Vụ cháy ở Hoàng Mai 4 người tử vong: Cảnh báo từ những ngôi nhà không lối thoát

Không có phép màu nào xuất hiện khi 4 người thiệt mạng trong khi mọi lối thoát từ căn nhà ống gần như bị bịt kín khiến hy vọng thoát thân của nạn nhân gần như bằng 0

Đây cũng là nguy cơ đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo sau nhiều vụ hỏa hoạn thảm khốc tương tự tại Hà Nội.

Không có phép màu nào xảy ra

Lửa cháy đỏ rực từ tầng 4 đến 6 của ngôi nhà ở Định Công Hạ. Ảnh: Đình Hiếu

Lửa cháy đỏ rực từ tầng 4 đến 6 của ngôi nhà ở Định Công Hạ. Ảnh: Đình Hiếu

Khoảng 18h22 ngày 16/6, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàng Mai nhận được lệnh điều động của Trung tâm thông tin chỉ huy 114- Công an TP.Hà Nội đi chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai).

Là một trong những người tham gia chữa cháy và cứu nạn, đại úy Đặng Văn Tuấn, Tổ trưởng, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhớ lại, vào khoảng 19h tối 16/6, đơn vị anh nhận được tin báo hỗ trợ, chi viện chữa cháy từ Trung tâm chỉ huy 114.

Ngay sau đó, Công an quận Thanh Xuân đã điều 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ chiến sỹ tới hiện trường. Khi tới nơi, tổ chữa cháy của anh Tuấn được giao nhiệm vụ tiếp cận từ tầng 1 của ngôi nhà lên tầng 5 và tầng 6 bằng cầu thang bộ.

“Chúng tôi đều trang bị đèn pin, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ phòng độc và quần báo bảo hộ”, anh kể.

Toàn bộ khu vực cầu thang chủ nhà để các vật liệu xây dựng, thiết bị hàng hóa làm cản trở lối đi. Tay vịn cầu thang làm bằng gỗ đều bị cháy. Việc di chuyển của cảnh sát từ tầng 1 lên trên gặp rất nhiều khó khăn.

Là một trong hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được điều động tham gia chữa cháy, Trung tá Nguyễn Huy Cường - Đội trưởng Đội Công tác Chữa cháy (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội) kể lại, do chất cháy và khói bao trùm tất cả các tầng của ngôi nhà nên các chiến sĩ phải dùng lăng, dụng cụ phá dỡ, đập cửa kính nhằm thoát khói.

“Chúng tôi phải dập tắt từng tầng, mới có thể tiếp cận lên tầng 6 của ngôi nhà. Cho nên mũi tấn công duy nhất là cầu thang bộ. Để tiếp cận vào sâu bên trong, cán bộ, chiến sĩ chữa cháy phải thay phiên nhau dùng bình thở. Vừa đi, vừa duy trì phun làm mát, dập tắt đám cháy từng tầng”, Trung tá Nguyễn Huy Cường kể.

Cũng theo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, nơi xảy cháy tại tầng 4 nhưng hàng hóa được chủ nhà xếp từ tầng 1 lên tầng 3, gây cản trở quá trình tiếp cận từ tầng dưới lên. Thêm vào đó, hàng hóa là sơn, cao su, nhựa… nên ngọn lửa cháy lan nhanh và khó dập, dẫn đến công tác chữa cháy mất thêm nhiều thời gian hơn.

Căn nhà cháy trên phố Định Công Hạ có 2 ban công thoáng, nhưng cũng là 2 điểm lửa bùng lên mạnh nhất.

Căn nhà cháy trên phố Định Công Hạ có 2 ban công thoáng, nhưng cũng là 2 điểm lửa bùng lên mạnh nhất.

Theo dõi diễn biến vụ việc và hình ảnh hiện trường, đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên phó hiệu trưởng Đại học Phòng cháy chữa cháy, đánh giá có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thương vong trong vụ việc trên.

Thứ nhất, khói độc theo cầu thang hở, lan nhanh khiến nạn nhân không còn đủ tỉnh táo để thoát nạn, thậm chí nhanh chóng lịm đi rồi tử vong. "Kết cấu căn nhà có cầu thang hở, do vậy khói sẽ lan nhanh lên, trước khi lửa kịp bùng lên", ông Xiêm nhận định.

Đồng thời căn nhà có kết cấu khá kín. Những đám cháy trong nhà và phòng kín có đặc điểm là hàm lượng oxy cung cấp không đủ, nên sinh ra nhiều khí độc. Hơn nữa ngọn lửa tại căn nhà này có thể còn cộng hưởng với nhiều thiết bị phía trong bị cháy khiến khói độc đậm đặc hơn, ngọn lửa vì thế cũng khó được khống chế hơn.

Thứ hai, người bị nạn là trẻ nhỏ và người lớn tuổi nên sức chống chịu và kỹ năng thoát nạn kém. "Rất tiếc với người lớn tuổi và trẻ nhỏ, việc nhanh chóng phản ứng để thoát nạn trong sự cố rất khó thực hiện", ông Xiêm nói.

Biển quảng cáo bịt phía trước một số tầng của căn nhà - Ảnh: DANH TRỌNG

Biển quảng cáo bịt phía trước một số tầng của căn nhà - Ảnh: DANH TRỌNG

Từ hình ảnh hiện trường, nguyên nhân thứ ba được ông Xiêm nêu ra là do yếu tố kết cấu của căn nhà.

Với 6 tầng và một tum, căn nhà này cao hơn hẳn so với những nhà xung quanh, dẫn tới việc những người ở tầng cao gặp khó khăn khi muốn thoát nạn sang nhà bên cạnh.
"Đồng thời tầng 2 đến tầng 3 được lắp nhiều biển quảng cáo, tầng cao nhất phía trên lại được bao bọc với khung sắt khiến việc tìm kiếm cứu nạn thêm khó khăn", ông Xiêm nhận định thêm.

Những ngôi nhà không có lối thoát

Trở lại vụ cháy ngày 23/5 tại Trung Kính khiến 14 người tử vong, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), khu vực hỏa hoạn là căn nhà được xây dựng trên khu đất rộng hơn 200m2 nằm sâu trong ngõ cách mặt phố khoảng 200m. Trên khu đất có xây nhà 2 tầng, 1 tum và một ngôi nhà khác cao 3 tầng để gia chủ ở kết hợp cho thuê trọ. Phần sân rộng khoảng 55m2 và tầng 1 được dùng để sửa chữa xe điện.

Nhiều hình ảnh trước thời điểm cháy cho thấy, khu vực sân này bị “bịt kín” bởi rất nhiều xe cộ, bình ắc-quy và các dụng cụ sửa chữa xe. Ở phía cao hơn, công trình cũng bị quây chặt 4 phía bởi các nhà cao tầng, mái tôn. Nhìn từ trên cao, địa điểm xảy ra vụ cháy kinh hoàng rạng sáng 23/5 nằm lọt thỏm giữa vô vàn các công trình cao tầng.
“Gần như không có lối thoát” – Đó là lời một nhân chứng chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân ngay sau khi vụ hỏa hoạn tại Trung Kính xảy ra. Đường ra vào duy nhất chính là khoảng sân đầy xe cộ, ắc-quy án ngữ. Nhưng điểm cháy bùng phát ngay tại con đường này khiến cho lối thoát duy nhất của cả dãy trọ lại bị lửa “bịt”.

Phía ngoài, mặc dù người dân đã phát hiện cháy nhưng cũng chỉ có thể tiếp cận được từ mặt ngoài của ngôi nhà của chủ trọ. Họ cố gắng phá cổng. Thậm chí, một nhóm người khác buộc phải dựng thang, cầm búa tạ, leo lên cửa sổ tầng 2 để… đập thủng bức tường tạo lối thoát mới.

Lối thoát hiểm duy nhất khả thi trong vụ cháy Trung Kính lại bị án ngữ bởi rất nhiều xe và dụng cụ sửa chữa xe...

Cảnh sát đã phải tổ chức cắt, phá khóa cổng chính để triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận khu vực cháy qua sân chính, lối vào các gian phòng ở các tầng ngôi nhà. 3 người đã được cứu theo hướng tiếp cận này.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã triển khai phá ô cửa sổ trên bề mặt tường ngoài tầng 2 của nhà ở hộ gia đình, sử dụng thang dây cứu nạn của nhà dân trang bị và cứu thêm được 4 người theo hướng tiếp cận này.

Không có lối thoát cũng là câu chuyện xảy ra với các nạn nhân vụ cháy tại phố Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) tối 16/6. Chỉ cách nhau 3 tuần, thế nhưng nỗi đaụich bản” cũ lại một lần nữa bị lặp lại.

Những khung sắt bịt kín lối thoát tại căn nhà bị cháy tại Định Công Hạ chiều 16/6.

Những khung sắt bịt kín lối thoát tại căn nhà bị cháy tại Định Công Hạ chiều 16/6.

Ngôi nhà gặp hỏa hoạn cao 6 tầng và 1 tum. Phía trên tầng cao nhất được hàn kín bởi dãy song sắt kiên cố. Các tầng dưới mặc dù có ban công nhưng 3/6 tầng bị “lấp” bởi các biển quảng cáo cỡ lớn. Duy nhất tầng 5, 6 có lối thoáng nhìn ra phía đường nhưng lại cũng là điểm bốc cháy dữ dội nhất.

Chung quanh, không thiếu những ngôi nhà cũng bị "bít bùng" tương tự bởi hệ thống rào sắt, lan can và chuồng cọp...

Ông Nguyễn Tiến Dũng (60 tuổi, sinh sống ở nhà kế bên) cho biết, khi phát hiện khói lửa bùng lên, nhiều người đã dùng gạch đá, búa để phá cửa sổ nhưng bất thành.

“Cửa sổ của căn nhà có 3 lớp, kính cường lực bên ngoài, lớp dưới là chống côn trùng. Ngoài ra còn có song sắt kiên cố bên ngoài”, ông Chiến kể, mắt hướng lên phía cửa sổ rạn nứt đã xém đen màu khói.

Nhân chứng Lê Quốc Cường thì kể, chiều tối cùng ngày, anh phát hiện khói bốc lên từ tầng 4 của căn nhà số 207. Ngay sau đó, bên trong phát ra nhiều tiếng kêu cứu của phụ nữ và trẻ em.

Một lối thoát hiếm hoi được mở ra từ phía hông nhà tầng 5 nhưng không thể cứu được các nạn nhân.

Một lối thoát hiếm hoi được mở ra từ phía hông nhà tầng 5 nhưng không thể cứu được các nạn nhân.

Trong khi đó, anh Trịnh Xuân Quyền, sống gần hiện trường cũng cho biết, mặc dù anh và mọi người nghe thấy tiếng kêu cứu, thậm chí nhìn thấy những cánh tay giơ ra từ tầng 6 song cũng đành bất lực.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia của Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam, cho biết, phần lớn các nhà ở kết hợp kinh doanh hiện nay đều tận dụng cầu thang, mặt tiền nhà hoặc các tầng thấp làm nơi để hàng hóa.

"Việc sắp xếp hàng hóa kín cầu thang, tầng nhà vô hình chung đã bịt lối thoát nạn sinh tử của nạn nhân", ông Bùi Xuân Thái nói.

Cũng theo ông Thái, người dân cần lưu ý các vấn đề khi xây dựng và bố trí đồ đạc sinh hoạt. "Cần đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên, như lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái...", ông nhấn mạnh.

Các hộ dân cũng cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt ở nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và mọi thành viên đều biết sử dụng thành thạo. Nếu có điều kiện thì trang bị hệ thống báo cháy sớm, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà.

Căn nhà cháy trên phố Định Công Hạ có 2 ban công thoáng, nhưng cũng là 2 điểm lửa bùng lên mạnh nhất.

Căn nhà cháy trên phố Định Công Hạ có 2 ban công thoáng, nhưng cũng là 2 điểm lửa bùng lên mạnh nhất.

"Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ, không để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bố trí đồ đạc, vật dụng trong nhà một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn trong nhà", ông Thái khuyến cáo.

KHÁNH LINH (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-chay-o-hoang-mai-canh-bao-tu-nhung-ngoi-nha-khong-loi-thoat-a668818.html