Vụ Giáo dục Trung học, Tiểu học, dự án RGEP và chuyện giá sách giáo khoa mới
Giá sách mới thì đắt như vàng, vậy chọn chất lượng hay màu mè, in ấn? Vụ Giáo dục Trung học, Tiểu học, dự án RGEP và một số đơn vị liên quan có trách nhiệm gì?
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giá của 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là các bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để các nhà trường lựa chọn và sử dụng trong năm học 2020-2021.
Điều này đã gây nên nhiều ý kiến phản đối, nghi ngờ rằng tại sao giá sách giáo khoa mới lại tăng cao như vậy?
Câu hỏi dư luận đặt ra ở đây là các quy chuẩn của sách giáo khoa ở đâu mà Bộ Giáo dục lại đứng ngoài cuộc?
Việc này dẫn đến các kê khai giá hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giải thích sách giáo khoa mới tăng đến 267% là do kích thước tăng, in 4 mầu và chất lượng giấy?
Vậy dư luận xã hội cho rằng phải chăng bộ sách giáo khoa cũ lâu nay vẫn sử dụng là không đảm bảo chất lượng cho việc dạy học?
Vậy Bộ Giáo dục đang chú trọng về chất lượng kiến thức hay về hình thức?
Có nhất thiết rằng sách giáo khoa phải in khổ lớn, in 4 mầu và dùng loại giấy quá tốt để tăng giá thành, gây ảnh hưởng đến người dân?
Tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã nếu rõ Bộ Giáo dục phải ban hành 1 bộ sách giáo khoa của Bộ để đảm bảo cho học sinh nhưng Bộ lại không hề biên soạn?
Chính phủ đã duyệt cho Bộ Giáo dục 1 dự án 80 triệu đô la Mỹ để làm việc này, trong đó 77 triệu đô la Mỹ là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu đô la Mỹ vốn đối ứng. Trong số này, có khoản 16 triệu đô la Mỹ dành để biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện.
Tháng 1/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ngân hàng Thế giới khởi động dự án RGEP.
Nhưng theo kế hoạch và tiến độ khá chậm phải lùi thời gian thực hiện dẫn đến năm 2020 mà Bộ vẫn không có được 1 bộ sách giáo khoa của Bộ, phải chăng Bộ Giáo dục đang cố tình không thực hiện hoặc thực hiện chậm để tạo sân sau cho các doanh nghiệp có cơ hội chiếm lĩnh thị trường và nâng giá sách giáo khoa mới?
Có thể nói phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phá sản, nhưng thật bất ngờ ngày 4/2, tại cuộc họp triển khai hoạt động của dự án RGEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lại Giao Ban Quản lý các dự án (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp Vụ Giáo dục tiểu học, dự án RGEP và một số đơn vị liên quan, tổ chức mua bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 mới (trừ sách giáo khoa môn ngoại ngữ).
Đồng thời, Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp Vụ Giáo dục Tiểu học và các đơn vị liên quan tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Trước mắt, hoàn thành biên soạn bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 trước ngày 15/10 để thẩm định.
Như vậy có thể nói là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mua sách lớp 1 để biên soạn sách lớp 2?
Trước thông tin này, tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng khi các nhà xuất bản đã ra mắt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 và được phê duyệt sử dụng trong trường phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại bắt đầu tổ chức biên soạn sách giáo khoa là không hợp lý.
"Nghị quyết 88 yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa để phòng trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào biên soạn sách giáo khoa kịp triển khai chương trình mới. Nhưng thực tế đã có tới 5 bộ sách rồi thì không lo học sinh không có sách học". (1).
Giá sách giáo khoa mới và những lời giải thích vô cảm
Nêu quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Đào Trọng Thi - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Giáo viên, học sinh đang dạy học sách giáo khoa lớp 1 theo phương pháp tiếp cận nội dung, mục tiêu giáo dục của một nhóm tác giả, khi lên lớp 2 lại là một nhóm có cách biên soạn, tiếp cận hoàn toàn khác thì khó tạo ra một sự nhất quán.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo mua một bộ sách giáo khoa lớp 1 bằng tiền ngân sách rồi bán rẻ thì các bộ sách giáo khoa lớp 1 khác sẽ khó có thể tồn tại. (2)
Cũng có ý kiến xã hội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lấy vốn vay dự án mua sách giáo khoa rồi phân bổ về các thư viện trường học để học sinh không có điều kiện mua sách có thể mượn sách để học. Những gia đình có điều kiện thì họ có thể tự trang bị sách giáo khoa cho con em mình.
Suy cho cùng tiền vay cũng là tiền đóng thuế của nhân dân, nhà nước không đủ sức để bao cấp sách giáo khoa nên mới khuyến khích các tổ chức tư nhân bỏ vốn biên soạn sách.
Vấn đề này đã được luật hóa, không cần phải tranh luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên biên soạn sách vì như vậy ông vừa đá bóng vừa thổi còi, đi ngược với yêu cầu xã hội hóa giáo dục. Bộ phải lo tập trung chuyên môn quản lý nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
(1) (2) https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-gd-dt-muon-mua-sgk-lop-1-20200327220612097.htm