'Vũ khí' của Trường Sĩ quan Lục quân 1

Mới chỉ bắt đầu học tiếng Nga được hơn 1 năm, vậy mà những chàng trai của đội Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ có truyền thống tiếng Nga để giành giải Nhì tại Hội thi Olympic tiếng Nga toàn quân lần thứ nhất. Thế mới thấy 'vũ khí' của Trường Sĩ quan Lục quân 1 tại hội thi lần này quả là lợi hại.

Phấn khởi trước những thành tích vừa đạt được của Bộ môn Nga - Trung, Đại tá Lê Văn Tách, Chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ -Tiếng Việt, Trường Sĩ quan Lục quân 1 chia sẻ: Khi có quyết định về việc tổ chức kì thi Olympic tiếng Nga, chúng tôi đã tham mưu cho đảng ủy, chỉ huy nhà trường về việc sớm đưa chương trình học tiếng Nga vào giảng dạy, học viên có điều kiện tiếp cận ngoại ngữ sớm hơn. Nhờ vậy, các học viên tham gia kỳ thi đều đoạt giải.

Đến thời điểm này, các hoạt động trong công tác giảng dạy, học tập đã đạt kết quả tốt nhưng chúng tôi xác định đây chỉ là bước đầu. Khắc phục những khó khăn trong quá trình tuyển chọn thí sinh đi thi, do những học viên năm cuối cần tập trung cho kỳ thi quan trọng cuối cùng, những học viên khác thì mới bước vào học tiếng Nga chưa lâu, chúng tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy trong thời gian tới, Đại tá Lê Văn Tách chia sẻ.

 Thí sinh đến từ Trường SQLQ1 trong phần thi hùng biện tại Hội thi Olympic tiếng Nga toàn quân lần thứ nhất.

Thí sinh đến từ Trường SQLQ1 trong phần thi hùng biện tại Hội thi Olympic tiếng Nga toàn quân lần thứ nhất.

Những năm qua, do đặc thù, nên số lượng học viên thu hẹp, chỉ còn 2 chuyên ngành bộ binh cơ giới và trinh sát cơ giới. Nhưng cùng với tiếng Anh, Trường Sĩ quan Lục quân 1 luôn xác định tiếng Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra thế hệ sĩ quan tương lai giỏi ngoại ngữ, vững chuyên môn, đủ khả năng khai thác trang thiết bị, vũ khí hiện đại và làm tốt công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại quốc phòng.

Đến Bộ môn Nga - Trung mới thấy các giảng viên có các “truyền lửa” học ngoại ngữ rất riêng. Muốn học viên học giỏi tiếng Nga thì cách tốt nhất là làm cho các chàng trai trẻ “phải lòng” tiếng Nga thông qua những buổi nói chuyện, tìm hiểu về đất nước, văn học, văn hóa và con người Nga.

“Không chỉ lúc giảng bài mà ngay cả khi chào báo cáo hay các hoạt động giao tiếp thông thường, chúng tôi đều sử dụng tiếng Nga”, Thượng tá Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nga - Trung, Khoa Ngoại ngữ - Tiếng Việt, Trường Sĩ quan Lục quân 1 chia sẻ. Bởi sự gần gũi đó mới khiến học viên mới thấy Tiếng Nga không còn là một ngôn ngữ khó nữa.

 Học viên hào hứng lắng nghe những câu chuyện về đất nước Nga bằng tiếng Nga.

Học viên hào hứng lắng nghe những câu chuyện về đất nước Nga bằng tiếng Nga.

Thượng tá Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Tiếng Nga có những đặc trưng riêng, từ rất dài và biến đổi theo nhiều cách. Nói 1 câu thì biến đổi từ đấu đến cuối. Xác định được những khó khăn đó nên ngay từ những bài học đầu tiên, đội ngũ giảng viên tiếng Nga chúng tôi, đã hướng dẫn rất cụ thể, tỉ mỉ cho học viên từng con chữ, từng cách viết chữ hoa như thế nào, viết thường như thế nào và chú ý vào trọng âm của từ và ngữ điệu của câu. Bởi vì trọng âm và ngữ điệu của câu sẽ giúp các em đạt mục đích khi giao tiếp”.

Ngôn ngữ chỉ “sống” khi nó được sử dụng, do đó để học viên thành thục cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), đặc biệt kỹ năng nói, Thượng tá Nguyễn Thị Hoa và đồng nghiệp thường xuyên yêu cầu học viên thực hành nói rất nhiều. Với suy nghĩ, càng bộc lộ cái sai thì càng nhanh học hỏi, do đó trên lớp, cô trò có những buổi trao đổi theo từng chủ đề nhỏ tùy vào trình độ học viên. Ở đó các em có thể trình bày quan điểm của mình bằng tiếng Nga, đồng thời qua đó rèn được kỹ năng đọc, viết. Ở nhà lại có cách học khác, đó là khuyến khích các em viết từ, học từ, trao đổi với nhau những câu thông thường hằng ngày, sau đó kiểm tra lại trên lớp.

 Thượng tá Nguyễn Thị Hoa (giữa) trao đổi chuyên môn với các giảng viên trong bộ môn.

Thượng tá Nguyễn Thị Hoa (giữa) trao đổi chuyên môn với các giảng viên trong bộ môn.

Vinh dự là một trong những thành viên tham dự Hội thi Olympic tiếng Nga lần thứ nhất, Trung sĩ Vũ Đức Mạnh, Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 cho biết “tình yêu” này chớm nở khi Mạnh vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Vốn chỉ thông thạo tiếng Anh, nên ban đầu học tiếng Nga, Mạnh gặp nhiều khó khăn bởi ngữ pháp phức tạp, câu dài, nhưng nhờ được các thầy cô giáo hướng dẫn những phương pháp học hiệu quả nên Mạnh và đồng đội đã đạt kết quả cao trong cuộc thi vừa qua.

Vũ Đức Mạnh chia sẻ: “Cách học tiếng Nga của tôi rất đơn giản, ai cũng có thể áp dụng để nâng cao khả năng học ngoại ngữ của mình. Ngoài giờ học trên lớp, tôi thường trao đổi cùng đồng chí, đồng đội thông qua giờ học tập, nhóm học tập. Để củng cố kỹ năng giao tiếp tiếng Nga, tôi cùng đồng đội nói chuyện với nhau bằng những mẫu câu đơn giản. Tôi nghĩ không cần mất quá nhiều thời gian hằng ngày để học, chỉ cần làm những dạng đề cơ bản để tạo phản xạ nhanh khi tiếp xúc với ngôn ngữ”.

Ngoài ra, Mạnh cũng luôn tạo hứng thú cho bản thân khi học tiếng Nga bằng cách tìm hiểu bài thơ, bài văn, bài hát, những câu nói nổi tiếng của các lãnh tụ. Sau đó, kết hợp với giờ sinh học tổ, sinh hoạt nhóm để cùng trao đổi lại kiến thức mà mình đã học được với đồng đội.

 Học viên Trường SQLQ 1 nâng cao các kỹ năng nghe qua hệ thống công nghệ hiện đại.

Học viên Trường SQLQ 1 nâng cao các kỹ năng nghe qua hệ thống công nghệ hiện đại.

Mới học tiếng Nga được hơn 1 năm, nhưng Trung sĩ Vũ Hồng Hà tỏ ra rất tự tin trong việc giao tiếp hằng ngày. Hồng Hà cho biết: Chính sự đa dạng các hình thức giáo dục của các thầy cô khiến Hà luôn có hứng thú trong việc học tiếng Nga. Trong đó, Hà đặc biệt yêu thích hình thức giáo dục mở. Các thầy cô đặt ra những câu hỏi để học sinh cùng nhau tìm hiểu một vấn đề nào đó về nước Nga. Quá trình tìm kiếm, đọc tài liệu, xem hình ảnh đã khiến các học viên hiểu hơn về văn hóa và con người Nga đáng mến.

Dù Bộ Nga-Trung chỉ có 3 giảng viên, nhưng các cô đã luôn sát cánh cùng học viên vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ khoa đã đề ra. Cô Trần Thị Thanh Huyền và cô Trần Thị Trang luôn tìm cách học hỏi, trao đổi với Phó chủ nhiệm Bộ môn Nguyễn Thị Hoa, với mong muốn không chỉ làm mới cách dạy mà làm mới cả chính bản thân người dạy.

Các cô cho rằng không có học viên nào là yếu kém về khả năng ngoại ngữ, chỉ là giảng viên chưa biết cách tiếp cận. Do đó, không chỉ động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho học viên, các cô thường tổ chức những buổi nói chuyện với lưu học sinh thành công sau khi ở Nga về. Đây chính là một trong những nhân tố khích lệ tinh thần học tiếng Nga rất hiệu quả.

Để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn tiếng Nga, cũng như tạo sự lan tỏa trong môi trường quân đội, Thiếu tướng, PGS, TS Nghiêm Viết Hải, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo và sát với điều kiện huấn luyện thực tiễn tại đơn vị trong đó đã tập trung đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo để nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, bằng cách cho các đồng chí đi đào tạo ở các lớp bồi dưỡng. Đối với học viên, chúng tôi tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả các giờ tự học, không những trong giờ học chính khóa mà cả những giờ tự học, các buổi sinh hoạt tổ, nhóm để không ngừng nâng cao trình độ”, Thiếu tướng, PGS, TS Nghiêm Viết Hải nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vu-khi-cua-truong-si-quan-luc-quan-1-608565