời gian rất dài nên những người xung quanh hoàn toàn có thể biết sự việc. Bởi vậy, trường hợp đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi giết người bị xử lý hình sự nhưng người biết sự việc mà không trình báo với cơ quan chức năng cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội "không tố giác tội phạm".
Với thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì trước khi nhập viện, cháu bé đang sống cùng mẹ và cha mẹ cháu đã ly hôn. Trong thời gian chung sống cùng mẹ, cháu đã nhiều lần nhập viện trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Cho nên, rất có thể đây là hành vi bạo hành, thậm chí là hành vi nhằm mục đích sát hại cháu bé.
Được biết, nơi sinh sống của cháu bé là làng nghề mộc, việc sử dụng những thiết bị như súng bắn đinh để làm đồ gỗ là rất phổ biến. Bởi vậy, dị vật trên đầu cháu bé rất có thể do súng bắn đinh gây ra. Việc sử dụng súng bắn đinh phải do người lớn, người có nghề thì mới làm được. Với những khẩu súng bắn đinh đang sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay thì việc bắn ra những chiếc đinh như vậy có thể được thực hiện một cách rất nhanh chóng, dễ dàng. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những vấn đề này và những người có liên quan để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Đối với những vụ án ly hôn thì sau khi ly hôn con sẽ do cha hoặc mẹ nuôi. Nếu cha và mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng thì sẽ giao cho ông, bà và những người giám hộ khác sẽ thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em cho đến khi trưởng thành. Trong quá trình nuôi dưỡng, nếu những người thân trong gia đình phát hiện việc cháu bé bị bạo hành, bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng và đề nghị thay đổi người giám hộ phải thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.
Từ những vụ trẻ em bị bạo hành gần đây cho thấy, những em sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, sống chung với cha dượng, mẹ kế hoặc trẻ em bị khuyết tật là những trẻ em dễ bị bạo hành, xâm hại. Đây là những trẻ em thuộc nhóm yếu thế, có nguy cơ bảo hành phải bị xâm hại cao cần phải được xã hội quan tâm, giúp đỡ và bảo vệ. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại rất cao kể cả trong trường hợp đang sống cùng cha mẹ.
Đối với những trẻ em mà cha mẹ ly hôn thì nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao hơn rất nhiều lần. Trong những vụ án ly hôn, để những đứa trẻ ít bị thiệt thòi nhất thì cần phải có sự quan tâm giám sát của người không trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé phải đồng thời cần phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ.
Đây là một sự việc nghiêm trọng, gây rúng động dư luận, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ sự việc, những kết luận về dị vật có phải là chiếc đinh kim loại hay không; ai là người đã tác động để những chiếc đinh này ghim vào đầu cháu bé là những yếu tố quan trọng để quyết định có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không", Ts. Ls Cường nhận định.