Vụ điều 2020: Được mùa nhưng chưa được giá

Dọc tuyến đường từ xã Phú Trung, huyện Phú Riềng ra QL14, những chiếc xe máy nổ giòn chở 2-3 bao hạt điều nặng từ trong rẫy chạy ra nối nhau đi bán cho các đại lý thu mua nông sản. Gặp ông Nguyễn Văn Hoàng (63 tuổi) ở thôn Phú Bình, xã Phú Trung cũng chở 1 bao hạt điều to chạy chậm hơn nên tôi vừa chạy xe theo vừa hỏi chuyện. Ông nói lớn để át tiếng pô xe nổ bành bạch: '2 chú cháu tôi mới nhặt một góc vườn trong rẫy còn nhiều trái rụng lắm. Năm nay điều được mùa nhưng giá thấp, chỉ 26.000 đồng/kg thôi'.

Dù là ngày thứ bảy nhưng khi nghe tôi gọi điện thoại ngỏ ý muốn được đi thăm vườn của một số hộ dân để tìm hiểu về vụ điều năm nay, Bí thư Đảng ủy xã Phú Trung Vũ Văn Tấn nhận lời ngay. Sau khi xỏ ủng và mặc lên người bộ quần áo lao động, ông Tấn chạy xe máy dẫn tôi băng qua một số lô cao su tới vườn điều của hộ anh Vũ Văn Cường (38 tuổi) ở thôn Phú Tâm. Đây là hộ chăm sóc tốt vườn điều và đạt năng suất cao.

Điều phục hồi tốt, năng suất cao...

Đổ xong giỏ điều vừa nhặt vào bao, tranh thủ ít phút trò chuyện, anh Vũ Văn Cường cho biết: “Gia đình có 3 ha điều 17 năm tuổi. Mấy năm trước, sâu bệnh hoành hành khiến cây kiệt sức, nhưng nay đã phục hồi tốt. Kết thúc vụ điều năm ngoái, tôi dọn rẫy, tỉa cành, bón phân để cây phát triển. Những tháng cuối năm 2019, tôi tiếp tục vệ sinh vườn điều bằng cách dùng máy, nối cần đưa vòi lên tận ngọn phun thuốc có gốc đồng đỏ (Norshield) để trừ các loại nấm; đồng thời xịt thuốc trừ sâu sinh học để diệt bọ trĩ và các loại côn trùng hại trái non, đọt. Khi cây điều ra khoảng 3-4 lá non thì tôi xịt thuốc có hàm lượng lân và kali cao giúp phân hóa mầm bông, đậu trái đồng loạt. Đây là giai đoạn quyết định để tránh bị những cơn mưa bất chợt, trái mùa gây hại”.

Vườn điều của gia đình ông Vũ Văn Tấn (xã Phú Trung, huyện Phú Riềng) áp dụng phương pháp dùng bạt phủ nông nghiệp nên năng suất hằng năm luôn đạt cao

Vườn điều của gia đình ông Vũ Văn Tấn (xã Phú Trung, huyện Phú Riềng) áp dụng phương pháp dùng bạt phủ nông nghiệp nên năng suất hằng năm luôn đạt cao

Rẫy của gia đình anh Cường thoai thoải dốc. Khoảng cách hàng, cây (8x8m) vừa đủ để điều khép tán và quang hợp. Những cành điều trĩu trái chín đỏ, vàng. Lứa đầu đang chín rộ, lứa sau hạt xanh, tươi bắt đầu vào mẩy. Anh Cường cho biết thêm: Thời tiết, khí hậu năm nay tương đối thuận lợi, tỷ lệ đậu trái cao. Đến ngày 8-2, gia đình tôi thu được 4 tạ rồi, dự kiến cuối vụ sẽ thu khoảng 10 tấn, bình quân 3,5 tấn/ha.

Canh tác điều theo phương pháp hữu cơ bền vững có nhiều lợi ích kinh tế và môi trường. Mỗi năm phát cỏ từ 2-3 lần, sau đó thu gom gọn gàng, dùng bạt phủ nông nghiệp cho cỏ rác hoai mục làm phân hữu cơ. Chi phí bạt và nhân công không đáng kể. Từ cách làm này, hằng năm nguồn phân hữu cơ tăng lên và giảm dần các loại phân hóa học, giúp cây điều có sức bền từ bộ rễ, ít sâu bệnh, năng suất cao. Trong khi những hộ bón phân hóa học chi phí rất cao, phát sinh nhiều sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân. Bên cạnh đó, việc đốt lá dễ xảy ra nguy cơ cháy rẫy, hư hại bông điều, những thiên địch có lợi cũng bị tiêu diệt, ảnh hưởng bộ rễ và làm chai đất.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Trung Vũ Văn Tấn

Cách rẫy anh Cường chừng 500m, gia đình bà Bùi Thị Lý (72 tuổi) ở cùng thôn Phú Tâm đang thuê 2 người thu hoạch. Con trai bà đang dùng máy thổi lá, thu gom thành hàng để lượm điều dễ dàng. Bà Lý phấn khởi khoe: “Chú thấy không, rẫy của tôi bằng phẳng như sân bay. Chỗ này 10 ha nên phải thuê nhân công thu hoạch. Năng suất năm nay cũng được lắm, mới nhặt từ 3 hôm nay đã được trên 500kg. Điều trồng từ năm 1986 nên thân to, tán rộng. Trái rụng hàng loạt nên từ sáng tới giờ tôi lê la nhặt mấy cây này chưa xong”. Bà Lý vừa nhặt điều vừa kể tiếp, cuối vụ năm ngoái, gia đình bà mua 1 tấn vôi bột rắc quanh rẫy nhằm khử chua và diệt các loại sâu bệnh có nguy cơ gây hại. Quá trình chăm sóc bón phân 2 lần. Riêng xịt dưỡng bông, đậu trái 7 lần. Bà Lý hy vọng vụ này sẽ thu trên 30 tấn.

Để thỏa mãn thông tin, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Văn Tấn tiếp tục dẫn tôi về thăm 5,5 ha điều của gia đình mình. Nhờ áp dụng mô hình dùng bạt phủ nông nghiệp từ vài năm trước, tận dụng cành lá điều ủ làm phân hữu cơ nên rẫy điều của gia đình ông có sức sống khác hẳn những rẫy kế bên. Cây điều cao lớn, khỏe mạnh, rất hiếm cây bị sâu bệnh. Điều chuẩn bị chín rộ, rất nhiều cành sai trái trĩu xuống. Là Bí thư Đảng ủy của xã thuần nông (Phú Trung) với khoảng 2.000 ha điều, ông Tấn đặc biệt quan tâm tuyên truyền người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất điều hữu cơ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, bảo vệ môi trường. Vì trên thị trường, điều hữu cơ được các công ty thu mua với giá cao hơn và nông dân sản xuất bền vững hơn.

...nhưng không được giá

Thời điểm này, nông dân mới bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Ghi nhận thực tế tại Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập và Phú Riềng là những huyện có diện tích điều lớn của tỉnh được biết, năm nay đa số điều ra bông đậu trái đồng loạt, tỷ lệ đậu trái cao. Dù một số nơi xuất hiện bọ trĩ, số ít diện tích bị khô bông nhưng các cấp, ngành cùng nông dân làm tốt công tác tuyên truyền, thăm vườn điều, chủ động phòng trừ, chăm bón nên vườn cây không bị sâu bệnh gây hại. Dự kiến năng suất năm nay sẽ đạt cao.

Vườn điều của gia đình anh Vũ Văn Cường ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung (Phú Riềng) dự kiến đạt năng suất 3,5 tấn/ha

Vườn điều của gia đình anh Vũ Văn Cường ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung (Phú Riềng) dự kiến đạt năng suất 3,5 tấn/ha

Tại huyện Bù Đăng, các đại lý: Trang Thoa, khu Tân Hưng, thị trấn Đức Phong; Sáu Đây, thôn 3, xã Đoàn Kết; Oanh Thọ, chợ Thọ Sơn; Thùy Linh, xã Đắk Nhau... đã tổ chức thu mua với số lượng lớn từ 13-15 tấn/ngày. Anh Bùi Xuân Tiến, chủ đại lý thu mua điều Thảo Vi ở thôn 3, xã Minh Hưng cho biết, gia đình anh mở đại lý thu mua nông sản từ năm 2014, với 3 xe tải 20 tấn, hằng năm mua điều khắp các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập và một số xã lân cận tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Vụ điều năm nay, đại lý khai trương thu mua từ ngày 3-2-2020 (tức mồng 10 tháng giêng năm Canh Tý), số lượng mua tăng dần và hiện đạt khoảng 15 tấn/ngày, thời điểm giữa vụ có thể mua 100 tấn/ngày. Trước tết Nguyên đán Canh Tý, giá điều dao động khoảng 30-31 ngàn đồng/kg, tuy nhiên thời điểm đó chưa có nhiều điều chín. Đến nay, giá điều thô chỉ còn 27-29 ngàn đồng/kg. Có nơi như xã Phú Trung, huyện Phú Riềng và xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú giá chỉ 26-26.500 đồng/kg.

Giá điều phụ thuộc vào nhiều yếu tố và do thị trường quyết định chứ không do một tổ chức, cá nhân nào. Nhiều năm qua, điều tại khu vực Bom Bo, Đắk Nhau, Đường 10 của huyện Bù Đăng và xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập luôn có giá cao hơn vì hạt mẩy, da sáng, tỷ lệ thu hồi nhân đạt cao. Tuy nhiên, nếu gặp mưa, hạt điều ngấm nước, tỷ lệ nảy mầm cao, chất lượng giảm thì giá điều sẽ đồng loạt giảm. Vụ nào ít điều mà nhiều công ty thu mua, sản xuất, chế biến thì giá tăng lên do cạnh tranh. Giá điều còn phụ thuộc vào hoạt động xuất, nhập khẩu điều trên thị trường quốc tế...

Anh Bùi Xuân Tiến, chủ đại lý thu mua điều Thảo Vi, thôn 3, xã Minh Hưng (Bù Đăng)

Trước biến động về giá điều, những hộ kinh tế khá như anh Vũ Văn Cường (xã Phú Trung) quyết định phơi khô điều trữ lại, đợi được giá cao sẽ bán. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Phú Bình, xã Phú Trung) nhặt đến đâu, bán ngay đến đó để có tiền trang trải cuộc sống. Ông Hoàng cũng như nhiều hộ nông dân rất lo lắng vì càng về cuối vụ, giá điều càng xuống thấp. Do vậy năm nay, điều được mùa nhưng giá không cao.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/vu-dieu-2020-duoc-mua-nhung-chua-duoc-gia-375910