Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Viện kiểm sát xác định ông trùm bị bắt, không phải đầu thú
Viện KSND tỉnh Đồng Nai xác định, bị cáo Đào Ngọc Viễn có đến trình diện, nhưng không khai nhận, không trình bày hành vi phạm tội. Sau đó, bị cáo có quyết định bị bắt giữ, không phải đầu thú.
Ngày 21/11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu và nhận hối lộ với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) và bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) với đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai quy buộc bị cáo Viễn và bị cáo Hữu phạm tội buôn lậu gần 200 triệu lít xăng và đề nghị mức án 16-17 năm tù.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Ngọc Viễn đề nghị tòa trả hồ sơ hoặc giảm khung hình phạt đối với bị cáo Viễn, bởi số chuyến tàu chở xăng, sức chở của các tàu cần phải xác định cũng như cần làm rõ số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo vì số tiền thực tế bị cáo thu lợi không đến 2.000 đồng/lít.
Luật sư cho rằng, tàu biển Pacific Ocean và Western Sea là tài sản của vợ chồng bị cáo Viễn đứng tên chủ sở hữu là Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng (TP Hải Phòng) với số tiền góp vốn là 19,3 tỷ đồng (vay của ngân hàng) nên cần trả lại cho Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng để giải quyết với ngân hàng. Ngoài ra, cơ quan điều tra chưa xác định được số xăng bị cáo Viễn bán sang Campuchia.
Các luật sư bảo vệ cho bị cáo Phan Thanh Hữu cũng cho rằng thân chủ của mình khai không bán số lượng khoảng 35 triệu lít xăng cho Công ty Vân Trúc là có cơ sở. Do đó, số tiền thu lợi bất chính thấp hơn số liệu cáo trạng đã quy kết.
Các luật sư cũng đề nghị không tịch thu tàu Nhật Minh 06 vì tàu này không tham gia vận chuyển xăng nhập lậu. Luật sư đề nghị HĐXX giảm nhẹ khung hình phạt đối với bị cáo Hữu.
Tranh luận với các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng tàu Pacific Ocean và Western Sea là phương tiện, vật chứng phạm tội nên cần tịch thu. Những cá nhân, tổ chức liên quan đến các tàu này có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
Về số lượng xăng nhập lậu, số chuyến hàng, khoản tiền thu lợi bất chính (2 ngàn đồng/lít), Viện KSND tỉnh cho rằng số liệu này đã dựa trên cơ sở tài liệu, giấy tờ, sổ sách thu được từ nhà của các bị cáo và trên các tàu vận chuyển xăng, sao kê tài khoản, quá trình lấy lời khai, xét hỏi các bị cáo... Quá trình điều tra, các bị cáo đã tự xác định số tiền thu lợi hơn 2 ngàn đồng/lít. Cơ quan điều tra chỉ tính trung bình các bị cáo thu lợi bất chính 2 ngàn đồng/lít là số tiền thu lợi thấp nhất và có lợi nhất cho các bị cáo.
Ông trùm có trình diện nhưng không thú tội
Trước thông tin của luật sư cho rằng bị cáo Viễn đã đến quán cà phê gặp công an để đầu thú, Viện KSND tỉnh xác định, bị cáo Viễn có đến trình diện tại quán cà phê, nhưng sau đó về cơ quan điều tra thì bị cáo không khai nhận, không trình bày hành vi phạm tội. Sau đó, bị cáo bị bắt giữ. Tuy nhiên, thông qua hồ sơ và quá trình xét hỏi, trong phần luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh đã đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ do bị cáo tự nguyện ra trình diện (không phải đầu thú).
Với ý kiến của luật sư về việc cần xác định số xăng bị cáo Viễn nhập lậu và bán sang Campuchia, đại diện Viện KSND tỉnh cho biết, cáo trạng chỉ xác định số xăng tiêu thụ tại Việt Nam gần 200 triệu lít. Do vậy, việc các bị cáo khai có bán xăng sang Campuchia thì kiến nghị tách thành một vụ án khác để làm rõ thêm hành vi này của các bị cáo.
Đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai khẳng định, mặc dù tàu Nhật Minh 06 của bị cáo Phan Thanh Hữu không tham gia vận chuyển xăng nhập lậu, nhưng tàu đã được bị cáo làm ụ nổi chứa xăng nhập lậu để phân phối đi tiêu thụ nên con tàu này cũng là tang vật của vụ án cần phải tịch thu.
Viện KSND tỉnh cho rằng, luật sư đề nghị trả hồ sơ hoặc chuyển khung hình phạt đối với các bị cáo là không có căn cứ vì đây là các bị cáo tham gia vai trò cầm đầu trong vụ án. Viện KSND vẫn bảo lưu quan điểm luận tội và đề nghị HĐXX xem xét.