Vụ Hoàng Công Lương: Bị cáo duy nhất kêu oan

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, cựu giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, là người duy nhất kháng cáo kêu oan trong phiên phúc thẩm vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong.

Ngày 15-6, dù là thứ Bảy, phiên phúc thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục làm việc.

Đáng chú ý, tại tòa sơ thẩm, có hai bị cáo liên tục kêu oan, đó là Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) và Đỗ Anh Tuấn (cựu giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn). Tuy nhiên, xử phúc thẩm lần này, Lương đã thừa nhận tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt, do vậy chỉ còn duy nhất bị cáo Tuấn là người kháng cáo toàn bộ bản án.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, cựu giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, cựu giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn.

Hồi tháng 1-2019, Đỗ Anh Tuấn bị TAND TP Hòa Bình tuyên phạt 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKS tỉnh Hòa Bình khẳng định bản án sơ là đúng người đúng tội, đề nghị bác kháng cáo của ông Tuấn.

Ngay sau đó, bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư (LS) Đinh Hương đã đưa ra hàng loạt căn cứ để chứng minh bị cáo Tuấn không phạm tội.

Theo đó, bản án sơ thẩm nêu ngày 22-1-2009, giữa công ty Thiên Sơn và BV ký hợp đồng số 64 về việc liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo, từ đó phát sinh trách nhiệm chung trong việc cùng thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân tại BV.

LS Hương cho rằng nhận định này là không có căn cứ bởi chính hợp đồng số 64 mà HĐXX căn cứ để buộc tội bị cáo đã được thanh lý từ ngày 18-11-2014. Việc đưa ra một chứng cứ không còn hiệu lực pháp luật để buộc tội cho Đỗ Anh Tuấn là trái pháp luật.

Ngoài ra, công ty Thiên Sơn không phải là đối tượng cùng thực hiện nhiệm vụ với BV mà chỉ là đối tác cho thuê máy chạy thận. Bởi mục đích của BV là thực hiện công vụ, phục vụ nhân dân và xã hội, không vì mục đích lợi nhuận; trong khi đó Thiên Sơn là pháp nhân thương mại, mục đích kinh doanh và lợi nhuận.

Chưa hết, bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo Tuấn đồng phạm và phải cùng chịu trách nhiệm với Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) trong việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự cố ngày 29-5-2017.

Tuy nhiên, theo LS Hương, “đồng phạm” trong pháp luật hình sự chỉ áp dụng các tội có lỗi cố ý, nhưng tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có cấu thành là lỗi vô ý.

Bên cạnh đó, Thiên Sơn là công ty 100% vốn tư nhân. Vì vậy, Đỗ Anh Tuấn không thể là chủ thể của tội danh trên, vì tội này nằm trong chương tội phạm chức vụ và yêu cầu chủ thể đặc biệt.

Cũng theo nữ LS, Thiên Sơn ký hợp đồng số 315 với BV để sửa chữa hệ thống RO2 nhưng hợp đồng này đang trong quá trình thực hiện, phía công ty chưa có bất kỳ nghiệm thu bàn giao nào cho BV.

LS Đinh Hương khẳng định trường hợp của Đỗ Anh Tuấn hoàn toàn không có ăn cứ kết tội, đề nghị HĐXX phúc thẩm ra một bản án đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình.

Sau nhiều lượt tranh luận qua lại giữa LS của bị cáo Tuấn và đại diện VKS, một diễn biến đáng chú ý, đó là cơ quan công tố đã ghi nhận một số tình tiết mà phía LS đưa ra.

Trong đó, đại diện VKS thừa nhận bản án sơ thẩm viện dẫn hợp đồng số 64 để kết tội Đỗ Anh Tuấn là không thỏa đáng, vì hợp đồng này đã thanh lý, không còn hiệu lực pháp luật.

Cùng với đó, bị cáo Tuấn không đồng phạm với bị cáo Dương về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng công ty Thiên Sơn đồng trách nhiệm với BV bởi đây là hình thức liên doanh liên kết chịu sự điều chỉnh của Thông tư 15/2007 của Bộ Y tế.

Về vấn đề chủ thể tội danh, đại diện VKS nhận định Đỗ Anh Tuấn là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty Thiên Sơn, chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị và trước pháp luật,…

Phiên tòa tiếp tục làm việc vào chiều nay.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-hoang-cong-luong-bi-cao-duy-nhat-keu-oan-840224.html