Vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng: An toàn tính mạng phải được đặt hàng đầu
Đề cập đến các vụ cướp ngân hàng xảy ra thường xuyên và ngày càng manh động, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ mạng xã hội, những nhóm như 'vỡ nợ muốn làm liều'...
Vừa qua, các vụ cướp ngân hàng liên tục xảy ra, gần đây nhất là vụ án tại Đà Nẵng. Một nhân viên bảo vệ ngân hàng BIDV (ở quận Ngũ Hành Sơn) đã bị đâm tử vong khi cố đuổi bắt 2 kẻ cướp.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ tội phạm học, đã có những chia sẻ dưới góc nhìn tội phạm học.
"Bần cùng sinh đạo tặc"
Đề cập đến việc các vụ cướp ngân hàng xảy ra thường xuyên và có tính chất ngày càng manh động, ông Hiếu cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ mạng xã hội, cụ thể hơn là những nhóm như "vỡ nợ muốn làm liều".
"Thành viên tham gia thường là những người không có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đang gặp khó khăn, túng quẫn, ngập trong nợ nần, hoặc các đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc cần tiền cho nhu cầu của mình...", vị thượng tá nói và kết luận "bần cùng sinh đạo tặc".
Bên cạnh đó, đánh giá về bối cảnh xã hội thời gian qua, ông Hiếu nhìn nhận hậu quả của đại dịch vẫn còn, kinh tế đất nước chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản... dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm, vật lộn với cuộc sống mưu sinh.
"Khi đã "vô kế khả thi" thì con người ta rất dễ nảy sinh ý định phạm pháp, hoặc bị lôi kéo vào những hoạt động trái phép để giải quyết các vấn đề cá nhân", ông Hiếu nhận định.
Theo vị tiến sĩ khi tham gia vào các nhóm kín trên mạng, các thành viên kết bạn và tương tác với nhau, những ý tưởng phạm tội từ trộm cắp, lừa đảo, đặc biệt là rủ nhau đi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích... sẽ nảy sinh.
Giải thích về việc các vụ cướp ngân hàng thường có từ 2 đối tượng trở lên, ông Hiếu cho biết tội phạm đủ nhận thức được đây là hành động liều lĩnh, rủi ro rất cao, nguy cơ bị bắt giữ, xử lý hình sự luôn hiện hữu. Nếu chỉ có một mình sẽ không dám thực hiện.
"Khi có từ 2 người trở lên, quá trình tương tác, chia sẻ ý định phạm tội, sự có mặt của nhiều người khiến đối tượng củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm", Thượng tá Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, theo vị tiến sĩ, khi có hội nhóm, việc chuẩn bị công cụ phương tiện, lên kế hoạch gây án, phân công vai trò, trách nhiệm cho từng người và che giấu tội phạm được bàn bạc, tính toán và triển khai bài bản.
Điều này đồng nghĩa với việc, tính chất nguy hiểm của tội phạm tăng lên gấp bội, đe dọa gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn hơn hành động mang tính bột phát, đơn lẻ.
Đặt sự an toàn lên hàng đầu
Chia sẻ với phóng viên, ông Hiếu cho biết, các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng sẽ là nơi thường bị tấn công.
Lý do là những nơi này chứa khối tài sản rất lớn, đồng thời có lượng người ra vào đông. Các đối tượng có thể trà trộn, nhập vai khách hàng vào giao dịch để tiếp cận, thăm dò, nắm tình hình về công tác bảo vệ, tìm hiểu đường đi lối lại, quy luật làm việc… trước khi gây án.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhận định rằng công tác bảo vệ tại những phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng còn lỏng lẻo, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng.
"Trước hết, đây là ý thức cảnh giác của lãnh đạo cũng như nhân viên bảo vệ ngân hàng còn hạn chế. Đó là sự chủ quan. Từ sự thiếu cảnh giác, một số ngân hàng triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm chưa đưa đáp ứng được yêu cầu.
Chúng ta có thể thấy ở nhiều chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch… có lực lượng bảo vệ rất mỏng, chỉ khoảng 1-2 người. Thậm chí, nhân viên bảo vệ cũng cao tuổi, chỉ có thể trông xe, không thể tấn công tội phạm, bảo vệ các nhân viên hoặc khách hàng", ông Hiếu nhận định.
Cũng theo vị thượng tá, việc trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ cũng không được đáp ứng. Có nơi bảo vệ chỉ mặc mỗi đồng phục, không có công cụ gì giúp họ có thể đương đầu khi vụ cướp xảy ra.
Đặc biệt, nhiều nhân viên ngân hàng và bảo vệ ngân hàng rất thiếu kỹ năng, phương án xử lý khi đối diện với kẻ cướp. Và cuối cùng là do các ngân hàng thiếu sự kết hợp với những đơn vị đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Đưa ra giải pháp, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, trước tiên, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nắm được những phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng.
"Phải xác định tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ đó đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó. Phối hợp với ngành chức năng xây dựng phương án và diễn tập bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản.
Chủ động rà soát lại lực lượng bảo vệ chuyên trách, đảm bảo đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy và phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng kỹ năng phát hiện dấu hiệu bất thường, kỹ năng xử lý tình huống cướp xảy ra", tiến sĩ tội phạm học chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp là cần thiết, theo Thượng tá Hiếu.
Đồng thời, các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch phải thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị an ninh như cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, camera, báo động, báo cháy... kịp thời bổ sung, sửa chữa, đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả 24/24h.
Thiết lập đường dây nóng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở.
Khi vụ cướp đã xảy ra, ông Hiếu nhấn mạnh bảo vệ và nhân viên ngân hàng cần bình tĩnh, không để kích động nỗi sợ bị bắt trong tâm lý kẻ cướp.
"Mục đích của bọn cướp là tiền chứ không phải đoạt mạng người, nhưng nếu xử lý tình huống không khéo, có thể khiến bọn cướp tấn công quyết liệt để chiếm đoạt được tài sản, hoặc điên cuồng chống trả để chạy thoát thân. Từ đó có thể làm phát sinh hậu quả lớn hơn thiệt hại cần ngăn chặn", vị thượng tá nói và nhấn mạnh, trong mọi vụ án cướp tài sản, phải đặt sự an toàn về tính mạng, sức khỏe lên hàng đầu.