Vụ clip cô giáo bị 'bẻ tay': Đôi điều trao đổi với Hiệu trưởng THPT Hai Bà Trưng
Khi giáo viên bị kỷ luật, trước hết, có trách nhiệm của hiệu trưởng, bí thư chi bộ. Đó là nỗi buồn và là bài học sâu sắc cho công tác lãnh đạo, quản lý.
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết cô giáo Hồ Thị Tâm - người bị "khóa tay", đẩy ra khỏi lớp trước mặt học sinh - tại Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng (thành phố Huế), đã bị chi bộ nhà trường quyết định kỷ luật về mặt Đảng.
Cô Tâm phải chịu kỷ luật vì đã vi phạm nhiều điều đảng viên không được làm. Một ngày sau, chi bộ trường này thu hồi quyết định kỷ luật nói trên. Nhân đây, xin có mấy trao đổi với thầy Ngô Đức Thức - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Thứ nhất, nhằm đảm bảo tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng thì thi hành kỷ luật khi tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được làm là hết sức cần thiết. Khi xem xét kỷ luật cô giáo Hồ Thị Tâm, với cương vị của mình, thầy Ngô Đức Thức có thận trọng cân nhắc? Và, ắt là thầy cũng cân nhắc mới tạm thu hồi quyết định? Nhưng “cân nhắc + cân nhắc” của thầy, rất tiếc khiến dư luận đi từ bất bình này đến bất bình khác, thầy có biết?
Đằng sau quyết định kỷ luật một đảng viên, nhà giáo là danh dự không chỉ của một người mà cùng với họ, là gia đình, đồng nghiệp, học sinh cũ, mới, là chuẩn mực của một ngôi trường, thầy Thức ạ!
Thứ hai, vụ việc cô giáo Hồ Thị Tâm bị "khóa tay", đẩy ra khỏi lớp gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều, cả những bức xúc trong và ngoài ngành giáo dục. Vì thế, xem xét kỷ luật những người liên quan lại càng cần kíp, nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng tuyệt đối, thấu tình, đạt lý, gắn với tập thể sư phạm nhất là trong ngôi trường có truyền thống - từ khi là trường Nữ Trung học Đồng Khánh, Trường cấp 3 Trưng Trắc và đến nay là Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng - luôn gợi nhớ, gợi thương, niềm tự hào của bao thế hệ người dân xứ Huế, những người yêu Huế. Bởi thế, nay ra quyết định, mai lại hoãn, tôi cho rằng… bất cập chồng bất cập!
Thứ 3, là bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường, những ai đã, đang giữ hai nhiệm vụ này, chắc cũng đôi lần phải xem xét kỷ luật đảng viên - giáo viên. Có chỉ rõ sai phạm, phân tích cặn kẽ lỗi (thậm chí là “đấu trí”) thì người vi phạm mới tâm phục, khẩu phục. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đứng đầu cấp ủy nhà trường nhớ rằng, kỷ luật phải tạo động lực tích cực cho tập thể, không đẩy người bị kỷ luật vào thế đơn độc, sinh nông nổi, chống đối tiêu cực.
Khi ai đó bị kỷ luật, trước hết, có trách nhiệm của hiệu trưởng, bí thư chi bộ. Đó là nỗi buồn và là bài học sâu sắc cho công tác lãnh đạo, quản lý. Kỷ luật một giáo viên và là đảng viên khó đã đành, nhưng sau khi nhận hình thức kỷ luật, họ thế nào, chi bộ ra sao, phản ứng của nhà trường đến đâu - phải liệu tính - ấy mới là bí thư chi bộ, hiệu trưởng!
Thứ 4, kỷ cương, trách nhiệm, chu đáo, linh hoạt trong sinh hoạt định kỳ hoặc đột xuất của chi bộ, toàn thể giáo viên của trường, chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh" là góp phần quan trọng để đảng viên, giáo viên biết mà không vi phạm, sợ mà không vi phạm và không thể vi phạm! Vì vậy, khi kỷ luật, lỗi đâu chỉ “tại ả”, có “tại anh” nữa chứ!
Vạn bất đắc, nếu phải xem xét kỷ luật, bí thư chi bộ, hiệu trưởng ngoài việc nắm chắc các hướng dẫn của cấp trên còn phải giữ “tâm” trong sáng, vị tha, yêu thương đồng chí, đồng nghiệp. Đảng viên, giáo viên có thể có “khoảng cách” với lãnh đạo trường, nhưng, ở chiều ngược lại, phải là thấu hiểu. Kỷ luật rồi hoãn, thầy Ngô Đức Thức thấu hiểu ra sao?
Thứ 5, vụ cô giáo Tâm bị "khóa tay", đẩy ra khỏi lớp trước mặt học sinh - phân bua thế nào đi nữa - đó là hành vi phản sư phạm, làm tổn thương nghiêm trọng đến các em ở lớp đó, học sinh Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng và học sinh cả nước, chưa xét tới hệ lụy xấu đến các bên khác nữa.
Trong bối cảnh hiện nay, bạo lực học đường đang là thách thức, và Thừa Thiên Huế thời gian qua cũng không ít lần xảy ra các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Sự việc sau khi cô giáo Tâm bị "khóa tay", hoàn toàn không nên giải quyết bằng kỷ luật Đảng. Trường học kỷ cương nhưng lấy tình thương, khoan dung làm phương châm dạy học, giáo dục... Để đạt được điều đó, cần lắm hành động trung thực, cao thượng và gương mẫu của các thầy cô giáo, trong đó có bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường.
Trong vụ việc "khóa tay" cô giáo, tôi thấy thầy Ngô Đức Thức, ở vai trò Bí thư chi bộ và Hiệu trưởng lý giải về sự việc, khi thì nói “cả nhà cùng có lỗi”, khi thì ra quyết định kỷ luật đồng nghiệp... Đành rằng kỷ luật cô giáo Tâm đã được chi bộ tạm thu hồi, nhưng, “gương vỡ” trong trường hợp này có lành được không?
Thứ 6, với sự việc này, nhanh chóng tỏ tường mọi việc, mực thước, công tâm, nhân văn, lấy học trò làm trung tâm là điều mà nhà giáo chúng tôi và đông đảo người quan tâm mong muốn chi bộ Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng, Ban giám hiệu nhà trường, Thành ủy Huế và Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế và sớm giải quyết!