'Vũ khí' mới của G7 mang đến phần thưởng cho Nga?

Song song với chiến dịch quân sự căng thẳng tại Ukraine, cuộc chiến về năng lượng, với việc phương Tây công bố kế hoạch giới hạn giá để cố gắng ngăn chặn nguồn thu dầu tăng vọt của Nga, cũng đang leo thang thời gian qua.

Việc G7 giới hạn giá ở mức gần hơn với chi phí sản xuất sẽ giáng một đòn mạnh vào tài chính Nga. (Nguồn: Reuters)

Việc G7 giới hạn giá ở mức gần hơn với chi phí sản xuất sẽ giáng một đòn mạnh vào tài chính Nga. (Nguồn: Reuters)

G7 gia tăng sức ép lên dầu Nga

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra mới đây, lãnh đạo các quốc gia này đã đưa ra ý tưởng về vấn đề giới hạn giá đối với dầu của Nga nhằm siết chặt hơn nữa khả năng tài trợ của Điện Kremlin trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và cố gắng bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.

Theo phác thảo, giới hạn về giá có thể được kích hoạt động thông qua một hệ thống để giảm hoặc cấm bảo hiểm hoặc tài trợ cho các chuyến hàng dầu của Nga trên một mức nhất định.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tiết lộ, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về một cơ chế kỹ thuật có tác động đến giới hạn giá dầu thông qua các dịch vụ liên quan đến dầu mỏ và bảo hiểm.

Nói một cách dễ hiểu, nếu vấn đề giới hạn giá dầu Nga được thông qua, thì một tàu chở hàng đồng ý nhận lô hàng dầu từ Nga với giá cao hơn mức quy định của G7 sẽ không nhận được các dịch vụ bảo hiểm và tài chính cần thiết để giao dịch đó thành công.

Việc giới hạn giá ở mức gần hơn với chi phí sản xuất sẽ giáng một đòn mạnh vào tài chính của Moscow, trong khi vẫn đảm bảo dầu sẽ "chảy" đến nơi cần thiết.

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới, giới hạn giá cũng có thể làm giảm áp lực lạm phát đang gây ra khó khăn kinh tế trên toàn thế giới.

Nhưng rõ ràng là, để ý tưởng này đi vào hiện thực và thành công, G7 sẽ phải thu hút các quốc gia ngoài nhóm tham gia, đặc biệt là những nước tiêu thụ lớn dầu thô của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, G7 cũng cần tìm các nhà sản xuất thay thế, để lấp đầy khoảng thiếu hụt từ Nga.

Timothy Ash, một nhà kinh tế và cộng sự tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London nhận định: “Ý tưởng này sẽ là một thách thức và có vẻ như nó có thể thực thi được ở các nước phương Tây. Ý tưởng này cần thu hút được tất cả các nhà nhập khẩu dầu Nga chủ chốt, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Cùng với đó, ý tưởng này có thể mang lại những hậu quả không mong muốn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu".

Phần thưởng cho Moscow?

Benedict McAleenan, một đối tác quản lý tại Helmsley Energy và là thành viên cấp cao của Tổ chức tư vấn về Policy Exchange ở London (Anh) nhận thấy, về lý thuyết, kế hoạch của G7 là một giải pháp khá "lịch sự" vì nó sử dụng cách tiếp cận "đe dọa và phần thưởng".

Phần thưởng là cơ hội mua dầu của Nga thậm chí còn rẻ hơn. Như vậy, dầu của Nga sẽ trở nên hấp dẫn nhất trên thị trường và đột nhiên quốc gia này sẽ có nhiều khách hàng tìm đến.

Còn mối đe dọa là viễn cảnh Nga bị trừng phạt và không thể giao thương với các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU.

Câu hỏi đặt ra là liệu có tiền lệ nào cho một kịch bản như vậy không?

Ông McAleenan nói: “Các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của Iran rất hiệu quả. Một ví dụ khác là về chương trình đổi dầu lấy lương thực vào năm 1995 đối với Iraq. Chương trình này do Mỹ đề xuất và là một câu trả lời cho những tranh cãi rằng những người dân Iraq bình thường đang bị ảnh hưởng xấu bởi lệnh cấm vận kinh tế quốc tế".

Vị chuyên gia này cho biết thêm, để kế hoạch mới của G7 thành công, cần phải có một liên minh khách hàng, giống như một công ty độc quyền có thể quyết định giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như thúc đẩy thị trường chợ đen hay sự kém hiệu quả của thị trường.

Về phía Nga, theo GS. Natasha Lindstaedt tại Đại học Essex (Anh), Moscow có nguồn thu lớn đến từ việc bán các sản phẩm năng lượng cho Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác.

Phản ứng về kế hoạch của G7, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho rằng, việc giới hạn giá dầu sẽ dẫn đến sự khan hiếm trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và khiến giá tăng cao đối với người tiêu dùng châu Âu.

Ông nhấn mạnh: “Đây là một nỗ lực khác nhằm can thiệp vào các cơ chế thị trường, điều này chỉ có thể dẫn đến sự mất cân bằng của thị trường”.

Trước đó, Tổng thống Putin cũng nói rằng, các quốc gia phương Tây đang phải gánh chịu nhiều hơn Nga từ các hình phạt kinh tế mà họ áp đặt. Giá năng lượng xuất khẩu của Nga tăng vọt đã mang lại nguồn thu vượt mức, giúp Điện Kremlin vượt qua các lệnh trừng phạt.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) giả định, khoảng 80% lượng dầu thô Nga bị áp dụng lệnh cấm nhập khẩu của EU sẽ tìm được người mua thay thế, chủ yếu ở châu Á. Chừng nào các nước nhập khẩu dầu lớn không áp đặt các biện pháp trừng phạt, dầu của Nga sẽ tiếp tục tìm được người mua mới.

Theo nhà phân tích hàng hóa Carsten Fritsch tại Commerzbank ở Frankfurt (Đức), chưa rõ các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc có đồng ý ngừng mua dầu của Nga hay không, đặc biệt là khi nước này đang giao dịch với mức chiết khấu đáng kể so với giá thị trường toàn cầu.

Nhà phân tích Fritsch nhấn mạnh: "Ấn Độ đang giúp Nga tiếp tục bán dầu của mình bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Quốc gia Nam Á sẵn sàng cung cấp chứng nhận an toàn cho hơn 80 tàu chờ dầu thuộc một công ty con của công ty vận tải nhà nước Nga Sovcomflot có trụ sở tại Dubai".

Theo Rystad Energy, công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở chính tại Oslo (Na Uy), kể từ khi các nhà máy lọc dầu châu Âu bắt đầu "xa lánh" dầu của Nga vào cuối tháng 2/2022, lượng dầu từ Moscow sang EU đã giảm từ 2,04 triệu thùng/ngày xuống còn 1,49 triệu thùng/ngày, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5.

Song song với đó, nhập khẩu dầu có xuất xứ từ Nga của các nhà máy lọc dầu châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, đã tăng tương ứng 503.000 thùng/ngày.

Wei Cheong Ho, Phó chủ tịch Rystad Energy cho biết: “Kỳ vọng rằng dầu thô của Nga sẽ ngừng giao dịch trên thị trường quốc tế đã không xảy ra. Thay vào đó, việc giảm giá mạnh đối với dầu thô của Nga đã khiến các tàu chuyển hướng sang các thị trường thay thế.

Trong khi chi phí tài trợ cho các tàu và thương mại này đã tăng lên đáng kể do hệ thống tài chính phương Tây bị đóng băng, mức chiết khấu đối với dầu Nga là quá hấp dẫn để một số nhà máy lọc dầu có thể bỏ qua".

(theo Al Jazeera, AP News)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-khi-moi-cua-g7-mang-den-phan-thuong-cho-nga-189592.html