Tên lửa chống radar AGM-88 dường như đang giúp cho các UAV sát thủ Bayraktar TB2 và hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS của Ukraine hoạt động hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, tên lửa AGM-88 được xem đã làm giảm các mối đe dọa từ hệ thống phòng không của Nga và tạo điều kiện cho các UAV sát thủ Bayraktar TB2 hoạt động với tần suất cao hơn.
Trước đó, trong vài tháng, Ukraine đã hạn chế sử dụng TB2 cùng một số UAV vì lo ngại vũ khí này có thể bị hệ thống phòng thủ của Nga bắn hạ.
Tuy nhiên, Mỹ sau đó xác nhận đã gửi một số tên lửa chống radar giúp không quân Ukraine đối phó với các hệ thống phòng thủ của Nga.
Một số đoạn video ghi lại hiện trường trong thời gian qua cho thấy, các vụ tấn công của UAV sát thủ Bayraktar TB2 nhằm vào hệ thống khí tài quân sự Nga ở dưới mặt đất.
Trong mấy ngày vừa qua, UAV Bayraktar TB2 Ukraine đã liên tục lập công, đầu tiên là chúng tiêu diệt pháo tự hành 2S3 Akatsiya.
Các khẩu đội cối của quân Nga tại chiến trường Kherson cũng bị UAV Bayraktar TB2 Ukraine tấn công.
Tiếp đến là các xe tăng T-72B3 của quân đội Nga cũng không tránh khỏi đòn đánh của của UAV Bayraktar TB2 Ukraine.
Thiết giáp nhảy dù BMD-2 của lực lượng phòng thủ Nga tại Kherson cũng bị UAV Bayraktar TB2 Ukraine "ghé thăm".
Giới chuyên gia nhận định, sự xuất hiện trở lại của UAV TB2 dường như là do AGM-88 đã giúp phía Ukraine "dọn đường" cho các cuộc tấn công.
Ukraine đã tích hợp tên lửa này lên dòng tiêm kích MiG-29 nhằm tìm cách vô hiệu hóa các lá chắn của Nga.
AGM-88 là sản phẩm của tập đoàn chế tạo Raytheon. Nó có tầm bắn khoảng 50km, và có thể nhắm vào các hệ thống trinh sát pháo binh hay radar phòng không của Nga thuộc các tổ hợp như S-300, S-400.
Radar là một thiết bị quan trọng trên chiến trường với Nga. Hệ thống "mắt thần" này sẽ giúp Nga quét ra được trực thăng, tiêm kích Ukraine.
Ngoài ra, Nga cũng triển khai hệ thống radar phản pháo uy lực để truy tìm hệ thống hỏa lực của Ukraine nhằm tung đòn đáp trả sau khi bị phía Kiev tấn công.
Tên lửa chống radar không phải là một loại vũ khí có khả năng công phá quá uy lực, tuy nhiên nếu được triển khai hợp lý, nó có thể trở nên rất hữu dụng.
Nếu AGM-88 được phóng đi trước khi một cuộc không kích, nó có thể phá hủy, vô hiệu phòng không đối thủ, mở đường cho các tiêm kích, UAV đồng đội tiến vào chiến trường.
Mặt khác, tên lửa chống radar có thể được xem là một vũ khí tâm lý chiến. Các tên lửa này có thể không vô hiệu hoàn toàn radar đối thủ, nhưng khiến đối phương lo ngại và sẽ chỉ kích hoạt có chọn lọc radar, dẫn tới hiệu quả tác chiến giảm sút.
Chuyên gia Vasili Cuykov nhận định: "Việc các máy bay MiG-29 của Ukraine bắt đầu bắn tên lửa AGM-88 đã làm ảnh hưởng tới hệ thống phòng không của Nga ở một số khu vực. Điều này giúp TB2 có thể hoạt động thoải mái hơn trên trời".
UAV Bayraktar TB2 được xem là niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ, đã thể hiện hiệu quả cao khi thực chiến trong vài năm trở lại đây.
Dòng máy bay chiến đấu không người lái này cũng đã cho thấy hiệu quả trên chiến trường Ukraine, đặc biệt trong các cuộc tác chiến đô thị ở giai đoạn đầu xung đột.
Thực tế cho thấy với đơn giá chỉ khoảng 5 triệu USD một chiếc, UAV Bayraktar TB2 đã chứng tỏ "đáng giá đến từng xu" .
Trước đó phía Nga thừa nhận có tổng cộng 6 hệ thống phòng không Pantsir-S1 ở Syria và Libya đã bị UAV Bayraktar TB2 phá hủy, phía Thổ Nhĩ Kỳ thì cho biết con số này lên tới 20 hệ thống.
Ở chiều ngược lại cũng có một số chiếc UAV Bayraktar TB2 đã bị Pantsir-S1 hạ gục.
Máy bay tấn công không người lái Bayraktar TB2 đánh dấu bước nhảy vọt của nền công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, đây được coi là môt trong các UAV chiến đấu mạnh nhất thế giới.
UAV Bayraktar TB2 có thể mang theo bốn tên lửa chống tăng UMTAS cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
Mỗi quả tên lửa UMTAS có trọng lượng hơn 37 kg và được gắn hai bên cánh của UAV Bayraktar TB2. UMTAS có đường kính khoảng 160mm với tầm bắn tối thiểu là 500m và tối đa là 8.000m.
Ngoài ra UAV này còn có khả năng mang theo các loại tên lửa khác như MAM-C, MAM-L với sức công phá cũng rất đáng nể.
Nhằm tránh cho việc UAV Bayraktar TB2 bị tấn công bởi hệ thống phòng không vác vai của đối phương, nhà phát triển khuyến cáo các bên sử dụng nên cho chúng bay ở độ cao trên 5.000 m.
Được biết loại máy bay không người lái này được phát triển bởi kỹ sư Selcuk Bayraktar, cựu sinh viên Học viên MIT của Mỹ. Tiền đề của sự ra đời UAV Bayraktar TB2 là do Washington từ chối bán UAV MQ-9 cho Ankara.
UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ được hoàn thiện với sự giúp đỡ công nghệ từ các nước như Áo, Canada, Đức và Anh.
Cụ thể, chúng đang sử dụng động cơ do tập đoàn Rotax của Áo sản xuất, cảm biến quang điện tử do hãng Wescam của Canada hoặc hãng Hensoldt của Đức sản xuất, còn giá treo vũ khí lại do một hãng đến từ Anh chế tạo.
UAV Bayraktar TB2 có thiết kế với phần cánh đuôi hình chữ V ngược kế hợp với phân đuôi dọc chạy dài, ở giữa là phần cánh quạt đẩy.
Kiểu thiết kế này giúp cho UAV Bayraktar TB2 hoạt động ổn định và tiết kiệm nhiên liệu. Chúng có thể hoạt động liên tục trên không trong 27 giờ.
Một hệ thống tác chiến hoàn chỉnh của dòng máy bay chiến đấu không người lái này sẽ bao gồm 6 UAV Bayraktar TB2, 2 trạm điều khiển mặt đất cùng các hệ thống phát - thu sóng đa kênh điều khiển.
Mỗi chiếc UAV Bayraktar TB2 được trang bị hệ thống điện tử hàng không với 3 kênh thu phát tín hiệu điều khiển dự phòng.
Các hệ thống điện tử hàng không với thuật toán thông minh được mã hóa cho phép UAV chiến đấu hoạt động một cách tự động.
Khả năng hoạt động cách xa trạm điều khiển tới 150 km, phạm vi hoạt động nếu điều khiển qua vệ tinh sẽ càng lớn hơn, vì thế rất thuận lợi trong sử dụng chiến đấu.
UAV Bayraktar TB2 có thể bay với tốc độ bay lên tới 130 km/h, độ cao hoạt động tối đa có thể lên tới 8.200 m và có tải trọng vũ khí lên tới 150kg.
UAV Bayraktar TB2 hiện là một trong các dòng máy bay chiến đấu không người lái tốt nhất thế giới.
Việt Hùng