Vụ Gia Trang Quán: Chính quyền địa phương bị tố cáo sai phạm cả về hành chính lẫn hình sự
Trong các ngày 5/6, 2/7 và 8/7, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ kiện quyết định hành chính giữa nguyên đơn là chủ cơ sở Gia Trang Quán và bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh. Phiên xử còn tiếp diễn bởi các tố cáo ánh sai phạm cả về hành chính lẫn hình sự cần được làm rõ.
Ở vụ án này, bà Trần Thị Minh Trang (chủ cơ sở Gia Trang Quán) khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ vì cho rằng ông này ký ban hành quyết định số 798 (ngày 12/11/2019) về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình đối với Gia Trang Quán không đúng sự thật, trái luật định.
Đáng chú ý, mặc dù tòa án đang tiến hành xét xử, UBND huyện Bình Chánh vẫn quyết định tổ chức cưỡng chế đối với Gia Trang Quán từ 23/6/2020, “phong tỏa” cả các công trình không liên quan tới quyết định cưỡng chế và cơ bản đã san phẳng các công trình trên đất bị cho là sử dụng sai mục đích, đặt các cơ quan tư pháp TP.HCM vào thế… “đã rồi”.
Áp dụng luật gây bất lợi và thiệt hại cho dân
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 8/7, bà Trần Thị Minh Trang đã cho rằng UBND xã Tân Quý Tây, UBND huyện Bình Chánh đã cố ý "đánh tráo khái niệm" làm sai lệch bản chất sự việc vi phạm hành chính để thực hiện cưỡng chế Gia Trang Quán ngay trước phiên xử của tòa. Việc "đánh tráo" hành vi vi phạm về xây dựng sang "sử dụng đất không đúng mục đích” để tổ chức cưỡng chế là không phù hợp với thực tế khách quan.
UBND huyện Bình Chánh tổ chức cưỡng chế Gia Trang Quán ngay khi tòa án đang xét xử vụ kiện.
Theo bà Trang, bà không vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích, vì nếu chính quyền xác định các công trình tại Gia Trang Quán hình thành từ tháng 12/2005 thì bà chỉ là người thừa hưởng từ chồng (bà được chồng tặng sau ly hôn). Thêm nữa, nếu các công trình trên đất được chính quyền địa phương xác định sai phạm từ năm 2005 thì tại sao hơn 14 năm qua các lãnh đạo địa phương nhiều thời kỳ lại không phát hiện?, tại sao lại thẩm tra, cấp hàng loạt giấy tờ để Gia Trang Quán được chứng nhận cơ sở hạ tầng đủ điều kiện khách sạn đạt chuẩn 2 sao, rồi tới nay lại kết tội "sử dụng đất không đúng mục đích” để cưỡng chế gây thiệt hại cho người kinh doanh?
Chủ cơ sở Gia Trang Quán tiếp tục khẳng định rằng việc chính quyền quy kết bà có hành vi vi phạm trong việc xây dựng trên đất nông nghiệp từ năm 2005 là hoàn toàn không đúng sự thật. “Tôi có đầy đủ căn cứ để chứng minh Gia Trang Quán được hoạt động từ 2000 đến nay. Những hạng mục tại Gia Trang Quán đã hiện hữu từ năm 2000, vì tôi đã sửa chữa cải tạo lại từ trang trại chăn nuôi. Những hạng mục xây dựng tại Gia Trang từ thời điểm trên được tồn tại phù hợp với luật định hiện hành”, bà Trang trình bày.
Đề nghị tòa xem xét các dấu hiệu tội phạm
Tại phiên xử sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) - người đại diện cho bà Trang yêu cầu triệu tập Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài để xác định hành vi phạm tội và đề nghị làm rõ tư cách đại diện tố tụng của ông Nguyễn Thành Tuyên (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quý Tây), vì ngày 9/1/2020 ông Tuyên dẫn một nhóm người bịt mặt tự ý vào Gia Trang Quán đập phá tài sản, lấy cắp camera... dù lịch cưỡng chế thông báo rộng rãi là các ngày 7 và 8/1, nên ngày 9/1 bà Trang cho nhân viên nghỉ ngơi còn bà nhập viện khẩn cấp.
Chính quyền "phong tỏa" toàn bộ Gia Trang Quán khiến bà Trang không thể vào nhà.
Trong khi UBND huyện Bình Chánh khẳng định ngày 9/1 không tổ chức cưỡng chế, thì Công an huyện Bình Chánh đã ra Quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản xảy ra tại Gia Trang Quán vào ngày 9/1/2020. Về vấn đề này, Chủ tọa phiên tòa cho biết: "Nếu thấy có dấu hiệu hình sự, HĐXX sẽ kiến nghị khởi tố vụ án trong quá trình xét xử…"
Tiếp đó, bà Trang đã có đơn tố giác tội phạm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quý Tây là bà Trần Thị Hải Yến và ông Nguyễn Thành Tuyên, gửi Công an TP.HCM, Công an huyện Bình Chánh và VKSND các cấp.
Đơn tố giác của bà Trang bên cạnh việc nhắc lại vụ cưỡng chế bất ngờ ngày 9/1 còn đề cập đến giai đoạn 2 của cuộc cưỡng chế. Theo đó, UBND xã Tân Quý Tây đã có thông báo tới bà Trang về việc tổ chức cưỡng chế từ 23/6/2020. Tới ngày này, bà Trang có mặt ở Gia Trang Quán thì lực lượng chức năng không cho vào giám sát. Đến 24/6, bà và người thân tiếp tục bị ngăn cản vào căn nhà không liên quan tới quyết định cưỡng chế, đặc biệt là toàn bộ Gia Trang Quán bị niêm phong không rõ lý do trong sự ngỡ ngàng của chủ nhà lẫn dư luận xã hội…
“Tôi cho rằng với hành vi tự ý niêm phong tài sản không thuộc phạm vi cưỡng chế, cho phá vỡ các trụ gỗ làm căn nhà bị sập, tài sản bên trong bị mất đã đủ yếu tố cấu thành các tội: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, xâm phạm chỗ ở công dân, hủy hoại tài sản, trộm cắp tài sản,… theo quy định của Bộ luật hình sự 2015”, bà Trang ghi trong đơn ngày 4/7/2020.
Không thể mập mờ về quá trình tạo lập Gia Trang Quán
Về nguồn gốc đất Gia Trang Quán, bà Trang cho biết khu đất được vợ chồng bà nhận chuyển nhượng từ nhiều hộ dân từ năm 1999. Lúc đó, trên đất có 2 căn nhà đã xây, 7 căn nhà lá và một số công trình trên đất. Năm 2003, vợ chồng bà Trang xây dựng, lập trang trại chăn nuôi.
Bà Trần Thị Minh Trang trình bày về quá trình tạo lập Gia Trang Quán trước HĐXX TAND TP.HCM.
Năm 2005, do dịch cúm H5N1 nên UBND huyện Bình Chánh khuyến khích các chủ trang trại chăn nuôi thay đổi ngành nghề. Từ đó, bà Trang sửa chữa các chuồng trại và chuyển thành nhà trọ. Từ năm 2006, công trình được sửa thành Gia Trang Quán như hiện nay.
Năm 2011, Gia Trang Quán xây dựng nhà ở không phép diện tích 98m2 và nhà rường gỗ có diện tích vi phạm 147,7m2, bị UBND huyện Bình Chánh xử phạt 2,5 triệu đồng. Sau đó, theo hướng dẫn, bà Trang làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng cho 2 công trình nêu trên.
Tuy nhiên, đến năm 2019, Gia Trang Quán bị UBND xã Tân Quý Tây lập biên bản vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã ban hành quyết định cưỡng chế và chủ cơ sở khởi kiện. “Tôi sẵn sàng tự tháo dỡ công trình nếu vi phạm, nhưng huyện Bình Chánh phải chỉ ra hạng mục nào vi phạm, diện tích vi phạm là bao nhiêu, hiện trạng vi phạm như thế nào? ”, bà Trang nói.
Tiếp lời, luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng đánh giá: Trong vụ án này UBND xã Tân Quý Tây và UBND huyện Bình Chánh đã có nhiều sai phạm. Cụ thể, việc lập biên bản vi phạm sai cả về hình thức và thủ tục; việc ban hành quyết định 798 căn cứ trên các biên bản không đảm bảo tính pháp lý và việc xác định diện tích xây dựng vi phạm cũng không đúng. “Chưa kể từ 2016 chính quyền đã cho phép Gia Trang Quán tồn tại, và từng ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy việc 1 hành vi vi phạm bị xử lý 2 lần là hoàn toàn trái quy định pháp luật”, luật sư Hùng khẳng định.
Tại các phiên xử, đại diện UBND huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục khẳng định đã lập biên bản, xử lý vi phạm đúng theo quy định hiện hành.