Vụ cha lên mạng cầu cứu: Số tiền gần 500 triệu được giúp đỡ thuộc về ai?

Vụ cha lên mạng cầu cứu, chuyên gia pháp lý nhận định ông ĐVN có trách nhiệm quản lý số tiền các mạnh thường quân giúp đỡ cho con của ông.

Như PLO đã thông tin, trong vụ việc người cha ở Đắk Lắk lên mạng cầu cứu vì nghi con gái 9 tháng tuổi bị bạo hành, công an tỉnh đã yêu cầu người cha ngừng nhận hỗ trợ từ các mạnh thường quân vì sự việc không đúng như ông đã đăng tải. Người cha trong vụ việc cũng đã xóa bài viết trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay được nhiều bạn đọc quan tâm đó là số tiền 495 triệu đồng tiền ủng hộ người cha đã nhận sẽ xử lý như thế nào.

Trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Minh Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, trong bài viết của ông ĐVN (người cha) có trình bày hoàn cảnh gia đình mồ côi cha mẹ từ nhỏ, làm cha đơn thân vì mẹ của bé bỏ đi khi con vừa lọt lòng. Cuối bài ông có để lại thông tin tài khoản, số điện thoại theo đề nghị của mạnh thường quân muốn gửi tiền sữa cho bé. Việc một người đăng số tài khoản của mình lên mạng xã hội như vậy thì không có gì sai, không vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, các mạnh thường quân chuyển tiền giúp đỡ không phải vì con ông bị bạo hành mà vì hoàn cảnh của 2 cha con. Họ gửi tiền là nhằm giúp đỡ ông chăm lo cho đứa bé.

Như vậy, người thụ hưởng số tiền là cháu bé (con của ông N). Ông N là người giám hộ nên ông được phép quản lý số tiền đó và chịu trách nhiệm chi tiêu phục vụ nhu cầu thiết yếu của bé như tiền mua sữa, bỉm, quần áo, học hành… Ông N không có quyền sử dụng số tiền đó để mua đất, xây nhà như nguyện vọng ông đề cập trong bài viết. Chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể có trách nhiệm giám sát việc sử dụng số tiền này của ông N tránh trường hợp sử dụng sai mục đích.

"Qua câu chuyện này, mọi người cần thận trọng trước khi chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội tránh trường hợp lan truyền thông tin thiếu chính xác gây hoang mang dự luận", luật sư Nguyễn Minh Trí lưu ý.

Theo luật sư Trí, trường hợp các mạnh thường quân muốn đòi lại số tiền trên thì cũng không có cơ sở giải quyết, bởi việc chuyển tiền là tự nguyện, có chủ đích và được xem là tặng cho cháu bé, không phải chuyển nhầm nên không thể đòi lại.

 Hình ảnh ông N đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: N.V

Hình ảnh ông N đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: N.V

Đồng quan điểm, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của ông N khi đăng thông tin lên Facebook về việc cho rằng con của ông bị đánh tại nơi gửi trẻ và cầu cứu mọi người ra tay cứu giúp trong khi sự việc chưa được kiểm chứng là điều không nên.

Với việc đăng thông tin sai lệch lên mạng xã hội, một số cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp của ông N, có thể hành vi của ông đã vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Về số tiền gần 500 triệu đồng, theo luật sư Dũng, mặc dù thông tin cháu bé bị bạo hành là không chính xác nhưng việc các mạnh thường quân sẵn sàng chung tay góp sức để giúp đỡ cháu bé không hẳn vì cháu bị bạo hành mà vì mọi người thương cho hoàn cảnh của 2 cha con ông N . Vì thế, người thụ hưởng số tiền các mạnh thường quân vẫn là cháu bé con của ông N.

NGUYỄN CHÍNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-cha-len-mang-cau-cuu-so-tien-gan-500-trieu-duoc-giup-do-thuoc-ve-ai-post835069.html