Vụ gần 600 loại sữa giả, khoảng 10% hồ sơ sản phẩm được công bố tại Hà Nội

Nguồn tin của PV VietNamNet ngày 16/4 cho hay, trong gần 600 loại sữa giả vừa bị lực lượng công an triệt phá, có khoảng 10% hồ sơ sản phẩm được công bố tại Hà Nội.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội ngày 16/4, khoảng 10% trong số gần 600 loại sữa giả trong đường dây vừa bị lực lượng công an triệt phá đã nộp hồ sơ và công bố sản phẩm tại cơ quan này

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018 của Chính phủ. Đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo quy định của Nghị định 15, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…

Gần 600 loại sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện

Gần 600 loại sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện

Trong hồ sơ đăng ký bản công bố, cần có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố…

Theo phân cấp quản lý, quy định của Nghị định 15 nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi”.

Trong gần 600 loại sữa giả của Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood và Dược quốc tế Rance Pharma, có nhiều sản phẩm được ghi nhãn là sản phẩm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt như sữa Sure IQ Gludiabet, sữa Sure IQ sure gold, hay sản phẩm dinh dưỡng như Sữa Kid baby talacmum (cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi), IQ Grow Talacmum dành cho trẻ từ 1-15 tuổi, Gain Talacmum…; thực phẩm bổ sung Talacmum for mum…

Trước đó, ngày 14/4, Cục An toàn thực phẩm có văn bản yêu cầu Sở Y tế các địa phương; Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.

Trong văn bản, Cục An toàn thực phẩm đề nghị: Nếu các công ty có công bố sản phẩm tại địa phương, đề nghị cung cấp thông tin về số lượng sản phẩm công bố, tên từng sản phẩm công bố tại địa phương; rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại địa phương và hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Nguồn tin của VietNamNet, đến cuối giờ chiều 15/4, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được báo cáo rà soát của nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Các nội dung đã được gửi báo cáo lên lãnh đạo Bộ Y tế.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-gan-600-loai-sua-gia-khoang-10-ho-so-san-pham-duoc-cong-bo-tai-ha-noi-2391821.html