Vũ khí nhiệt áp - vũ khí hạt nhân không phóng xạ
Mặc dù rất nguy hiểm, vũ khí nhiệt áp hoàn toàn không bị cấm bởi các công ước quốc tế từ trước đến nay
Vũ khí nhiệt áp
Vũ khí nhiệt áp (thermobaric - trong tiếng Hy Lạp là kết hợp của thermos nghĩa là "nhiệt" và baros nghĩa là "áp suất") là vũ khí, khi nổ có thể tạo ra một số hiệu ứng như nhiệt độ cao, môi trường chân không tạm thời, sóng chấn động nhiều, lâu và lớn hơn các loại vũ khí sử dụng thuốc nổ thông thường khác. Vũ khí nhiệt áp (VKNA) hoạt động theo nguyên lí phát tán hỗn hợp hóa chất đặc biệt thành “đám mây” bao phủ mục tiêu, sau đó, kích hoạt đám mây để tạo vụ nổ. Đám mây nhiên liệu bị kích nổ hay đốt cháy với tốc độ siêu nhanh sẽ làm không khí giãn nở đột ngột, tạo môi trường chân không ở tâm nổ, nhiệt độ cao xung quanh tâm nổ, cũng như các sóng chấn động về mọi hướng.
Áp lực tại tâm vụ nổ VKNA có thể đạt tới 430 lbf/in² (3 MPa, 30 bar); nhiệt độ có thể đạt từ 4500 đến 5400 °F (2500 đến 3000 °C); sóng chấn động bên ngoài vụ nổ có thể di chuyển với vận tốc 2 m/s (3 km/s). Nhờ các hiệu ứng vật lý đó, VKNA có khả năng sát thương cao, cũng như công phá các công sự, phương tiện bọc thép hạng nhẹ mà bình thường để sát thương chúng phải sử dụng các loại vũ khí chuyên dụng. Bằng việc đốt hết ôxy dự trữ và tạo ra hiện tượng chân không bán phần trong thời gian ngắn, hút sạch dưỡng khí từ các lỗ thông hơi, loại vũ khí này có khả năng sát thương địch ẩn nấp trong hầm trú ẩn dưới lòng đất, lẩn trốn trong boongke, hang động…
Loại vũ khí này rất lợi hại với tác chiến trong môi trường đô thị và các địa hình phức tạp khác khi nó có thể tạo ra hiệu ứng cháy trên một diện tích lớn để tiêu diệt sinh lực và áp suất gây ra có thể tập trung phá hủy một phạm vi rất nhỏ giúp giảm thiểu thiệt hại về vật chất khi cần, trong khi các loại vũ khí khác thường phá hủy cơ sở vật chất trên một phạm vi rất rộng để có khả năng sát thương tương đương. VKNA được coi là vũ khí hạt nhân không phóng xạ.
Hiệu quả của loại vũ khí này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tỷ lệ hóa chất phân tán ra không khí, lượng ôxy nơi nó được sử dụng (thông thường, hóa chất của loại vũ khí này có trộn cả ôxy theo tỷ lệ 15% thuốc nổ và 75% ôxy), cấu trúc của đám mây hóa chất, thời gian đánh lửa từ khi hóa chất được phát tán, công suất của nguồn đánh lửa... VKNA hiện đại thường sử dụng phản ứng hóa học (trên cơ sở nhôm bột rất mịn và các hợp chất của nhôm Al) để kích hoạt vụ nổ. Do phụ thuộc vào ôxy khu vực xung quanh mục tiêu nên nó hoàn toàn không thích hợp để sử dụng dưới nước, hay trong thời tiết xấu...
Bom nhiệt áp lần đầu được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Liên Xô sau đó cũng nhanh chóng phát triển loại vũ khí này để chống lại quân Trung Quốc trong cuộc xung đột biên giới và sử dụng tại chiến trường Afghanistan. Mặc dù bị các tổ chức Liên Hiệp Quốc cáo buộc là những phương tiện chiến tranh phi nhân đạo, gây đau đớn cho con người, VKNA hoàn toàn không bị cấm bởi các công ước quốc tế từ trước đến nay.
Những phát triển mới nhất
Tùy mục đích và địa hình, nhiều mẫu VKNA đã được phát triển, từ vũ khí cá nhân vác vai đến pháo phản lực bắn loạt, từ bom cỡ nhỏ đến bom cỡ lớn... RPO-M (còn có tên gọi khác RPO PDM-A Shmel-M) là loại súng phóng lựu vác vai; đầu đạn nhiệt áp của nó được đánh giá có hiệu quả tương đương với đạn pháo cỡ 152 mm. TOS-1 (Buratino) là hệ thống pháo phản lực nhiệt áp phóng loạt cỡ 220 mm, được thiết kế để tiêu diệt sinh lực, xe bọc thép nhẹ và công trình quân sự địch ở cự ly từ 400-6.000 m.
Hệ thống TOS-1 được đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, một loạt phóng có thể tạo ra phạm vi sát thương khoảng 2 km2. TOS-1A - phiên bản cải tiến từ TOS-1, có khả năng gây sát thương khu vực rộng đến 40.000 m2 (tương đương diện tích của 6 sân bóng). Tạp chí Popular Mechanics của Mỹ từng gọi TOS-1A là "địa ngục trần gian" có thể gieo rắc kinh hoàng cho bất cứ mục tiêu nào bị đầu đạn nhiệt áp của nó nhắm bắn. Những vũ khí này có trong trang bị của Lực lượng phòng chống vũ khí NBC quân đội Nga.
Trong giai đoạn 1970-1980, như một phần của VKNA chuyên dùng để tấn công các công trình quân sự, xe thiết giáp và bãi mìn, Trung tâm Phát triển vũ khí Hải quân Mỹ chế tạo bom nhiệt áp 500 pound BLU-95 và 2.000 pound BLU-96. Trong những năm đầu thập niên 2000, GBU-43B được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom” (MOAB) với khoảng 8,5 tấn hóa chất đặc chủng, tạo ra sức nổ tương đương 11 tấn TNT trở thành niềm tự hào của Không quân Mỹ. Ngày 13/4/2017, Không quân Mỹ lần đầu tiên thả quả bom GBU-43B xuống một căn cứ của tổ chức IS tại Afghanistan - là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất từng được Mỹ sử dụng trên chiến trường.
Liên Xô trước đây có nhiệt áp ODAB-1500 dùng để tấn công các cụm căn cứ lớn trên đất liền và các mục tiêu lớn trên biển. Loại bom nhiệt áp mạnh nhất từng được thử nghiệm cho đến nay là Cha của các loại bom (FOAB) do Nhà máy Bazalt chế tạo, có sức công phá tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT (mạnh hơn 4 lần bom GPU-43/B). FOAB nặng 7,1 tấn - nhẹ hơn 30% so với MOAB, được thiết kế để thả từ máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Bán kính hủy diệt của FOAB khoảng 300 m (gấp đôi so với GBU-43) và có khả năng sát thương trên diện tích rộng gấp 20 lần GPU-43 nhờ sử dụng công nghệ nano tạo hiệu ứng chân không.
Ngày 11/9/2007, sau cuộc thử nghiệm FAOB, Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Rukshin tuyên bố, FAOB có thể được so sánh với bom hạt nhân chiến thuật về hiệu quả và khả năng tác chiến, nhưng không gây ô nhiễm môi trường chung quanh như bom hạt nhân, góp phần vào việc gìn giữ an ninh cho nước Nga cũng như chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào và ở bất cứ khu vực nào; nó sẽ là thứ vũ khí phi hạt nhân có khả năng răn đe và kiềm chế mọi đối thủ trên phạm vi toàn cầu.
Tại cuộc tập trận chiến lược Tsentr 2019, hệ thống pháo phản lực nhiệt áp thế hệ mới mang tên Solntsepek của Nga đã có màn ra mắt rất ấn tượng, với uy lực được cho là gấp 3 lần TOS-1. Tính đến kinh nghiệm hoạt động của các hệ thống phun lửa đặt trên khung gầm bánh xích trong điều kiện sa mạc tại Syria và Iraq, Quân đội Nga sắp tới sẽ đưa vào trang bị 2 loại tổ hợp phun lửa hạng nặng thế hệ mới mang tên Tosochka (sử dụng khung gầm xe tăng T-72) và Solntsepek (xe thiết giáp bánh hơi) để từng bước thay thế cho TOS-1.
Các phương tiện sử dụng khung gầm bánh xích không đảm bảo độ cơ động trong chiến đấu, yêu cầu phải được vận chuyển bằng phương tiện đặc chủng, gây hạn chế trong khai thác sử dụng cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của chiến trường. Việc phải huy động thêm nhiều phương tiện vận tải sẽ gây ra mức độ cồng kềnh lớn, khiến nguy cơ bị tấn công phục kích bằng phương tiện nổ tự chế và máy bay không người lái vũ trang rất cao.
Các nhà thiết kế đã tạo ra Solntsepek sử dụng khung gầm xe thiết giáp bánh hơi cho mục đích trên, còn Tosochka vẫn đặt trên khung xe tăng T-72 để triển khai cho chiến trường quy ước phân định rõ giới tuyến. Theo các chuyên gia quân sự, hệ thống phun lửa hạng nặng thế hệ tiếp theo của Nga sẽ vừa có tầm bắn xa như pháo phản lực thông thường trong khi uy lực vẫn được giữ nguyên. Tosochka và Solntsepek nhiều khả năng sẽ có giàn phóng tương tự nhau, được trang bị các loại đạn nhiệt áp có kích thước lớn hơn TOS-1A, tầm bắn và uy lực vượt trội.
Trên các trang mạng và diễn đàn quân sự Nga theo xu hướng phát triển của Quân đội Nga những năm đầu thế kỷ 21, đã xuất hiện hình ảnh đầu tiên của hệ thống pháo phản lực nhiệt áp tích hợp trên khung gầm Armata-14. Hiện tại TOS-2 Armata vẫn tạm thời sử dụng giàn phóng của loại TOS-1, tuy nhiên trong tương lai, một loại đạn mới với uy lực vượt trội sẽ được phát triển cho nó. TOS-2 với kíp xe 3 người, sẽ được đưa vào biên chế của lực lượng phòng chống NBC Nga trước tháng 5/2020, và sẽ tham gia duyệt binh vào 9/5/2020, nhân 75 năm chiến thắng phát xít Đức. TOS-2 chính là mảnh ghép tiếp theo, giúp Nga hoàn thiện dòng phương tiện chiến đấu sử dụng khung gầm Armata của họ./.