Vụ biệt thự nhiều vi phạm: Phá toàn bộ hàng rào, thi công dù có lực lượng chức năng
Dù TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm tại công trình biệt thự số 09 lô B (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), nhưng sáng 3-1, các công nhân đã phá bỏ toàn bộ hàng rào do chính quyền dựng trước đó.
Liên quan đến công trình biệt thự số 09 lô B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có nhiều vi phạm mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản chuyển đơn của công dân đến UBND quận Cầu Giấy để xem xét xử lý.
Sáng 3-1, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục đến khu vực công trình này để ghi nhận. Tại đây, dù đang bị đình chỉ nhưng chủ đầu tư vẫn cho công nhân thi công rầm rộ. Biệt thự này đã được sơn màu vàng. Dù đang bị đình chỉ nhưng chỉ trong vài ngày, nhiều hạng mục tại công trình này đã hoàn thiện.
Đáng chú ý, hàng rào tôn (do UBND phường Yên Hòa dựng) đã bị "phá" hoàn toàn, hàng chục công nhân công khai thi công rầm rộ.
Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, và một lãnh đạo UBND phường Yên Hòa, đều cho biết "có thể trong những ngày nghỉ họ đã phá hàng rào, tôi sẽ chỉ đạo xử lý luôn".
Ngày 30-12, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội đã lần thứ 2 có công văn gửi UBND quận Cầu Giấy về việc tham gia ý kiến về việc cấp giấy phép xây dựng lại căn biệt thự trên. Theo đó, Sở QH-KT Hà Nội đề nghị Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy đối chiếu với Quy hoạch mặt bằng đã được phê duyệt để xem xét, giải quyết. Trường hợp, áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) có sự thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, tầng cao công trình) so với Quy hoạch mặt bằng của dự án đã được phê duyệt trước đây, cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Quy hoạch mặt bằng tỷ lệ 1/500 nêu trên theo quy trình, quy định hiện hành, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Như vậy, dù Sở QK-KT Hà Nội không đồng ý cấp phép bổ sung và yêu cầu phải xử lý theo đúng quy định nhưng chủ đầu tư công trình này vẫn bất chấp, vẫn cho công nhân thi công rầm rộ. Còn chính quyền địa phương thì vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để các vi phạm tại công trình biệt thự này.
Trước đó, Ban Dân Nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội… đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý triệt để công trình có nhiều vi phạm này nhưng thực tế cho thấy đến nay, UBND quận Cầu Giấy vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.
Theo UBND quận Cầu Giấy, công trình trên do ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà làm chủ đầu tư (ông Duyên là chủ của một công ty chuyên sản xuất xi măng - Xi măng Duyên Hà - PV). Lô đất số 09 nêu trên được quy định về quy mô xây dựng công trình là 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 33%, hệ số sử dụng đất 1,00. Ngày 12-11-2020, UBND quận Cầu Giấy đã cấp Giấy phép xây dựng số 638/GPXD cho ông Duyên và bà Hà với quy mô 3 tầng nổi, mật độ xây dựng 25,2%. Tuy nhiên, hiện công trình xây dựng trên có quy mô 3 tầng nổi + tầng áp mái + tầng hầm; mật độ xây dựng khoảng 50% tương ứng với diện tích sàn xây dựng khoảng 150 m2 (sai quy mô số tầng và mật độ xây dựng so với giấy phép xây dựng được cấp).
"UBND phường Yên Hòa đã rào tôn công trình vi phạm trên. Tuy nhiên, chủ đầu tư tự ý phá dỡ hàng rào, tiếp tục xây dựng ngoài giờ hành chính. UBND phường Yên Hòa đã lập biên bản làm việc vào các ngày 18-11, 2-12 yêu cầu khôi phục hiện trạng rào tôn và ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm; đồng thời phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận thiết lập hồ sơ cưỡng chế theo quy định và tham mưu UBND quận" - UBND quận Cầu Giấy cho biết.
"Thậm thụt" hợp thức hóa biệt thự vi phạm?
Đáng chú ý, theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, mặc dù đã có quyết định về việc đình chỉ và buộc tháo dỡ, cưỡng chế phần công trình vi phạm nhưng hiện UBND quận Cầu Giấy lại đang xin ý kiến Sở QH-KT, Sở Xây dựng Hà Nội đối với việc cấp Giấy phép xây dựng công trình tại số 09.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc UBND quận Cầu Giấy đang xin ý kiến Sở QH-KT và Sở Xây dựng Hà Nội đối với việc cấp giấy phép xây dựng công trình trên "có vẻ như các ông (chính quyền UBND quận Cầu Giấy và chủ đầu tư) đang "thậm thụt" với nhau để hợp thức hóa vi phạm".
"Từ trước đến nay, việc xử lý các vi phạm tại công trình này chính quyền không làm đến nơi đến chốn thì tại sao bây giờ lại xin ý kiến cấp phép bổ sung, như vậy là xin hợp thức hóa cho chủ đầu tư, giúp chủ đầu tư hợp thức hóa vi phạm. Thanh tra Bộ Xây dựng phải vào cuộc xem xét lại, nếu không dư luận sẽ không phục. Đối với việc xử lý cán bộ vi phạm liên quan thì phải tùy theo mức độ để xử lý nghiêm từng cá nhân, tổ chức vi phạm" - vị phó Ban Dân nguyện nêu vấn đề.
Ngày 2-12 vừa qua, phóng viên Báo Người Lao Động còn bị một số người từ công trình xông ra cản trở, xúc phạm, đe dọa khi đang tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.