Vũ khí mới: Thổ Nhĩ Kỳ phát triển bom dẫn đường siêu nhẹ MAM-T
Các UAV trinh sát và tấn công hiện đại do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có khả năng mang và ném loại bom dẫn đường thuộc họ MAM của hãng Roketsan A.S.
Chiếc mới nhất trong số đó là MAM-T đã đến giai đoạn bay thử cách đây không lâu và dự kiến đến cuối năm nay sẽ đưa vào sản xuất và phục vụ sau các bài kiểm tra.
Phiên bản thứ 3 của dòng bom UAV
Dòng bom dẫn đường MAM (Mini Akilli Muhimmat - Smart Micro-Ammunition) được phát triển bởi Roketsan nhằm sử dụng cho các thiết bị bay không người lái (UAV). Mục tiêu chính của dự án là tạo ra loại bom có hiệu quả chiến đấu cao và trọng lượng thấp, bù đắp những hạn chế của các UAV hiện nay. UAV nổi tiếng và phổ biến nhất Bayraktar TB2 chỉ có khả năng mang 150kg vũ khí nên chúng không thể sử dụng các loại bom chủ lực của Không quân. Các máy bay chiến đấu hạng nhẹ thực hiện các nhiệm vụ tấn công cũng đối mặt với những hạn chế tương tự.
Các kĩ sư đã phát triển thêm 2 loại MAM-C và MAM-L nằm trong dòng này với các đặc tính kỹ chiến thuật riêng biệt. Một quả bom MAM-C có chiều dài dưới 1m và khối lượng 6,5kg, mang đầu đạn phân mảnh có sức công phá cao và đầu phóng laser bán chủ động. Tầm bắn của bom siêu nhẹ có thể bắn xa đến 8km. Trong khi đó, bom MAM-L (nặng hơn 22kg) được phát triển với khả năng sử dụng đầu đạn định vị vệ tinh, phân mảnh hoặc nhiệt áp. Phạm vi bay được tăng lên 14km.
Cách đây vài ngày, Roketsan đã tiết lộ thông tin về một dự án mới: MAM-T. Loại bom này khác với những loại hiện có ở kích thước và trọng lượng tăng lên, cũng như một số ưu điểm khác về tính chất chiến đấu và kỹ thuật.
Hôm 22/4 vừa qua, công ty này đã bắt đầu bay thử nghiệm đối với phiên bản MAM-T mới trên UAV Bayraktar Akinci. Các cuộc thử nghiệm đã thu hút sự quan tâm lớn từ khách hàng và nhà phát triển. Roketsan lên kế hoạch hoàn thành việc phát triển và thiết lập dây chuyền sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay. Đồng thời, có kế hoạch hoàn thành việc phát triển một UAV Akinci mới, nhờ đó toàn bộ tổ hợp máy bay không người lái sẽ đi vào hoạt động.
Đặc tính kỹ thuật
Bom tấn công mới dòng MAM có sự khác biệt rõ rệt so với các loại bom trước đó cả về thiết kế, tính năng cũng như mục đích sử dụng trong chiến đấu. Vì vậy, chúng có thể linh hoạt sử dụng không chỉ cho các UAV hiện có và sắp ra mắt, mà còn với cả các máy bay chiến đấu-ném bom khác. Do đó, nó có tiềm năng cải thiện khả năng tấn công hàng không chiến thuật.
Thiết kế bên ngoài của MAM-T có một lớp chắn đầu hình cầu, mở rộng phần thân và phần đuôi được thiết kế hình trụ với bánh lái hình chữ X. Ngoài ra. MAM-T còn có một cặp cánh lắp trên thân tàu, tuy nhiên chúng được gắn cố định và không thể gấp gọn khi vận chuyển.
Đường kính tối đa của thân bom đạt 230mm, tổng chiều dài là 1,4m. Khối lượng được công bố là 94kg. Trọng lượng của đầu đạn phân mảnh nổ cao không có quy định rõ ràng. Phần đầu MAM-T chứa một chip dẫn đường bằng tia laser bán tự động. Ngoài ra, bom còn được trang bị hệ thống định vị vệ tinh, đảm bảo bay đến khu vực mục tiêu và nâng cao khả năng tìm kiếm-tấn công các đối tượng cố định và di động.
Khả năng bay của MAM-T phụ thuộc vào thiết kế, độ cao tầm bay và tốc độ bay của UAV mang theo chúng. Các UAV hiện nay hứa hẹn có khả năng "ném" một quả bom ở cự ly 30km. Đối với máy bay tấn công hạng nhẹ, thông số này là 60km, và máy bay chiến đấu siêu thanh có thể tấn công mục tiêu từ 80km.
Đột phá trong lĩnh vực bom hàng không
Bom MAM-T được thiết kế để tấn công một loạt các mục tiêu mặt đất, tiêu diệt sinh lực địch, các phương tiện cơ giới thông thường và cả phương tiện bọc thép. Đồng thời, nhờ vào một số tính năng giúp đảm bảo hiệu suất chiến đấu cao và tính linh hoạt khi sử dụng.
Người ta cho rằng, loại bom mới MAM-T sẽ là lựa chọn trung gian giữa sản phẩm MAM-C/L hạng nhẹ và bom hàng không chiến thuật cỡ lớn. Nó có thể được sử dụng trong trường hợp bom hạng nhẹ không đủ hiệu suất và các sản phẩm khác quá đắt hoặc không phù hợp
Với khả năng ném bom lên đến 30km, các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ như “hổ mọc thêm cánh” nhờ bom MAM-T. Điều này sẽ làm giảm rủi ro liên quan đến phòng không của đối phương, gia tăng sức mạnh và hiệu quả sử dụng, cũng như giảm mức tiêu thụ đạn dược.
Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế đối với dòng bom này. Xét về kích thước và trọng lượng, UAV Bayraktar TB2 chỉ có thể mang một quả bom MAM-T. Do đó, nhà sản xuất cần điều chỉnh kích thước UAV lớn hơn để nâng cao sức tải và bố trí các chốt treo bom.
Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ rất chú trọng đến việc phát triển các loại máy bay không người lái theo hướng tấn công và trinh sát phức tạp nhất. Một số sản phẩm như vậy đã được đưa vào phục vụ quân đội và những sản phẩm mới dự kiến sẽ được áp dụng trong tương lai gần.
Các loại bom hiện thời không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng được nhiệm vụ cấp bách, đó là lý do tại sao cần phải có sự tham gia của các vũ khí hàng không chiến thuật kết hợp các loại bom đạn thông minh khác.
Dự kiến, máy bay không người lái mới và bom MAM-T ít nhất sẽ giải quyết được phần nào vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng sử dụng UAV Bayraktar Akinci và bom MAM-T trong các hoạt động thực tiễn càng sớm càng tốt nhằm tạo ưu thế với các đối thủ và quảng cáo trên thị trường quốc tế.
(theo Top War)