Vũ Chấn phát huy thế mạnh từ rừng
Chị Nguyễn Thị Kỳ (ở xóm Na Rang, xã Vũ Chấn, Võ Nhai) bước chân thoăn thoắt, dẫn chúng tôi lên khoảnh đồi của gia đình. Rừng keo tầm 3-4 năm tuổi là một trong những nguồn thu nhập chính trong tương lai gần của gia đình chị. Để 'lấy ngắn nuôi dài', hai vợ chồng chăn nuôi hơn 50 con dê. Trồng rừng, làm ruộng và chăn nuôi dê đã giúp cuộc sống của gia đình chị vượt qua khó nghèo, dần ổn định.
Dưới tán rừng râm mát, chị Kỳ lùa đàn dê từ chuồng ra bãi đất rộng để phân chia thức ăn cho chúng. Thấy người lạ, đàn dê ngơ ngác, chạy dúi vào nhau, đầu nghênh nghênh, miệng kêu be be, khiến mọi người thích thú. Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm đồi rừng, khu vực chăn nuôi dê, chị chia sẻ chuyện làm kinh tế: Trồng rừng phải mất 6-7 năm mới cho khai thác nên gia đình tôi chăn nuôi thêm dê, làm ruộng để duy trì cuộc sống thường nhật. Nuôi dê không vất vả vì chúng ăn cây cỏ trên rừng và phụ phẩm nông nghiệp, nhưng phải đặc biệt lưu ý khâu phòng bệnh. Ban đầu, gia đình tôi chỉ nuôi thử nghiệm hơn 10 con, sau thấy hiệu quả mới tiếp tục nhân đàn.
Gia đình chị Kỳ là một trong hơn 700 hộ dân ở xã Vũ Chấn phát triển kinh tế nhờ trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi dê; hộ không có đất rừng thì trồng chè, cây dược liệu, cấy lúa, tra hạt ngô… Ở miền quê với địa hình chủ yếu là núi đá, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 2/3 diện tích, thương mại dịch vụ chưa phát triển, xã không có chợ, thì việc sống dựa vào rừng sản xuất và chăn nuôi là sự lựa chọn tất yếu của người dân nơi đây.
Anh Nguyễn Xuân Chờ, quyền Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn, cho biết: Hiện nay, độ che phủ rừng của Vũ Chấn đạt hơn 70%. Địa phương xác định, trong cơ cấu kinh tế chung thì phát triển lâm nghiệp giữ vai trò là trọng tâm, bởi đất nông nghiệp ít, chỉ khoảng 240ha cấy lúa, diện tích trồng ngô cũng chỉ hơn 200ha, còn rừng trồng khoảng 3.000ha. Để rừng thực sự phát huy được thế mạnh, giúp bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, chúng tôi luôn làm tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp; lập hồ sơ khai thác gỗ tự trồng theo quy định. Từ năm ngoái đến nay, xã trồng mới và trồng lại được gần 200ha rừng, trong đó chủ yếu là keo, bồ đề và quế.
Nhờ trồng rừng, nhiều gia đình ở Vũ Chấn đã không còn thiếu trước hụt sau mà dần có “của ăn của để”, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống như gia đình ông Ma Văn Tiếp, Lộc Văn Tươi, xóm Na Đồng…
Tôi hỏi Trưởng xóm Na Đồng, anh Hoàng Văn Ngô, rằng trong hơn 90 hộ dân ở xóm anh thì có bao nhiêu hộ được như gia đình ông Tiếp, ông Tươi? Anh Ngô trả lời ngay mà không cần suy nghĩ lâu: Chừng 20-30 hộ!
Còn ở xóm Na Rang có ông Nông Văn Đắc, trồng khoảng 8ha rừng; ông Triệu Tiến Quy ở xóm Khe Rạc trồng 10ha quế; ông Hoàng Văn Tuyết ở xóm Na Mấy trồng hơn 10ha rừng… Vậy là vui! Vì ở Vũ Chấn có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 50-60% số hộ, nhưng nay, nhờ biết trồng rừng và khai thác thế mạnh từ rừng kết hợp với chăn nuôi, số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm xuống còn hơn 29%. Xã phấn đấu năm nay giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,5% trở lên.
Để đạt được mục tiêu đề ra, theo anh Nguyễn Xuân Chờ, xã đang tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, chú trọng đến các thế mạnh phát triển rừng, cây ăn quả, cây chè, dược liệu và phát triển gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ.
Xã tiếp tục tập trung huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xóm đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí dự kiến gần 2 tỷ đồng (từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hóa).