'Vũ khí hạt nhân là hy vọng tốt nhất giảm thiểu khả năng tiểu hành tinh có thể xóa sổ sự sống trên Trái đất'

Lựa chọn tốt nhất để giảm thiểu khả năng một tiểu hành tinh đâm vào Trái đất, có thể xóa sổ sự sống, là thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân, theo các nhà khoa học tại chương trình thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cho biết phân tích của họ đã phát hiện ra rằng trong một số trường hợp, chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể ngăn chặn một tiểu hành tinh đâm vào Trái đất. Họ hoàn toàn nhận thức được luật pháp quốc tế chống lại việc sử dụng hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian và bụi phóng xạ hạt nhân cũng có thể gây ô nhiễm giữa các vì sao.

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đã thúc giục những người ra quyết định suy nghĩ dài hạn, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thành một hệ thống phòng thủ dựa trên hạt nhân để ngăn chặn mối đe dọa ngày tận thế với nhân loại.

“Nguy cơ tiềm tàng của các vụ va chạm với tiểu hành tinh cao hơn nhiều so với đánh giá dựa trên dữ liệu các tiểu hành tinh được phát hiện hiện nay”, nhóm nghiên cứu viết trong một bài báo được bình duyệt ngang hàng đăng trên trên tạp chí học thuật Scientia Sinica Technologica (Trung Quốc).

Được bình duyệt ngang hàng là một thuật ngữ để chỉ việc bài báo hoặc nghiên cứu được đánh giá và chấp nhận công bố bởi cộng đồng chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.

Theo các nhà nghiên cứu, các công nghệ cần thiết nhất gồm khả năng phản ứng nhanh để phóng đầu đạn hạt nhân từ Trái đất đến các tiểu hành tinh trong một khung thời gian cực kỳ hẹp từ 7 ngày đến 1 tháng; khả năng tấn công chính xác với biên độ sai số dưới 100 m sau chuyến bay đường dài; khả năng triển khai quỹ đạo dài hạn cho phép đầu đạn hạt nhân được lưu trữ an toàn trong không gian trong hơn 10 năm.

Khi công nghệ phát hiện vật thể gần Trái đất cải thiện, số lượng tiểu hành tinh được các nhà thiên văn học lập danh mục đã tăng nhanh chóng lên hơn 30.000. Song theo các chuyên gia, đây chỉ có thể là phần nổi của tảng băng chìm.

Năm 2013, một vụ va chạm với tiểu hành tinh đã làm hư hại hơn 5.000 tòa nhà và làm bị thương ít nhất 1.500 người ở Nga. Các nhà khoa học không biết về tiểu hành tinh này trước khi nó va chạm, đi qua radar cảnh báo sớm trong không gian sâu mà không bị phát hiện khi tiến gần đến Trái đất.

Nhóm nghiên cứu do Zhang He, từ Viện Kỹ thuật Hệ thống Tàu vũ trụ Bắc Kinh đứng đầu, cho biết: "Có thể có một khoảng cách đáng kể giữa số lượng tiểu hành tinh gần Trái đất đã được phát hiện và số lượng thực tế tồn tại".

Trên thực tế, khả năng cao có nhiều tiểu hành tinh chưa được phát hiện đang đe dọa Trái đất, gồm cả các tiểu hành tinh với đường kính hơn 1 km, họ cảnh báo.

Theo đánh giá mới của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nhiều khả năng có nhiều tiểu hành tinh chưa được phát hiện đang đe dọa Trái đất, gồm cả các tiểu hành tinh đường kính hơn 1 km - Ảnh: Shutterstock

Theo đánh giá mới của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nhiều khả năng có nhiều tiểu hành tinh chưa được phát hiện đang đe dọa Trái đất, gồm cả các tiểu hành tinh đường kính hơn 1 km - Ảnh: Shutterstock

Zhang He là người đứng đầu nhóm thiết kế tàu vũ trụ cho chương trình không gian sâu của Trung Quốc, chỉ đạo việc xây dựng tàu thăm dò Thường Nga-4 đã hạ cánh mềm đầu tiên xuống mặt xa Mặt trăng vào năm 2019.

Hạ cánh mềm là thuật ngữ dùng để chỉ việc tàu vũ trụ hạ xuống bề mặt một thiên thể (như Mặt Trăng, sao Hỏa,...) an toàn, không gây hư hại đáng kể cho tàu và các thiết bị bên trong.

Chương trình thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc đã được nâng cấp thành kế hoạch phòng thủ hành tinh và đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới, gồm cả mạng lưới phát hiện radar quy mô lớn.

Thách thức lớn nhất mà các nhà khoa học và kỹ sư phải đối mặt là xác định phương pháp thực tế để thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh.

“Việc sử dụng vụ nổ hạt nhân có thể rất hiệu quả trong việc tự bảo vệ, đặc biệt là trong việc phòng tránh các mối đe dọa từ tiểu hành tinh", nhóm của Zhang He viết trong bài báo.

Zhang He và các đồng nghiệp của bà đã phân tích hiệu quả nhiều phương pháp tác dụng lực bên ngoài vào các loại tiểu hành tinh khác nhau, gồm tác động động học, lắp đặt tên lửa, động cơ plasma hoặc thậm chí các thiết bị bắn giống như máy bắn đá trên các tiểu hành tinh, cũng như ánh sáng Mặt trời tập trung hoặc vũ khí laser công suất cao để thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh.

Phát hiện của họ cho thấy nếu chỉ còn một tuần nữa là đến vụ va chạm, đầu đạn hạt nhân sẽ là hy vọng duy nhất cho nhân loại. Một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 1 triệu tấn có thể chống lại tiểu hành tinh carbon đường kính 50 m. Nếu mục tiêu lớn hơn hoặc thành phần chính của nó là silicon, sức công phá từ đầu đạn hạt nhân sẽ cần phải lớn hơn nữa, hoặc nhiều tên lửa sẽ cần được phóng đi, các nhà khoa học cho biết trong bài báo.

Đầu đạn hạt nhân lớn nhất từng được thử nghiệm có sức công phá 50 triệu tấn TNT. Nếu chúng ta có được cảnh báo sớm, kéo dài đến 15 năm trước khi va chạm xảy ra, thì có nhiều thời gian hơn để thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc ứng phó. Một vụ nổ hạt nhân nhỏ hơn 50 triệu tấn TNT có thể loại bỏ mối đe dọa, bất kể kích thước hay thành phần của tiểu hành tinh.

Các phương pháp khác chỉ áp dụng cho tình huống cụ thể. Ví dụ, phương pháp tác động động học, đã được thử nghiệm bởi sứ mệnh DART của NASA (Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ) vào năm 2022, chỉ có thể chuyển hướng các tiểu hành tinh với đường kính dưới 140 m. Dù chúng ta có thời gian cảnh báo dài đến 50 năm, các phương pháp hiện tại chỉ có thể ứng phó hiệu quả với các tiểu hành tinh đường kính tối đa là 350 mét. Các mối đe dọa lớn hơn, có đường kính lớn hơn 350 mét, có thể vượt quá khả năng của các phương pháp phòng ngừa hiện có trong khoảng thời gian đó.

Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân vào không gian sâu. Vì các tên lửa đẩy lớn đang hoạt động hiện nay đòi hỏi nhiều thời gian để lắp ráp và tiếp nhiên liệu, nên Trung Quốc sẽ phải phát triển các phương tiện phóng mới có khả năng phóng nhanh, nhóm của Zhang He viết.

Giải pháp khả thi khác về mặt kỹ thuật là triển khai trước vũ khí hạt nhân trong không gian, ví dụ tại điểm Lagrange - nơi lực hấp dẫn giữa Trái đất và Mặt trời bằng nhau, để chờ lâu dài nhằm rút ngắn thời gian phản ứng.

Tuy nhiên, Trung Quốc là bên ký kết Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 và Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện, trong đó cấm bất kỳ quốc gia nào triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, theo nhóm của Zhang He.

Các vụ nổ hạt nhân cũng có thể gây ô nhiễm phóng xạ. Nhóm nhà nghiên cứu cho biết: "Việc thực hiện các biện pháp phòng thủ phải tránh gây hại thứ cấp cho Trái đất và tránh ô nhiễm cùng các mối đe dọa với Mặt trăng, sao Hỏa cùng các thiên thể khác càng nhiều càng tốt".

Nhóm của Zhang He dự đoán rằng Trung Quốc sẽ khó có thể đưa đầu đạn hạt nhân vào không gian trong thời gian ngắn. Do đó, ngoài khả năng hạt nhân, họ nói thêm rằng cần phải đồng thời khám phá các biện pháp công nghệ khác, chẳng hạn tác động động học và vũ khí laser công suất cao.

Vào tháng 7, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch cải cách lớn, với tài liệu chương trình đề cập đến nhu cầu "tăng tốc phát triển các khả năng răn đe chiến lược". Động thái này thường được hiểu là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc sắp mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.

Theo một số ước tính, quân đội Trung Quốc sở hữu khoảng 500 đầu đạn hạt nhân, bằng khoảng 1/10 kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vu-khi-hat-nhan-la-hy-vong-tot-nhat-giam-thieu-kha-nang-tieu-hanh-tinh-co-the-xoa-so-su-song-tren-trai-dat-223186.html