Vụ đông năm 2022: Linh hoạt các giải pháp, biến thách thức thành cơ hội

Dự báo sản xuất vụ đông năm 2022 tới đây sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều diện tích lúa mùa trỗ muộn ảnh hưởng đến quỹ đất sản xuất, giá vật tư đầu vào tăng cao, khâu liên kết tiêu thụ, bảo quản, chế biến sản phẩm còn nhiều bất cập...

Trồng rau mùi để chiết suất tinh dầu - một hướng đi mới trong sản xuất vụ đông.

Trồng rau mùi để chiết suất tinh dầu - một hướng đi mới trong sản xuất vụ đông.

Thời tiết khó lường

Nhiều năm nay, thời tiết vụ Đông thường diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cũng như sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả của các cây trồng vụ Đông. Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, từ tháng 9 đến tháng 11, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, có khả năng xảy ra từ 3 - 5 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Ngoài ra, không khí lạnh có thể hoạt động sớm, nền nhiệt độ các tháng đầu mùa đông sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm.

Điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp có thể sẽ ảnh hưởng đến thời kỳ gieo trồng cây vụ đông sớm. Không chỉ đối mặt với những khó khăn về thời tiết, vụ đông năm 2022 còn vấp phải vấn đề nan giải về quỹ đất dành cho sản xuất. Nguyên nhân là do vụ lúa đông xuân thu hoạch muộn hơn từ 10 - 15 ngày, kết hợp với đầu vụ Mùa mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng đến tiến độ làm đất gieo cấy.

Vì vậy, diện tích lúa mùa sớm năm nay chỉ đạt 13,4% diện tích gieo cấy, giảm so với mọi năm, gây khó khăn cho việc giải phóng đất gieo trồng cây vụ Đông sớm. Ngoài ra, khâu bảo quản, chế biến sản phẩm vụ đông cũng còn nhiều bất cập. Sản xuất manh mún, cây trồng xen kẹt, nhỏ lẻ, mang tính tự phát gây khó khăn cho việc điều tiết nước, dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh. Một phần diện tích trồng cây màu đồi chưa có hệ thống tưới tiêu, chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên.

Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, các mô hình liên doanh, liên kết chưa nhiều. Việc thực hiện hợp đồng sản xuất trong liên kết chưa chặt chẽ, còn hiện tượng phá vỡ hợp đồng. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản chưa thực sự chú trọng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, số lượng, mẫu mã và chất lượng sản phẩm không đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cũng như yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, giá vật tư đầu vào tăng cao cũng là thách thức chung trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, sáng tạo

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây, diện tích sản xuất vụ Đông của tỉnh dao động xấp xỉ 8.000 ha, giá trị sản xuất tăng đều qua các năm. Trong đó, năm 2021, mặc dù dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh vẫn gieo trồng được 8.138 ha cây trồng vụ Đông (giảm 562 ha so với vụ Đông năm 2020), giá trị sản xuất ước đạt 1.064,6 tỷ đồng (tăng 19,8 tỷ đồng so với vụ Đông năm 2020). Giá trị sản xuất bình quân ước đạt 130,8 triệu đồng/ha (tăng 10,8 triệu đồng/ha so với năm 2020). Trong đó, các cây có giá trị trên ha canh tác cao như khoai sọ 135,7 triệu đồng, khoai tây 176 triệu đồng, hoa 486 triệu đồng, ớt cay trên 300 triệu đồng...

Rõ ràng, sản xuất vụ Đông mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn các vụ sản xuất khác nhưng lại là vụ cung cấp nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương xác định đây vẫn là vụ sản xuất chính, cần phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với quy mô hợp lý, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng Phòng Trồng trọt và BVTV (Sơ Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Nếu các địa phương chủ động, linh hoạt có các biện pháp chỉ đạo kỹ thuật tốt ngay từ đầu vụ thì chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được diện tích, giá trị vụ Đông năm 2022 theo như kế hoạch. Cụ thể như tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất hoặc áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu để đẩy nhanh thời vụ; đối với các cây trồng như ngô, bí xanh, ớt, dưa chuột có thể thực hiện làm bầu trước khi có đất trồng từ 7 - 10 ngày. Là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng cây vụ đông khá lớn, chỉ sau 2 huyện Yên Khánh, Yên Mô, ngay từ bây giờ Nho Quan đã có những định hướng riêng cho mình.

Ông Trần Văn Dưỡng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Chúng tôi xác định vụ Đông chỉ tập trung sản xuất các cây trồng có hiệu quả, canh tác trên những vùng đất có hiệu quả, có như vậy thì người dân mới tin tưởng sản xuất. Do có chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc phát triển nên ngoài các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, cây dược liệu, huyện ưu tiên phát triển các cây trồng mà phụ phẩm có thể tận dụng để làm thức ăn cho gia súc như: ngô, khoai lang, khoai sọ... Toàn huyện đặt mục tiêu gieo trồng 1.200 cây trồng vụ đông các loại.

Về phía đơn vị nghiên cứu, PGS, TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả khẳng định: Trong những năm vừa qua Viện đã nghiên cứu, chọn tạo được rất nhiều giống rau, hoa cây cảnh, đặc biệt là các giống rau, hoa phục vụ vụ Đông, vừa có năng suất cao, chất lượng tốt, vừa có khả năng kháng sâu bệnh như: ớt, dưa chuột, cà chua, mướp đắng, các loại cải... Đơn vị sẵn sàng chuyển giao cho các HTX, các doanh nghiệp, hộ gia đình ở Ninh Bình các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp, người dân và các đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn cách tổ chức sản xuất, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm để làm sao bà con có được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ngoài ra, trong báo cáo kế hoạch và các giải pháp phát triển sản xuất vụ Đông 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng nhấn mạnh việc phải tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để sản xuất thành vùng tập trung. Đẩy mạnh làm thủy lợi nội đồng trong các vùng sản xuất vụ Đông...

Đặc biệt, lấy Nghị quyết 32/2022/NQHĐND của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025 là động lực thúc đẩy người dân sản xuất. Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ giải pháp cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sẽ là tiền đề để vụ Đông năm 2022 của Ninh Bình đạt hiệu quả cao ở cả 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/vu-dong-nam-2022-linh-hoat-cac-giai-phap-bien-thach-thuc/d20220920080156814.htm