Vụ căn nhà 'cõng' 2 vụ kiện tại Quận 8: Sau 10 năm tranh chấp, vụ án vẫn đang… sơ thẩm (!)
Nếu tính cả bản án đầu tiên liên quan đến chủ nhân căn nhà thì việc tranh chấp đã kéo dài hơn ¼ thế kỷ! Mới đây, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/9/2023, ngay sau phần thủ tục, Tòa án nhân dân (TAND) Q8 đã quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TPHCM giải quyết theo thẩm quyền, do có yếu tố nước ngoài. Vụ án tiếp tục kéo dài, chưa có hồi kết…
Từ căn nhà "gả” 2 lần…
Cách đây đúng 26 năm, TAND TPHCM ra Bản án số 490 ngày 13/10/1997, buộc cụ Lê Thị Trước (SN 1942, mất ngày 10/01/2015) phải trả cho ông Nguyễn Đức Hùng số tiền cả gốc và lãi là 187,12 triệu đồng. Ngày 03/9/1998, Cơ quan (nay là Chi cục) THADS Q8 tổ chức bán đấu giá căn nhà số 344 và lầu 1 căn nhà số 346 Phạm Thế Hiển, P3Q8 của cụ Trước để thi hành án (THA). Ông Dương Quốc Hoàng (SN 1965, ngụ P10, Q.Gò Vấp, TPHCM) trúng đấu giá 2 căn nhà trên với số tiền 219,9 triệu đồng.
Là người trúng đấu giá, nhưng hơn 11 năm ông Hoàng không nhận được nhà do cụ Trước liên tục khiếu tố, cho rằng việc bán đấu giá trái pháp luật. Ngày 25/12/2008, tại Chi cục THADS Q8, ông Hoàng ký thỏa thuận cho cụ Trước chuộc lại 2 căn nhà trên. Ngày 26/12/2008, ông Hoàng ký HĐ mua bán giấy tay 2 căn nhà trên với bà Trước, giá 61 lượng vàng SJC. Cụ Trước đặt cọc 5 lượng SJC, hẹn ngày 01/4/2009, hai bên ký HĐ công chứng sẽ giao tiếp số vàng còn lại. Tuy nhiên, sau đó cụ Trước không tiếp tục thực hiện HĐ và đề nghị ông Hoàng giao dịch với bà Huỳnh Ngọc Mỹ (SN 1956, ngụ P3Q8).
Ông Hoàng xác định: Ông đã nhận của bà Mỹ 15 lượng SJC. Đến ngày 20/7/2009, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Xem ký HĐ công chứng mua bán 2 căn nhà trên với bà Mỹ giá 600 triệu đồng. Theo HĐ, bà Mỹ đưa trước 100 triệu đồng, số tiền còn lại, giao đủ khi các bên hoàn tất thủ tục hợp thức hóa nhà. Ông Hoàng cho rằng, HĐ ngày 20/7/2009 là giả cách, mục đích để bà Mỹ làm thủ tục sang tên 2 căn nhà và ông cũng không nhận 100 triệu đồng. Thực tế, ông bán 2 căn nhà cho bà Mỹ giá 61 lượng SJC, yêu cầu bà này thực hiện theo thỏa thuận ngày 25/12/2008, có bà Mỹ ký tên. Ông đã nhận 20 lượng SJC (trong đó có 5 lượng của cụ Trước), bà Mỹ phải thanh toán tiếp 41 lượng SJC. Nếu bà Mỹ không đồng ý thì trả lại 2 căn nhà, ông sẽ hoàn cho bà 15 lượng SJC.
Bà Mỹ trình bày: Bà ký vào văn bản ngày 25/12/2008 để chứng kiến việc thỏa thuận giữa ông Hoàng với cụ Trước. Do cụ Trước đổi ý không chuộc lại nhà nữa nên ngày 28/4/2009, vợ chồng ông Hoàng thỏa thuận bán 2 căn nhà trên cho bà giá 900 triệu đồng. Bà đặt cọc 15 lượng vàng, tương đương 300 triệu đồng. Ngày 20/7/2009, hai bên ký HĐ công chứng với giá 600 triệu. Bà đã trả thêm 100 triệu, còn lại 500 triệu sẽ giao đủ khi các bên hoàn tất thủ tục sang tên. Mặt khác, bà đã thỏa thuận với cụ Trước tự nguyện giao 2 căn nhà; bà đưa cho cụ 500 triệu đồng để mua căn nhà khác tại xã Tân Kiên, huyện Cần Giuộc, Long An.
Ông Hoàng khởi kiện yêu cầu bà Mỹ trả 41 lượng vàng SJC còn thiếu theo HĐ giấy tay. Bà Mỹ chỉ chấp nhận trả 500 triệu đồng theo HĐ công chứng.
… Đến 2 cấp tòa "tréo ngoe" (!)
Bản án sơ thẩm ngày 24/4/2014 của TAND Q8 tuyên công nhận HĐ mua bán nhà ngày 20/7/2009, buộc bà Mỹ thanh toán cho nguyên đơn 500 triệu đồng. Vợ chồng ông Hoàng giao cho bà Mỹ toàn bộ giấy tờ 2 căn nhà.
Bản án phúc thẩm số 1303/2014/DSPT (Bản án 1303) ngày 25/9/2014 của TAND TPHCM tuyên: Sửa án sơ thẩm, công nhận HĐ mua bán nhà, buộc bà Mỹ thanh toán cho nguyên đơn 1,473 tỷ đồng còn thiếu. Theo HĐXX phúc thẩm, giá bán nhà vẫn là 600 triệu đồng, bà Mỹ đã trả trước 100 triệu, còn lại 500 triệu đồng tương đương 83,33% giá trị nhà đất tranh chấp, theo biên bản định giá ngày 04/6/2013 là 1,79 tỷ đồng. Do ông Hoàng chỉ yêu cầu trả 41 lượng vàng SJC (tương đương 1,473 tỷ đồng), nên HĐXX chỉ buộc bà Mỹ trả ông 1,473 tỷ đồng.
Ngày 21/10/2014, Chi cục trưởng Chi cục THADS Q8 ký Quyết định (QĐ) thi hành Bản án 1303. Cho rằng bà Mỹ không tự nguyện THA nên ngày 16/11/2015, Chi cục ban hành 2 văn bản "cưỡng chế THA" bằng biện pháp kê biên 2 căn nhà trên và "dự trù chi phí cưỡng chế" hơn 25 triệu đồng. Thời gian cưỡng chế được ấn định lúc 9 giờ 30 ngày 30/11/2015.
Bà Mỹ khiếu nại, cho rằng 2 căn nhà chưa thuộc quyền sở hữu của bà. Hơn nữa, bà đã khiếu nại Bản án 1303, đang chờ TAND Tối cao xem xét, giải quyết. Chưa hết, 2 căn nhà trên còn liên quan đến 1 vụ tranh chấp khác với nguyên đơn là cụ Trước khởi kiện ông Hoàng, được TAND Q8 thụ lý từ đầu năm 2015. Do cụ Trước đột ngột qua đời nên tòa đình chỉ vụ án. Ba người con của cụ tiếp tục khởi kiện, được TAND Q8 thụ lý lại vào ngày 26/10/2015. Bà Mỹ xin tạm hoãn THA chờ kết quả xử lý của tòa. Cả 3 đồng nguyên đơn cũng có đơn đề nghị tạm hoãn THA nhằm tránh để xảy ra hậu quả không thể khắc phục. Tuy nhiên, Chi cục THADS Q8 cho rằng,việc hoãn THA là không có cơ sở nên vẫn thực hiện cưỡng chế theo kế hoạch.
Sau khi xem xét, ngày 04/5/2016, Chánh án TAND Tối cao ký QĐ kháng nghị đối với Bản án 1303. Tại phiên Giám đốc thẩm ngày 25/5/2017, TAND Cấp cao tại TPHCM chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao, tuyên hủy Bản án 1303 và bản án sơ thẩm ngày 14/4/2014, giao hồ sơ cho TAND Q8 xét xử lại sơ thẩm. TAND Q8 thụ lý lại vụ án ngày 25/12/2017. Trải quan gần 6 năm, 2 bên vẫn chưa thống nhất được số tiền. Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu bà Mỹ phải trả 41 lượng vàng SJC; bà Mỹ chỉ đồng ý trả số tiền 500 triệu đồng theo HĐ công chứng.
Đại diện bà Mỹ trình bày: Trước khi phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra, đã nhiều lần được tòa tổ chức hòa giải và 2 bên đã thỏa thuận được với nhau. Theo đó, bà Mỹ chấp nhận thanh toán cho nguyên đơn số tiền 1,4 tỷ đồng. Ông Hoàng giao toàn bộ bản chính giấy tờ 2 căn nhà để bà Mỹ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chủ quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nguyên đơn sau đó lại đổi ý, yêu cầu bị đơn trả thêm tiền nhưng bà Mỹ không đồng ý.
Tại phiên tòa sáng 28/9/2023, sau khi xác định rõ nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan xuất cảnh định cư tại Mỹ trước thời điểm tòa thụ lý lại vụ án, TAND Q8 phải chuyển hồ sơ lên TAND TPHCM giải quyết theo thẩm quyền. Trước khi ban hành QĐ, HĐXX một lần nữa tạo điều kiện cho 2 bên thương thảo. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Q8 tham gia phiên tòa đã phân tích một số điểm mấu chốt để 2 bên suy nghĩ, cân nhắc. Trong đó, dễ nhận thấy, vụ án đã kéo dài quá lâu, nếu chuyển lên thành phố giải quyết sẽ mất thêm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đại diện bị đơn lý giải từ 500 triệu đồng còn thiếu theo HĐ công chứng, đã nâng lên thành 1,4 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) là cao nên giữ nguyên. Còn phía nguyên đơn thì cho rằng đã chịu nhiều thiệt thòi nên không đồng ý nhận 1,4 tỷ đồng.
Do hai bên không thỏa thuận được, HĐXX quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TPHCM giải quyết theo thẩm quyền, do có yếu tố nước ngoài. Vụ án tiếp tục kéo dài và chưa biết bao giờ mới kết thúc.