Vụ công nhân bị 'bêu' thông báo sa thải kèm ảnh bị kéo cắt cổ: Có thể kiện ra tòa
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, việc công khai thông báo sa thải như cách Công ty TNHH Liyama Seiki Việt Nam (Hải Phòng) thực hiện có thể xem đã vi phạm hành vi bị cấm
Liên quan đến vụ công nhân xin nghỉ việc bị công ty "bêu" thông báo sa thải kèm ảnh bị kéo cắt cổ, Luật sư Lê Trọng Thêm, điều hành Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng sự, khẳng định đây là hành vikhông phù hợp với quy định pháp luật về cả nội dung lẫn hình thức.
Luật sư Thêm phân tích: Thứ nhất, kể cả đối với trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải thì pháp luật hiện hành không có điều khoản nào cho phép thực hiện những hành vi đó. Chưa kể, theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Bộ Luật Lao động năm 2019 thì việc xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, việc công khai thông báo sa thải như cách công ty thực hiện có thể xem đã vi phạm hành vi bị cấm nêu trên.
Phân tích kỹ hơn, Luật sư Thêm cho hay tại Điều 5 và Điều 6 Bộ Luật Lao động có quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Trong những điều luật này, việc người sử dụng lao động có quyền xử lý vi phạm kỷ luật lao động là phù hợp với pháp luật nhưng không có bất kỳ quy định nào cho phép người sử dụng lao động công khai đăng tải những thông tin liên quan đến việc sa thải người lao động.
Hành vi công khai đăng tải thông tin của người sử dụng lao động đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, sẽ khiến họ bị mang tiếng xấu, lý lịch cá nhân bị đánh giá không tốt, hậu quả là có thể dẫn đến việc người lao động sau này sẽ khó kiếm được việc làm, tước đi quyền được lao động và mất nguồn thu nhập.
Thứ hai, trường hợp 2 công nhân ở Công ty TNHH Liyama Seiki Việt Nam (Hải Phòng) là tự xin nghỉ việc, không vi phạm nội quy lao động, cũng không bị xử lý kỷ luật lao động hình thức sa thải nên việc ra thông báo sa thải của công ty là không đúng sự thật.
Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP tại Điều 101 vì vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi sau đây: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân".
Hoặc xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: "Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này".
Đồng thời, tùy theo mức độ, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự về tội làm nhục người khác. Sở dĩ có thể bị xử lý hình sự là vì vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn nhiều, do công ty đã công khai đăng tải thông báo sa thải gắn liền với những hình ảnh phản cảm về người lao động.
Theo Luật sư Lê Trọng Thêm, người lao động đã bị xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp do hành vi kể trên của công ty thì hoàn toàn có quyền kiện ra Tòa án dân sự để yêu cầu bồi thường về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo Điều 592 Bộ luật Dân sự.
Đối với yêu cầu khởi kiện này, mặc dù người đưa ra thông báo là giám đốc công ty nhưng bên phía bị đơn sẽ là công ty, bởi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động được thực hiện bởi người thuộc pháp nhân này. Theo đó, công ty có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người khởi kiện theo Điều 597 Bộ Luật Dân sự.