Vụ bé trai mồ côi cha bị tổn hại 12% sức khỏe: Cần một bản án nghiêm minh, bảo vệ quyền trẻ em

Pháp luật Việt Nam bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em, mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều phải được xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa cho xã hội.

Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa, bé trai L.V.A.V, sinh năm 2007, trú tại ngõ Đỗ Nhuận, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã bị một người đàn ông là Đỗ Cao Cường sống gần nhà tấn công tàn nhẫn, gây tổn hại 12% sức khỏe.

Đáng chú ý cháu L.V.A.V thời điểm bị hành hung chưa đủ 16 tuổi. Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố vụ án hình sự "cố ý gây thương tích" theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự sau khi kết quả giám định cho thấy cháu V. bị gãy sống mũi và tổn thương nặng nề.

Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã quyết định xét xử sơ thẩm vào 14h ngày 17/6/2024.

Cháu L.V.A.V, sinh năm 2007 bị hành hung gây tổn hại 12% sức khỏe. Ảnh: Gia đinh cung cấp

Cháu L.V.A.V, sinh năm 2007 bị hành hung gây tổn hại 12% sức khỏe. Ảnh: Gia đinh cung cấp

Tuy nhiên, chị Trịnh Thị Diệu Linh, mẹ cháu V., lo lắng về sự an toàn của gia đình khi Đỗ Cao Cường không có động thái thăm hỏi, bồi thường mà còn tiếp tục chửi bới, đe dọa.

Gia đình chị Linh đã cung cấp video và tài liệu chứng minh hành vi của Đỗ Cao Cường, bao gồm các video quay lại hành vi đe dọa và chửi bới.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã có quan điểm về sự việc gửi tới Tạp chí Trẻ em Việt Nam: "Hành vi đánh trẻ em gây thương tích là không thể chấp nhận được dù bất kể lý do là gì. Pháp luật Việt Nam bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em, mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em thì đều phải được xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, bảo vệ quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.

Vụ việc trên, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2, điều 134 bộ luật hình sự. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là khi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người đánh trẻ em về tội cố ý gây thương tích nhưng gia đình vẫn lo lắng bất an và gửi đơn thư kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng trong đó có hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Với sự việc như vậy, khi gia đình cháu bé cung cấp các chứng cứ bị can biểu hiện chửi bới đe dọa thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn theo hướng nghiêm khắc hơn để để đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và đề phòng tình huống nguy hiểm.

Cũng theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm: “Qua các chứng cứ mà gia đình người bị hại cung cấp thì cơ quan tiến hành tố tụng cần thận trọng xem xét đánh giá có hành vi cản trở hoạt động điều tra truy tố xét xử hay không, có hành vi đe dọa trả thù người bị hại hay không, có dấu hiệu bị can bị cáo tiếp tục phạm tội hay không để thay đổi biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Quá trình xét xử sơ thẩm thì gia đình người bị hại cũng có quyền đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo, đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn để đảm bảo thi hành án và đảm bảo an toàn cho gia đình người bị hại”.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cùng với đó, với tư cách là Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ, Luật Sư Đặng Văn Cường cho biết: "Sau khi nhận được đơn thư kêu cứu của gia đình người bị hại, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đến tòa án quận Hai Bà Trưng, đề nghị xem xét nội dung đơn và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng có thể nhờ các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của người bị hại tại phiên tòa.

Đây là vụ việc phức tạp, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của bị can, bị cáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội bởi vậy rất cần một bản án đủ sức răn đe để phòng ngừa chung cho xã hội, bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền con người".

Tạp chí Trẻ em Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin về vụ việc này để đảm bảo công lý cho bé trai L.V.A.V và gia đình.

Ngày 14/6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có văn bản số 95/CV- HBVQTE gửi Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng nêu rõ:

Ngày 12/06/2024, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội) nhận được Đơn Kiến nghị khẩn cấp của bà Trịnh Thị Diệu Linh trú tại số 26/58, ngõ Đỗ Thuận, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về việc con trai là L.V.A.V, sinh ngày 16/12/2007 là bị hại trong vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 129/2024/TLST-HS ngày 17/5/2024.

Theo nội dung đơn, ngày 30/11/2023, bị cáo Đỗ Cao Cường có hành vi cố ý gây thương tích gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe của cháu L.V.A.V.

Tại thời điểm xảy ra vụ án, cháu Vũ là người dưới 16 tuổi. Tỷ lệ thương tích của cháu Vũ theo Thông báo kết luật giám định số 530/TB-ĐTTH là 12%. Qua trao đổi trực tiếp tại Văn phòng Hội vào ngày 12/6/2024, bà Linh bày tỏ thắc mắc với việc cơ quan tiến hành tố tụng không bắt tạm giam bị cáo Đỗ Cao Cường mà để bị cáo tiếp tục có hành vi đe dọa cháu V. và gia đình

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được quy định tại Khoản 4 Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016, Hội chuyển đơn của bà Trịnh Thị Diệu Linh đến Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Đề nghị quý Tòa án xem xét, đưa ra phán quyết bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của cháu L.V.A.V, áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ cháu V.. (Gửi kèm Công văn này gồm Đơn của bà Trịnh Thị Diệu Linh và các giấy tờ liên quan khác).

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/vu-be-trai-mo-coi-cha-bi-ton-hai-12-suc-khoe-can-mot-ban-an-nghiem-minh-bao-ve-quyen-tre-em-d4708.html