Vụ camera 'ngó' qua nhà hàng xóm: Chỉ được chấp nhận bồi thường oan sai 170 triệu đồng
Người bị oan sai có đơn yêu cầu bồi thường tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng, nhưng Viện KSND TP. Cà Mau trước mắt thỏa thuận được cách tính các khoản tổn thất tinh thần, chi phí đi lại… với số tiền hơn 170 triệu đồng.
Ngày 6/12, VKSND TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã có buổi thương lượng việc bồi thường đối với anh Huỳnh Thanh Lam - người bị oan sai trong vụ camera ‘ngó’ nhà hàng xóm mà Báo Tiền Phong đã có nhiều bài phản ánh.
Theo đó, anh Lam đã yêu cầu bồi thường tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía đại diện VKSND TP. Cà Mau chỉ chấp nhận số tiền thỏa thuận hơn 170 triệu đồng.
Hai bên chưa thỏa thuận được các khoản thiệt hại về các giao dịch kinh doanh mua bán trong thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú; việc không thể đăng ký thành lập doanh nghiệp do trong thời gian bị khởi tố; chi phí luật sư.
Nêu ý kiến về việc thương lượng, anh Huỳnh Thanh Lam cho rằng cần xem xét lại khái niệm lương cơ sở để xác định số tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần, đi lại; yêu cầu xem xét lại thời gian cấm đi khỏi nơi cư trú.
“Người có thu nhập ổn định từ lương phải khác với người không có thu nhập ổn định nên không thể đánh đồng bằng cách lấy mức lương cơ sở để áp dụng. Nếu người không có thu nhập ổn định từ lương thì có thể áp dụng mức lương cơ sở, còn người có thu nhập ổn định thì phải xác định theo mức lương của người đó”, anh Lam nêu quan điểm.
Xem xét lại cách tính chi phí luật sư bào chữa
Đối với chi phí thuê luật sư bào chữa, theo anh Lam, Viện KSND TP. Cà Mau áp dụng theo số ngày thực tế luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng để bồi thường cho ông số tiền chỉ gần 900.000 đồng là không hợp lý. Trong khi đó, ông có hợp đồng dịch vụ thuê luật sư là 90 triệu đồng.
Cụ thể, VKS căn cứ nghị định 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật luật sư; thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTP ngày 12/12/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Đó là mức thù lao được trả cho một ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Ngày làm việc của luật sư được tính trên cơ sở 8 giờ làm việc. Nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 6 giờ thì tính ½ ngày làm việc. Như vậy, luật sư tham gia phiên tòa chỉ có 1,5 ngày x 1.490.000 đồng (ngày làm việc của luật sư) x 0,4 = 894.000 đồng.
Nói về vấn đề này, anh Lam cho rằng: “Trường hợp này tôi có hợp đồng thuê luật sư rõ ràng. Hơn nữa, chi phí để một luật sư tham gia bào chữa theo hợp đồng dịch vụ hoàn toàn khác so với trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Vì để tham gia bào chữa theo hợp đồng dịch vụ, ngoài việc tham gia tố tụng thì luật sư còn phải có chi phí đi lại để tiếp cận hồ sơ vụ án, thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, thời gian làm việc, tư vấn các thủ tục, hồ sơ pháp lý, hỗ trợ soạn thảo các văn bản...”.
Về việc này, đại diện Viện KSND TP. Cà Mau có ý kiến sẽ xem xét lại cách tính chi phí luật sư bào chữa để có căn cứ chính xác trong việc giải quyết bồi thường.
Như Tiền Phong đã phản ánh, anh Lam là bị can duy nhất trong vụ án “Hủy hoại tài sản” mà cơ quan CSĐT Công an TP. Cà Mau khởi tố ngày 8/12/2019, khi anh có hành vi dùng cây tác động làm hư hỏng 2 camera nhãn hiệu KBVISION, model: KX 1003C4 trị giá 2,2 triệu đồng (sau này định giá lại 1,1 triệu đồng – PV) của nhà hàng xóm.
Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an TP. Cà Mau xét thấy hành vi của anh Huỳnh Thanh Lam không cấu thành tội phạm nên có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với anh Lam.
Ngày 24/11, ông Trần Quốc Hội, Phó Viện trưởng VKSND TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau đại diện cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với anh Huỳnh Thanh Lam theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.