Vụ Hè Thu 2022: Khó khăn ngay từ đầu vụ
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Hè Thu (HT) 2022 đợt chính vụ. Theo ghi nhận, vụ này, nông dân gặp khó khăn ngay từ đầu vụ, khả năng sẽ giảm lợi nhuận.
Nhiều khó khăn
Ngay từ đầu vụ lúa HT năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong sản xuất, trong đó vấn đề lớn là giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón tăng cao so với vụ lúa Đông Xuân vừa qua. Cụ thể, phân DAP có giá từ 860.000 - 890.000 đồng/bao (tăng 40.000 đồng/bao); phân urê ở mức 650.000 - 680.000 đồng/bao (tăng 30.000 đồng/bao); phân kali cũng tăng 40.000 đồng/bao. Riêng các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 5.000 - 10.000 đồng, tùy loại.
Chuẩn bị xuống giống gần 3,2ha lúa HT (giống OM 18), gia đình ông Nguyễn Văn Minh (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) cho biết: “Thời gian qua, giá các loại phân bón không ngừng tăng, trong đó, bình quân tăng khoảng 40.000 đồng/bao so với đầu vụ Đông Xuân. Ngoài ra, giá xăng, dầu bơm nước và thuê nhân công ở các khâu cũng tăng nên chi phí đầu tư cho vụ lúa HT năm nay tăng khoảng 2,5 - 2,7 triệu đồng/0,1ha. Như vậy, nếu đợt thu hoạch lúa tới đây đạt năng suất từ 7 tấn/ha trở lên thì gia đình tôi mới có lợi nhuận, còn năng suất dưới 7 tấn/ha thì nhiều khả năng sẽ thua lỗ”.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng, vụ HT năm nay, toàn huyện đã xuống giống hơn 8.200ha nhưng hiện có hơn 350ha lúa bị sâu hại và nhiễm bệnh. Để giúp nông dân bảo vệ lúa, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ xuống cơ sở trực tiếp cùng nông dân phòng, trừ sâu, bệnh cho lúa. Ông Trần Văn Hiệu (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, chúng tôi tranh thủ cải tạo đất để xuống giống vụ HT 2022 theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Ngay từ đầu vụ, lúa đã bị sâu đục thân, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn lá tấn công nhưng chỉ ở mật độ thấp và chưa ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa”.
Cùng với những khó khăn trên thì một yếu tố bất lợi khác trong sản xuất là mùa khô năm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt hơn so cùng kỳ nên phần nào làm cho cây lúa chậm phát triển, dẫn đến việc nông dân phải tăng cường rải thêm phân bón, trong khi giá phân đang tăng cao. Ông Lê Văn Tấn (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Vụ này, thời tiết có phần bất lợi hơn năm trước. Để giúp cây lúa nhanh phát triển, tôi đã tăng số lượng phân cho mỗi lần bón. Bên cạnh đó, sâu, bệnh trên lúa HT cũng xuất hiện nhiều hơn vụ Đông Xuân, dù không gây ảnh hưởng đến năng suất nhưng cũng tốn thêm một khoản chi phí cho việc phòng trừ. Hiện nay, tôi tích cực chăm sóc lúa của gia đình để có thể đạt hiệu quả cao nhất khi thu hoạch”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết, đến thời điểm hiện tại, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống hơn 24.180ha lúa HT 2022, hầu hết đều tuân thủ nghiêm theo khung lịch thời vụ xuống giống của ngành Nông nghiệp địa phương. Nông dân chọn gieo sạ những giống lúa theo khuyến cáo, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận tiếp tục ở mức cao và thực hiện tốt các biện pháp về kỹ thuật canh tác đầu vụ nên các trà lúa HT trên địa bàn huyện đều đang phát triển tốt. “Những khó khăn mà nông dân đang gặp phải là yếu tố khách quan và tình hình chung trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên cập nhật tình hình và đưa ra dự báo dịch bệnh trên cây lúa. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của huyện cũng thường xuyên phối hợp nông dân thăm đồng để kịp thời phát hiện, phòng trừ hiệu quả các loại dịch hại” - ông On cho biết thêm.
Cần tuân thủ lịch thời vụ
Để vụ lúa HT 2022 đạt thắng lợi trước ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn và rầy nâu từ lúa ĐX 2021 - 2022 đang vào giai đoạn thu hoạch rộ lây lan với mật số cao do lúa vào giai đoạn trổ - chín, Sở NN&PTNT thông báo lịch xuống giống vụ lúa HT năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 20 đến 30/4, tại các vùng trũng thấp thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười; đợt 2 từ ngày 18 đến 28/5 tại tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; đợt 3 từ ngày 15 đến 25/6 tại các vùng không chủ động nguồn nước, các huyện phía Nam và lúa Thu Đông các huyện vùng Đồng Tháp Mười.
Ngoài ra, đối với những vùng bị nhiễm phèn, mặn, trước khi gieo sạ cần chú ý cày, xới rửa mặn, tăng cường bón vôi, phân lân để cải tạo phèn; các vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng nước trời, kiên quyết không gieo sạ khi mùa mưa chưa bắt đầu nhằm tránh thiệt hại.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, do nhiều địa phương trong tỉnh đang thu hoạch lúa Đông Xuân nên khả năng rầy nâu di cư liên tục trong tháng. Căn cứ theo tình hình thời tiết, thủy văn thực tế của từng vùng; đồng thời, kết hợp việc theo dõi rầy nâu di trú của địa phương để quyết định thời điểm xuống giống hợp lý, bảo đảm né rầy ở các huyện, thị xã, thành phố.
Hiện nay, diễn biến hạn, mặn, rầy nâu và đạo ôn lá khá phức tạp, do đó các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin từ các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, không được nóng vội xuống giống vụ lúa HT ngoài lịch, do khả năng rầy nâu di cư với mật số cao từ ruộng lúa đang thu hoạch sang trà lúa mới gieo sạ.
Sở đã làm việc và yêu cầu phòng NN&PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố, thị xã phối hợp các xã, phường, thị trấn chỉ đạo nông dân trên địa bàn xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch né rầy của địa phương để hạn chế sự gây hại của rầy nâu và lan truyền của mầm bệnh đạo ôn lá.
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các trạm chuyên môn tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tuân thủ lịch xuống giống; khuyến cáo nông dân không thực hiện biện pháp phun ngừa khi sâu, rầy ở mật số thấp để tránh tình trạng sinh vật gây hại bộc phát trên đồng ruộng.
“Để bảo đảm được lợi nhuận trong tình hình giá vật tư tăng cao, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là việc giảm chi phí đầu vào như giảm giống, vật tư nông nghiệp, phân bón vô cơ, tận dụng tốt nguồn phân hữu cơ. Bên cạnh đó, nông dân cần quan tâm đến việc điều chỉnh mực nước trong ruộng khi bón phân để giảm thất thoát, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao” - ông Thiện cho biết.
Vụ lúa HT 2022 được dự báo còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu, dịch vụ nông nghiệp ở mức cao. Về cuối vụ, tình trạng mưa, bão có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Nông dân cần áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến nhằm giữ vững năng suất, giảm giá thành để từ đó bảo đảm lợi nhuận trong điều kiện sản xuất khó khăn./.
Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 40.017ha lúa Hè Thu 2022, bằng 18,7% kế hoạch, bằng 105,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó, thu hoạch 1.000ha, năng suất ước đạt 51 tạ/ha, sản lượng 5.100 tấn.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vu-he-thu-2022-kho-khan-ngay-tu-dau-vu-a132984.html