'Vũ khí' có thể giúp BYD đánh bại Tesla trong kỷ nguyên AI

4,3 triệu ô tô được BYD bán ra mỗi năm sẽ trở thành kho dữ liệu khổng lồ để huấn luyện thuật toán cho công ty.

Lizzi Lee, chuyên gia tại trung tâm tư vấn chính sách Asia Society Policy Institute, nhận định hệ sinh thái sản xuất của Trung Quốc, gồm cả hạ tầng, chuỗi cung ứng và kỹ sư, đã tạo điều kiện lý tưởng để BYD vươn lên.

“Chuỗi sản xuất chặt chẽ giúp BYD cải tiến nhanh, cắt giảm chi phí hiệu quả và duy trì chuỗi cung ứng linh hoạt”, bà nói.

Tesla vẫn tin mình có lợi thế lớn ở các lĩnh vực như tự động hóa, hạ tầng AI, chip Nvidia mới nhất và hàng tỉ giờ video để huấn luyện mạng nơ-ron.

Mạng nơ-ron là mô hình AI được thiết kế để mô phỏng cách hoạt động của não người, đặc biệt là quá trình học hỏi và xử lý thông tin.

“Việc đánh cắp hoặc sao chép tài sản sở hữu trí tuệ về phần cứng tương đối dễ, chứ còn phần mềm thì không thể đảo ngược kỹ thuật được”, một nguồn tin thân cận với Tesla cho biết.

Đảo ngược kỹ thuật phần mềm là việc phân tích ngược cấu trúc hoặc mã nguồn để sao chép hoặc bắt chước lại.

Tham vọng ngắn hạn lớn nhất của Elon Musk là triển khai robotaxi quy mô lớn sau đợt ra mắt giới hạn ở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ). Dù các chuyên gia cảnh báo Tesla khó bắt kịp Waymo của Google, Elon Musk tuyên bố rằng chỉ riêng việc chuyển hướng sang mảng robotaxi và AI có thể nâng định giá công ty lên tới 5.000 tỉ USD.

“Tôi không thấy ai có thể cạnh tranh với Tesla lúc này”, tỷ phú giàu nhất thế giới tuyên bố với các nhà đầu tư vào tháng 4.

Tham vọng lớn nhất với Elon Musk trong ngắn hạn là cung cấp taxi tự lái của Tesla trên quy mô lớn sau khi ra mắt giới hạn tại Austin - Ảnh: Reuters

Tham vọng lớn nhất với Elon Musk trong ngắn hạn là cung cấp taxi tự lái của Tesla trên quy mô lớn sau khi ra mắt giới hạn tại Austin - Ảnh: Reuters

Giá trị thị trường hơn 1.000 tỉ USD của Tesla cho thấy nhà đầu tư vẫn tin vào Elon Musk. Trong khi đó, BYD dù thành công trong việc cung cấp nhiều loại ô tô điện giá cả phải chăng nhưng không được coi là một tập đoàn tập trung vào phần mềm và cũng không được định giá như hãng công nghệ lớn. Sức mạnh cốt lõi của công ty Trung Quốc vẫn được cho là chủ yếu đến từ cam kết sâu sắc từ Giám đốc điều hành Wang Chuanfu với công nghệ pin.

Tuy nhiên, thông báo của BYD về God’s Eye đánh dấu bước ngoặt. Wang Chuanfu trước đây vẫn còn e ngại việc theo chân các đối thủ nội địa như Xpeng và Nio trong lĩnh vực công nghệ tự lái do những nghi ngờ về an toàn. Đột nhiên, BYD đã tham gia cuộc chơi ô tô tự lái.

Dù phiên bản đầu chỉ có chức năng cơ bản như điều hướng trên đường cao tốc và đổi làn - chưa sánh với hệ thống FSD của Tesla, BYD dự định tích hợp miễn phí God’s Eye vào hầu hết mẫu xe, điều có thể phá vỡ chiến lược thu phí FSD của Tesla.

FSD (Full Self-Driving) là hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến được phát triển bởi Tesla, hướng đến mục tiêu sẽ giúp ô tô tự động lái hoàn toàn mà không cần sự can thiệp của con người trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, FSD vẫn đang trong giai đoạn phát triển và không hoàn toàn tự động mà vẫn cần sự giám sát của tài xế.

FSD sử dụng một loạt cảm biến, gồm camera, radar và siêu âm, để thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh ô tô. Sau đó, dữ liệu này được xử lý bởi các thuật toán học máy phức tạp để xác định vị trí của xe, các vật thể khác trên đường và dấu hiệu giao thông. Dựa trên thông tin này, FSD có thể đưa ra quyết định về việc tăng tốc, giảm tốc, đánh lái và thực hiện các thao tác khác.

Ông Tu Le, sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho rằng điểm mấu chốt không phải là BYD đang có gì, mà là lượng dữ liệu hãng đang thu thập. Mỗi chiếc trong số 4,3 triệu ô tô mà BYD bán ra mỗi năm sẽ sớm thu thập dữ liệu để đào tạo các thuật toán của công ty.

Quy mô lớn cũng giúp BYD mua chip Nvidia giá tốt, đưa tính năng bán tự hành - thường chỉ có ở ô tô cao cấp, vào các mẫu xe giá chỉ 70.000 nhân dân tệ (khoảng 9.600 USD).

Những rào cản của Tesla tại Trung Quốc

Doanh số ô tô điện của Tesla tại Trung Quốc đang thấp hơn BYD và giảm 5% trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, thiệt hại thương hiệu do hoạt động chính trị của Elon Musk không phải là nguyên nhân, theo một giám đốc Tesla.

“Bây giờ, nếu chạy ô tô điện Tesla thay vì BYD, khi Trung Quốc có quy tắc ưu tiên hàng nội địa, bạn phải giải thích. Chẳng ai muốn làm thế cả. Với lại xe Trung Quốc giờ đã tốt hơn trước”, ông lý giải.

Tuy nhiên, thách thức lớn hơn với Tesla là các hạn chế của Trung Quốc về việc thu thập và chuyển giao dữ liệu. FSD dựa trên một hệ thống học máy sử dụng hàng tỉ giờ video để đào tạo một thuật toán đưa ra các quyết định lái xe trong thời gian thực.

Elon Musk nói rằng Trung Quốc không cho phép Tesla chuyển video lái xe được tạo ra từ đội ô tô điện của họ ở đây ra ngoài nước. Trong khi các cơ quan chức năng Mỹ cũng sẽ không cho phép Tesla đào tạo thuật toán ở Trung Quốc. Điều đó trên thực tế đã dẫn đến một quá trình học tập song song, với phiên bản FSD ở Trung Quốc chắc chắn có hiệu suất kém hơn vì được ít ô tô điện cung cấp dữ liệu.

Duo Fu, Phó chủ tịch công ty tư vấn Rystad Energy (Na Uy), nhận xét FSD ở Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào mô phỏng thay vì kinh nghiệm lái xe thực tế của con người.

“Tesla đã hợp tác với Baidu (gã khổng lồ tìm kiếm và AI của Trung Quốc - PV). Thế nhưng, Baidu không thể tiết lộ toàn bộ dữ liệu cho Tesla. Dữ liệu thực tế chắc chắn có giá trị hơn”, ông nói.

Vẫn còn rủi ro phía trước cho BYD

Dù BYD có thể có lợi thế sân nhà khi nói đến thu thập và bảo mật dữ liệu, việc Wang Chuanfu chuyển hướng muộn sang chức năng tự lái đã tạo ra một số rủi ro cho tập đoàn này.

Một trong số đó là những dấu hỏi về tính bền vững tài chính. Cuộc chiến giá cả giữa các hãng ô tô Trung Quốc đang gây căng thẳng cho lợi nhuận và bảng cân đối kế toán của ngành khi chính phủ yêu cầu hành động nhiều hơn để bảo vệ các nhà cung cấp tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Điều này cũng làm lộ ra những điểm yếu trong chuỗi tích hợp dọc vốn là thế mạnh của BYD. Tuy vậy, theo chuyên gia Chris McNally từ ngân hàng đầu tư Evercore, nền tảng God’s Eye của BYD vẫn dựa vào phần mềm và phần cứng từ các đối tác như Momenta (được General Motors hậu thuẫn) và một số chip từ Nvidia.

Tuy vậy, những rủi ro đó có thể không kéo dài. Các nhà phân tích tin rằng BYD sẽ sớm tự phát triển hầu hết công nghệ xe tự lái và thay thế dần chip Nvidia bằng chip của Horizon Robotics (Trung Quốc).

“Đây là cách BYD giảm chi phí”, Chris McNally nói.

Tích hợp dọc là chiến lược kinh doanh mà công ty mở rộng quyền kiểm soát của mình lên nhiều giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng của một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Thay vì chỉ tập trung vào một công đoạn nhất định (ví dụ chỉ sản xuất hoặc phân phối), công ty sẽ tự mình thực hiện hoặc sở hữu các công đoạn trước đó (nhà cung cấp nguyên vật liệu) hoặc các công đoạn sau đó (kênh phân phối, bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng).

Trong nhiều năm, những rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào chip do Mỹ sản xuất đã đè nặng lên ngành ô tô Trung Quốc. Các kế hoạch cho hệ thống tự lái xe có thể bị kìm hãm bất cứ lúc nào bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hoặc lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Do môi trường địa chính trị, không ai sẽ đầu tư vào một công nghệ có rủi ro cao như vậy mà vẫn phụ thuộc công nghệ nước ngoài”, Raymond Tsang, chuyên gia công nghệ ô tô của Bain & Company tại Thượng Hải, bình luận.

Điều đó cũng phù hợp cho sự thay đổi rộng hơn sang tự chủ trong các công nghệ then chốt, nhằm đáp lại các hạn chế ngày càng tăng của Mỹ với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

Ding Yuqian, chuyên gia phân tích của ngân hàng HSBC tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), nói BYD dù chưa tuyên bố kế hoạch robotaxi, ban lãnh đạo đã “rất rõ ràng” về mục tiêu tự phát triển toàn bộ phần mềm và phần cứng cho xe tự hành.

Ông Wang Chuanfu cũng từng gợi ý BYD có tất cả công nghệ và bí quyết để phát triển robot – thách thức tiềm tàng dài hạn khác với Tesla.

“Với sản lượng hơn 5 triệu ô tô mỗi năm, BYD có thể làm mọi thứ. Mục tiêu cuối cùng của BYD là làm chủ mọi công nghệ cốt lõi trong ô tô, từ phần cứng đến phần mềm, giống Tesla. BYD đang tiến rất gần Tesla”, Ding Yuqian nhận xét.

Bà Stella Li cho biết sự cạnh tranh với Tesla giúp BYD trở thành công ty tốt hơn - Ảnh: Getty Images

Bà Stella Li cho biết sự cạnh tranh với Tesla giúp BYD trở thành công ty tốt hơn - Ảnh: Getty Images

Trong một cuộc phỏng vấn với FT, bà Stella Li (Phó chủ tịch BYD) nói rằng cạnh tranh cùng Tesla trong mảng ô tô điện lẫn xe tự hành sẽ thúc đẩy đổi mới và cuối cùng sẽ giúp BYD trở thành công ty tốt hơn.

“Trong tương lai, nếu không sản xuất ô tô điện, không tích hợp công nghệ thông minh và lái xe tự động, bạn sẽ bị loại bỏ”, Stella Li cảnh báo.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vu-khi-co-the-giup-byd-danh-bai-tesla-trong-ky-nguyen-ai-235068.html