Vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp: Cần cẩu 80 tấn bị trục trặc tại hiện trường
Đã bước sang ngày thứ 15, nhưng công tác cứu hộ bé trai gặp nạn ở Đồng Tháp vẫn đưa đạt được kết quả như mong đợi.
Sáng 14/11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, các lực lượng vẫn khẩn trương triển khai công tác đưa thi thể bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống ống trụ bê tông tại công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) lên để gia đình lo hậu sự.
Tổ điều hành tại công trường cầu Rọc Sen tiếp tục đào đất bằng gầu cạp kết hợp gầu ngoạm bên ngoài ống vách. Hiện, đã cắt xong 3 đầu cọc bê tông, đã hạ và đang hàn lắp đặt khung chống tầng 6. Dự kiến trong sáng nay (ngày 14/1) sẽ hoàn thành bước đóng cọc ván thép và lắp đặt các tầng văng chống.
Tuy nhiên, trong thời gian đào, cần cẩu 80 tấn bị trục trặc đường ống dẫn dầu. Ngay sau đó, tổ điều hành tại công trường đã điều động 2 nhóm thợ sửa chữa. Cụ thể, 1 nhóm từ công trường lân cận sang để sửa chữa ngay trong buổi chiều 13/1 và 1 nhóm từ TP. HCM đến để trực bảo trì đảm bảo cho cẩu hoạt động liên tục.
Như đã đưa tin, vào trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba người bạn vào công trình cầu kênh Rọc Sen và không may gặp nạn. Tại đây, Nam bị rơi xuống trụ bê tông rỗng bên trong có đường kính 25cm. Trụ bê tông này đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng cùng phương tiện chuyên dụng được huy động đến hiện trường giải cứu bé trai.
Tối 4/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhận định bé Thái Lý Hạo Nam đã tử vong.
Sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị bộ, sở, ngành địa phương, các chuyên gia và thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình.
Nhiều thiết bị phục vụ cứu nạn cũng được bổ sung đến hiện trường như: gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1m, ống vách đường kính 1m và 2m, búa rung 180kW và máy phát điện.
Đến nay đã 15 ngày triển khai công tác cứu hộ với nhiều thiết bị máy móc và hàng trăm người thay phiên cứu hộ. Lực lượng cứu hộ hiện vẫn làm việc ngày đêm với sự tư vấn của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Quá trình cứu hộ được đánh giá là khó khăn trong công tác đào đất sét cứng và cắt cọc trong điều kiện khó khăn, chật hẹp.