Vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo, đây mới là người 'nguy hiểm nhất nước Mỹ'?

Nếu George Orwell từng cảnh báo chúng ta về một nhà nước giám sát toàn trị (Big Brother), thì CEO của Palantir, Alex Karp đang âm thầm xây dựng phiên bản thực tế của nhà nước đó, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Alex Karp - CEO của Palantir Technologies, công ty công nghệ Mỹ chuyên phát triển phần mềm khai thác, phân tích và trực quan hóa dữ liệu quy mô lớn, đặc biệt phục vụ cho quốc phòng, tình báo, chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Asia Times

Alex Karp - CEO của Palantir Technologies, công ty công nghệ Mỹ chuyên phát triển phần mềm khai thác, phân tích và trực quan hóa dữ liệu quy mô lớn, đặc biệt phục vụ cho quốc phòng, tình báo, chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Asia Times

Đừng để vẻ ngoài lập dị kiểu giáo sư của CEO Palantir, Alex Karp đánh lừa bạn.

Theo trang Asia Times, Karp không mang dáng vẻ của một kẻ hiếu chiến. Ông thường xuất hiện với cặp kính, mái tóc rối bời, miệng thì trích dẫn Thánh Augustine hay Nietzsche (triết gia hiện sinh người Đức) như thể đang thử vai cho một buổi TED Talk về chủ nghĩa nhân bản công nghệ.

Nhưng đằng sau những vẻ trữ tình và triết lý đó là một sự thật đơn giản: Karp đang xây dựng hệ điều hành cho “chiến tranh không hồi kết” (thuật ngữ mô tả một trạng thái mà xã hội luôn sống trong tình trạng chiến tranh - dù là chiến tranh thật sự, chiến tranh lạnh, hay chiến tranh trên không gian mạng, thông tin... - và không có hồi kết rõ ràng). Và ông đang chiến thắng.

Trong nhiều năm, Karp từng bị coi là một "sinh vật lạ" ở Thung lũng Silicon – quá dị biệt, quá thẳng thắn và dính dáng quá sâu vào tổ hợp công nghiệp – quân sự. “Chúng tôi là rạp xiếc”, ông từng nói, nửa tự hào, nửa mỉa mai.

Nhưng giờ đây, ông không chỉ còn là người đứng bên lề nữa. Ông đang vẽ nên bản thiết kế cho một hình thức chủ nghĩa độc đoán công nghệ mới, nơi trí tuệ nhân tạo không chỉ quan sát chiến trường, mà trở thành chính chiến trường.

Sản phẩm chủ lực của Palantir – AIP – đã được tích hợp vào các chiến dịch quân sự của Mỹ. Nó hỗ trợ định vị mục tiêu, hậu cần chiến trường, điều phối drone, “dự báo tội phạm” và hợp nhất dữ liệu ở quy mô mà đến cả Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng phải đỏ mặt.

Palantir AIP (Artificial Intelligence Platform) là sản phẩm mới nhất, mang tính chiến lược của Palantir, được mô tả là hệ điều hành AI cho quân đội và doanh nghiệp.

Karp khoe rằng sản phẩm của mình mang lại “lợi thế bất bình đẳng cho những chiến binh cao quý của phương Tây”. Bỏ qua những lời lẽ lãng mạn, điều ông thực sự chào bán là ưu thế thuật toán: chiến tranh bằng máy móc, điều khiển bằng mã lệnh, gói gọn trong lớp vỏ lòng yêu nước.

Và giới doanh nghiệp Mỹ đang mua tới tấp. Citi, BP, AIG và thậm chí cả Hertz giờ đây cũng dùng sản phẩm của Palantir. Ranh giới giữa ứng dụng quân sự và dân sự đang mờ dần.

Công nghệ giám sát từng được thiết kế cho vùng chiến sự nay được dùng để theo dõi khách hàng, nhân viên và công dân. Karp không chỉ muốn hỗ trợ Lầu Năm Góc, ông muốn Palantir hiện diện trong trường học, bệnh viện, tòa án và ngân hàng.

Theo Asia Times, điều khiến Karp trở nên “nguy hiểm” không chỉ là công nghệ, mà là niềm tin của ông ta vào nó. Karp đã nói về việc “cải biến hệ thống” và “tái thiết thể chế”. Nhưng ẩn sau giọng điệu “cứu thế” ấy là một điều còn rợn người hơn: niềm tin rằng những yếu tố căn bản của dân chủ – tranh luận, phản biện công khai, thận trọng đạo đức – là thứ cần phải bỏ qua.

Karp chẳng giấu giếm lập trường chính trị của mình. Ông ủng hộ quân đội, chống lại minh bạch và khinh thường sự ngập ngừng trước những vấn đề đạo đức của giới công nghệ. Trong khi các CEO khác còn e dè với hội đồng đạo đức hay viết thư ngỏ cộng đồng, thì Karp nói thẳng điều người khác chỉ dám nghĩ trong đầu: Palantir sinh ra để tiến hành chiến tranh - với sự kém hiệu quả, với bộ máy quan liêu, với kẻ thù trong và ngoài nước.

Ông chế giễu ý tưởng rằng công nghệ nên bị kiềm chế bởi những nỗi lo đạo đức kiểu tự do. Với Karp, la bàn đạo đức đã lỗi thời. Điều quan trọng là hiệu quả – gây rối, áp đảo và triển khai. Ông nói như một người không chỉ muốn hỗ trợ quyền lực, mà muốn tối ưu hóa, vũ khí hóa và tự động hóa nó.

Karp không phải một CEO tìm kiếm sự cân bằng. Ông là người đang dựng nên lớp phần mềm nền tảng cho nhà nước giám sát, và gọi đó là tự do. Phần mềm của ông không chỉ giải quyết vấn đề, nó quyết định vấn đề nào xứng đáng để giải quyết.

Sự trỗi dậy của Palantir phản ánh một “chuyển biến văn hóa to lớn”, theo lời Karp. Và ông đã đúng. Nước Mỹ đang nghiêng hẳn về giám sát, tốc độ và quyền kiểm soát mô phỏng. Các hệ thống của Karp mang đến cả ba yếu tố này.

Khác với Zuckerberg của Meta hay Musk của SpaceX, Karp không thấy có lỗi. Ông tự hào khi phần mềm của mình hỗ trợ các vụ không kích, truy quét của ICE, và giám sát đại trà có tính dự báo. Ông gọi đó là tiến bộ.

Và nó đang có hiệu quả thật. Palantir giờ là một trong những nhà thầu quốc phòng có giá trị nhất trong lịch sử Mỹ, với định giá gấp 200 lần lợi nhuận dự báo. Phố Wall mê ông. Washington còn mê hơn. Ông đã bàn giao các phương tiện TITAN (Tactical Intelligence Targeting Access Node - Nút truy cập chiến thuật cho tình báo và xác định mục tiêu) cho Lục quân Mỹ và dẫn đầu chương trình Maven – dùng AI biến dữ liệu vệ tinh thành thông tin tấn công tức thời.

Vẻ “triết gia – chiến binh” của Alex Karp có thể khiến giới đầu tư và các nhân vật diều hâu an ninh quốc gia hài lòng, nhưng phần còn lại của chúng ta thì nên cảm thấy lo sợ. Karp đang bán một tương lai nơi chiến tranh không còn cần sự ủng hộ của công chúng, mà chỉ cần hệ điều hành phụ trợ.

Nếu George Orwell từng cảnh báo chúng ta về một nhà nước giám sát toàn trị (Big Brother), thì Karp đang âm thầm xây dựng phòng điều khiển AI của mình. Không ồn ào, không tuyên truyền, mà bằng hợp đồng mua sắm và slide thuyết trình tài chính. Không diễn ra trong các phòng kín với các điệp viên bí ẩn, mà công khai với thông cáo báo chí và cuộc họp báo cáo tài chính quý.

Asia Times cho rằng, trong khi người khác bán nền tảng, Karp bán kiến trúc – đã được số hóa, toàn diện và vĩnh viễn. Ông đang đặt nền đường ray cho một tương lai nơi phản kháng là lỗi hệ thống, sự nhập nhằng là khiếm khuyết, và con người là điểm yếu cần loại bỏ.

Tầm nhìn của ông – toàn triệt, quân sự hóa mọi thiết chế – được cho là đáng lo ngại. Vậy nên trong lúc truyền thông còn bận xoáy vào các diễn biến điều hành của chính quyền Tổng thống Trump, họ cũng phải để mắt đến Alex Karp. “Người nguy hiểm nhất nước Mỹ” không la hét, ông ấy viết mã.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vu-khi-hoa-tri-tue-nhan-tao-day-moi-la-nguoi-nguy-hiem-nhat-nuoc-my-20250509174944494.htm