Vụ đường dưới cầu Rạch Chiếc bị chặn: Chủ đầu tư BOT Xa lộ Hà Nội nói gì?
Trong khi CII khẳng định 'chắc chắn là làm đúng quy hoạch', thì Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội (trực thuộc CII) nói 'không có việc mở ra, nên đâu có chuyện chặn lại'.
Những ngày qua, báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải việc đường dẫn dưới chân cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, TP HCM) bị chặn, khiến cho người dân ở hai bên cầu nếu muốn lái ôtô đi trung tâm thành phố, buộc phải qua Trạm BOT Xa lộ Hà Nội; còn người điều khiển xe gắn máy thì gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm khi rẽ từ đường song hành xa lộ Hà Nội vào đường dẫn cầu Rạch Chiếc.
Người dân cho biết việc chặn đường này diễn ra khoảng một tháng nay.
Để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên đã liên hệ, đăng ký làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (gọi tắt là CII) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội (trực thuộc CII, gọi tắt là Công ty Xa lộ Hà Nội).
Công ty Xa lộ Hà Nội là đơn vị làm chủ đầu tư, đầu tư xây dựng tuyến đường, quản lý khai thác vận hành (thu phí hoàn vốn), duy tu bảo trì tuyến đường theo hợp đồng BOT ký với UBND TP HCM; còn CII là nhà đầu tư dự án.
Chiều 5/7, ông Dương Quang Châu - Giám đốc Công ty Xa lộ Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Quản lý xây dựng hạ tầng CII, cùng ông Nguyễn Thanh Nam - Phó giám đốc Công ty Xa lộ Hà Nội đã có cuộc làm việc, cung cấp, trao đổi thông tin với phóng viên.
Mở đầu cuộc làm việc, ông Châu nhắc lại sự việc chặn đường dưới cầu Rạch Chiếc hồi tháng 5/2022, bao gồm cuộc họp báo thông tin sự việc vào ngày 2/6/2022. “Từ đó đến giờ, cái giao thông đó vẫn giữ nguyên như vậy, không có gì thay đổi cả, nên mình không hiểu giờ này báo đặt lại vấn đề này”, ông Châu nói.
Phóng viên phải giải thích, báo chí những ngày qua đăng tải việc chặn đường là sự việc mới xảy ra, theo phản ảnh của người dân là đường mới bị chặn lại khoảng một tháng nay, chứ không sự việc năm ngoái.
Sau đó, ông Châu nhiều lần khẳng định, từ đó đến giờ (sau vụ chặn đường hồi tháng 5/2022 - PV), tổ chức giao thông tại chỗ đó vẫn giữ nguyên, không có sự tổ chức giao thông mới.
“Mình khẳng định lại, từ sau khi làm vỉa hè để tổ chức giao thông theo các văn bản của các cơ quan chức năng đã thông báo trong họp báo, cho đến về sau, tổ chức giao thông đó chưa bao giờ có sự thay đổi cả”, ông Châu cho hay.
“Nghĩa là việc mới xảy ra đây, với việc chặn lại đó không phải do BOT mình làm?”, phóng viên hỏi. “Không, chúng tôi không có việc mở ra, nên đâu có chuyện chặn lại”, ông Châu trả lời.
Trước đó, trong quá trình trình bày bức xúc với phóng viên vì đường dẫn dưới chân cầu Rạch Chiếc bị chặn, anh Võ Quốc Bình (người dân sống trong khu vực) cho biết khi xảy ra sự vụ này, anh có liên hệ với bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - Phó tổng giám đốc CII để chất vấn. Anh Bình cung cấp cho phóng viên nội dung trao đổi với bà Trâm.
Anh Bình hỏi: “Chị cho tôi hỏi: Việc chặn đường dẫn dưới dạ cầu Rạch Chiếc là đúng pháp luật? Đúng quy hoạch? Là chủ trương của Sở (Sở GTVT-PV) hay của CII?”. Bà Trâm phản hồi: “Chắc chắn là làm đúng quy hoạch”.
Phóng viên liên hệ với bà Trâm và được bà cho biết hiện mình không đi làm vì lí do sức khỏe. “Chị không ngại vì công ty luôn làm đúng pháp luật, nhưng vì chị không đi làm, mọi phát biểu đều không đúng quy định”, bà Trâm phản hồi.
Trước đó, ngày 3/7, sau khi tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân cũng như ghi nhận sự việc, phóng viên đã liên hệ với ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM để trao đổi thông tin.
Tuy nhiên, ông Lâm đề nghị phóng viên vui lòng liên hệ văn phòng của Sở GTVT TP HCM. Phóng viên cũng đã đăng ký các nội dung làm việc và đang đợi phản hồi từ sở này.
Trong diễn biến liên quan, người dân thông tin cho phóng viên biết vào lúc sáng ngày 6/7, có hai người mặc trang phục dân quân tự vệ đến chỗ đường bị chặn và kê thêm gạch, đá để xe gắn máy dễ dàng qua đường hơn.