Vụ dân nói 'đất ở', chính quyền nói 'đất chợ' tại Bình Thạnh (TP HCM): Chứng cứ quận đưa ra bị đánh giá 'thiếu cơ sở pháp lý'
Liên quan sự việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại điểm kinh doanh giữa số nhà 153 và 155 Lê Quang Định (phường 14, quận Bình Thạnh, TP HCM), UBND quận Bình Thạnh cho rằng UBND phường 14 đã kê khai sử dụng đất và Bản đồ năm 2002 thể hiện đây là đất chợ. Quan điểm này bị người trong cuộc phản bác.
Quận “giẫm chân” Sở
Như PLVN đã thông tin, nhiều tháng nay, thực hiện sự ủy quyền của ông Nguyễn Đình Long (ngụ phường11, quận Bình Thạnh), ông Trác Huy Trường yêu cầu các hộ kinh doanh tại điểm kinh doanh giữa số nhà 153 và 155 Lê Quang Định (còn gọi chợ Bình Hòa) phải trả lại đất cho chủ sử dụng hợp pháp.
Khu đất trên trước đây là đất tư nhân, thuộc thửa BK 599, tờ bản đồ số 4, xã Bình Hòa Xã (nay là tờ bản đồ số 7, phường 14) mang tên ông Nguyễn Văn Đô. Năm 1991, ông Long đã được ông Đô viết giấy ưng thuận cho sử dụng một phần thửa đất BK 599 (diện tích 157m2), có xác nhận của đại diện phường 14.
Cùng với việc yêu cầu các hộ chiếm dụng đất (trong đó có nhiều hộ đã từng nhận tiền hỗ trợ của ông Đô vào năm 1991) phải trả lại mặt bằng, ông Trường và ông Long còn có đơn đề nghị chính quyền địa phương giải quyết sự việc như: Giải tỏa chợ, xử lý hành vi chiếm dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Long…
Ngày 8/11/2019, UBND quận Bình Thạnh có văn bản trả lời, cho rằng không có cơ sở để cấp sổ đỏ cho ông Long. Theo cơ quan này, thửa đất số 19 được sử dụng làm nơi kinh doanh buôn bán của nhiều hộ gia đình từ trước năm 1975.
Sau năm 1975, khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Năm 1999, phường 14 đã kê khai sử dụng phần đất trên với diện tích khuôn viên 240m2, thuộc diện Nhà nước quản lý. Theo bản đồ địa chính phường 14 lập năm 2002, thửa đất số 19 diện tích 214,9m2, loại đất “CHO” (đất chợ được giao không thu tiền) do UBND phường 14 đăng ký sử dụng…
Phản bác quan điểm trên, ông Trường cho rằng UBND quận Bình Thạnh đã trả lời không đúng so với tài liệu của Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ), Sở TN&MT. Tại Văn bản trả lời số 11871/VPĐK-KTĐC ngày 18/9/2019,VPĐKĐĐ cho biết, “theo dữ liệu sổ dã ngoại tài liệu Bản đồ địa chính (năm 2002): thửa đất số 19; diện tích 214,9m2; loại đất T; tên chủ sử dụng “Chợ”. Như vậy, theo tài liệu trên, chủ sử dụng đất không phải UBND phường 14 như trả lời của UBND quận Bình Thạnh.
Quy định của Tổng cục Địa chính (trước đây) về mẫu sổ địa chính, sổ mục kê đất, sổ theo dõi biến động đất đai cho thấy, loại đất “mục đích để ở” được ký hiệu bằng chữ “T”. Còn nếu là đất chợ thì có ký hiệu là “CDK” (tức “chuyên dùng khác”).
Như vậy, theo bản đồ năm 2002 thì thửa đất số 19 vẫn là “đất ở” chứ không phải đất chợ. “Vì sao UBND quận Bình Thạnh lại “nhầm lẫn” thành “đất chợ”? Tuy có lý giải thêm rằng “đất chợ được giao không thu tiền” nhưng UBND quận Bình Thạnh cũng không nêu cụ thể về thời điểm UBND phường 14 được giao đất, hay cơ quan nào giao, giao bằng văn bản nào?”, ông Trường nói.
Thêm nhiều “sơ hở” trong lập luận phường đưa ra
Theo một luật sư, trường hợp UBND phường 14 có Bản kê khai sử dụng thửa đất vào năm 1999 thì tài liệu này cũng không có giá trị pháp lý trong chứng minh chủ sử dụng đất. Theo quy định của UBND TP HCM, tại thời điểm đó Bản kê khai chỉ mang tính chất “tự khai” để cơ quan chức năng tiến hành cấp sổ đỏ. Tờ khai này phải kèm theo các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Sau khi kê khai, đăng ký, tổ chức hay cá nhân nào được xác nhận là người quản lý sử dụng hợp pháp thì được cấp sổ đỏ.
Nhưng thực tế sau đó cho thấy, UBND phường 14 không được cấp sổ đỏ, đồng nghĩa với việc UBND phường 14 không phải là chủ sử dụng hợp pháp khu đất và Tờ khai sử dụng đất năm 1999 (nếu có) cũng hết giá trị.
Hơn nữa, việc xác định chủ sử dụng đất cũng không thể căn cứ vào tài liệu “xí phần” được, tức người kê khai chưa chắc đã là chủ sử dụng hợp pháp của khu đất.
Biên bản buổi làm việc tại UBND phường 14 ngày 13/8/2019 còn thể hiện rõ phát biểu của cán bộ địa chính phường 14 rằng “đất do ông Trần Văn Chơi đứng bộ, chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Đô. Ông Đô chuyển nhượng lại cho ông Long”. Còn đại diện Phòng Kinh tế quận Bình Thạnh thì cho rằng “địa điểm này là điểm kinh doanh tự phát nên quận không quản lý danh sách…”.
Theo ông Trường, phát biểu trên chứng tỏ thửa đất 19 không phải là đất chợ do UBND phường 14 đứng tên. Hơn nữa, nếu UBND phường 14 đã trực tiếp quản lý thửa đất thì không thể có chuyện đại diện cơ quan này xác nhận, đóng dấu vào “giấy ưng thuận” sử dụng đất của ông Đô vào năm 1991 được. Sau đó, UBND phường 14 còn hỗ trợ ông Đô lấy lại đất bằng cách có văn bản đề nghị Phòng Thương nghiệp quận cho 27 hộ dân đang kinh doanh tại đây được được đăng kí kinh doanh tại chợ mới Phan Văn Trị.
Bị đánh và mất tài sản ngay trước mặt công an phường
Liên quan khu đất này, ngày 26/11/2019, Trưởng Công an (CA) quận Bình Thạnh đã có Quyết định thụ lý giải quyết đơn tố cáo của ông Trường với bà Nguyễn Thị Gái, Trưởng CAP 14; ông Lê Trần Trung, Phó CAP 14; và ông Nguyễn Thanh Nhân, cán bộ CAP 14. Trong đơn, ông Trường cho rằng các cán bộ công an này có sai phạm trong quá trình giải quyết việc mình xuống hiện trường quây rào khu đất và yêu cầu các hộ trả đất đã chiếm dụng.
Theo ông Trường, ngày 7/9/2019, ông xuống khu đất thì bị một số người kinh doanh ở đây quây “đánh hội đồng”. Lúc này, Thiếu úy Nhân có mặt nhưng không can thiệp, ngăn chặn việc đánh người.
Thiếu úy Nhân bị cho là còn ôm, kẹp cổ ông Trường rồi dùng tay bấm chốt đai bảo vệ camera (do ông Trường đeo trước ngực để ghi cảnh tại hiện trường). Sau nhiều lần giằng co thì Thiếu úy Nhân đã giật được camera của ông Trường. Ngay sau đó, dù có mặt nhiều công an và dân phòng nhưng một số người vẫn lao vào đánh, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu ông Trường.
Chiều 7/9, ông Trường đã vào Viện Quân y 175 khám với chẩn đoán: Chấn động não, chấn thương phần mềm hàm mặt, ngực, cánh tay.
Dù ông Trường đã trình báo và đề nghị CAP 14 xử lý những người đã đánh mình nhưng đến nay vụ việc này vẫn chưa được trả lời.