Vũ khí và chiến tranh trong không gian

Những cuộc tấn công vào vệ tinh có thể làm mất tín hiệu của hệ thống định vị toàn cầu (GPS), lưới điện, hệ thống giao thông, ngân hàng và có những tác động lớn đến hàng không, vận chuyển và xung đột vì quân đội dựa vào vệ tinh định vị để chỉ huy, kiểm soát vũ khí chính xác. Chẳng hạn như nước Anh, ước tính sự cố ngừng hoạt động của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) - bao gồm cả GPS - sẽ khiến nước này thiệt hại 2,7 tỷ USD mỗi ngày.

Số quốc gia hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ và đầu tư vào năng lực vũ trụ ngày càng tăng. Mỹ gần đây đã tăng gấp đôi ngân sách cho Lực lượng Không gian từ 15,4 tỷ lên 30,3 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2024. Số lượng vật thể do con người tạo ra trong không gian cũng tăng vọt, với năm 2023 lập kỷ lục về số lần phóng vệ tinh nhiều nhất. Cơ sở dữ liệu của Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS) đã thống kê được 7.560 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo tính đến tháng 5/2023. Và dự kiến sẽ có hơn 24.500 vệ tinh được phóng vào năm 2031, trong đó hơn 70% sẽ là vệ tinh thương mại.

Báo cáo đánh giá mối đe dọa không gian năm 2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố tháng 4/2024 nhấn mạnh đến tính dễ bị tổn thương của cả hệ thống không gian dân sự và thương mại.

Nhiều loại vũ khí khác nhau đã được phát triển để tấn công trong không gian.

Nhiều loại vũ khí khác nhau đã được phát triển để tấn công trong không gian.

Quỹ đạo Trái Đất đang trở nên đông đúc hơn

Trong hàng ngàn năm, con người đã ngắm nhìn bầu trời đêm kỳ vĩ, nhưng những gì chúng ta có thể thấy đang thay đổi nhanh chóng vì con người luôn khao khát được kết nối. Mặc dù nhiều vệ tinh được các công ty xây dựng và điều hành thay vì chính phủ, nhưng chúng thường hỗ trợ an ninh quốc gia. Chúng có thể cung cấp dữ liệu quan sát Trái Đất hoặc dữ liệu định hướng để thu thập thông tin tình báo quân sự, đồng thời cũng được hãng hàng không hoặc ngành nông nghiệp sử dụng.

“Không gian là môi trường có tính cạnh tranh và các hệ thống không gian đang bị đe dọa hơn bao giờ hết”, Clayton Swope, phó giám đốc Dự án An ninh Hàng không Vũ trụ CSIS, cho biết khi báo cáo được công bố. Vệ tinh nằm trên các quỹ đạo khác nhau tùy thuộc vào mục đích của chúng. Nhưng nơi đặt chúng cũng có thể quan trọng đối với sự an toàn và khả năng sống sót của chúng. Hầu hết vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO), có độ cao từ 200km đến 1.600km. Nhưng vệ tinh càng gần Trái Đất thì càng dễ bị tấn công. Tín hiệu của chúng dễ bị can thiệp hơn và có thể bị tên lửa mặt đất tiếp cận chỉ trong vài phút.

Juliana Suess, nhà phân tích nghiên cứu và là người đứng đầu chính sách về an ninh vũ trụ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết cũng có rất ít quy định về tình trạng tắc nghẽn và cạnh tranh. Ngoại trừ các vị trí được phân bổ trên Quỹ đạo địa tĩnh (GEO), phần còn lại vẫn “có thể có người giành được”. Vì vậy, vệ tinh ở LEO phải đối mặt với nhiều mảnh vỡ, nguy cơ va chạm và nhiễu sóng vô tình hơn. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực không gian dẫn đến sự ra đời của các hệ thống vũ khí mới.

Vũ khí vũ trụ thường được chia thành ba loại, tùy thuộc vào việc chúng tấn công hệ thống vũ trụ trên quỹ đạo, tấn công mục tiêu trên Trái Đất từ không gian hay vô hiệu hóa tên lửa bay qua không gian. Nhưng chúng thường được gọi là khả năng phản không gian - tức là bất kỳ thứ gì có thể phá vỡ, gây hư hại hoặc phá hủy hệ thống không gian. Swope nhận định nhiều hoạt động phản không gian ngày càng khó phát hiện và thường diễn ra ngay trước mắt chúng ta.

Vệ tinh Optimus của Công ty Space Machines có trụ sở tại Sydney được phóng lên bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 tại California.

Vệ tinh Optimus của Công ty Space Machines có trụ sở tại Sydney được phóng lên bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 tại California.

“Vật lộn” và “bắt cóc” quỹ đạo

Trung Quốc đặt ra câu hỏi vào năm 2022 khi vệ tinh Shijian-21 của nước này được phát hiện sử dụng một cánh tay robot kéo một vệ tinh có kích thước bằng một chiếc xe buýt hai tầng khỏi vị trí của nó và đưa nó vào “quỹ đạo trôi dạt siêu nghĩa địa”. Khi được phóng lên GEO, Trung Quốc cho biết mục đích của Shijian-21 là “thử nghiệm và xác minh công nghệ giảm thiểu rác vũ trụ”. Nhưng có lo ngại rằng loại tàu vũ trụ này cũng có thể được sử dụng để “vật lộn trên quỹ đạo”. CSIS cho biết loại “bắt cóc” này sẽ không phá hủy vệ tinh mục tiêu, nhưng có thể vô hiệu hóa nó một cách hiệu quả mà không tạo ra bất kỳ mảnh vỡ nào. Ngay cả khả năng tiếp cận vệ tinh khác một cách chính xác cũng có thể cho phép các quốc gia thực hiện cuộc tấn công - chẳng hạn như làm mù cảm biến của vệ tinh hoặc can thiệp vào quang học của vệ tinh.

Các nhà phân tích lưu ý rằng mọi hoạt động của vệ tinh Trung Quốc phù hợp với năng lực cần thiết để tiến hành bảo dưỡng, lắp ráp và sản xuất trên quỹ đạo (OSAM) - những năng lực mà các quốc gia khác cũng đang theo đuổi. Tháng 3/2024, Vệ tinh thương mại lớn nhất của Australia - Optimus - được phóng từ Mỹ. Vệ tinh tư nhân này được thiết kế nhằm mục đích sửa chữa và tiếp nhiên liệu cho các cơ sở hạ tầng không gian khác, nhưng cũng có khả năng di chuyển vệ tinh. Gần đây, Australia hợp tác với Mỹ và Anh thực hiện Chương trình Năng lực Radar Tiên tiến Không gian Sâu (DARC), một chương trình nhận thức chung về lĩnh vực không gian nhằm cung cấp khả năng giám sát tiên tiến các vệ tinh trong GEO.

Công ty Space Machine cho biết, vệ tinh Optimus của họ được thiết kế để sửa chữa và tiếp nhiên liệu cho các cơ sở hạ tầng không gian khác.

Công ty Space Machine cho biết, vệ tinh Optimus của họ được thiết kế để sửa chữa và tiếp nhiên liệu cho các cơ sở hạ tầng không gian khác.

Lừa đảo và gây nhiễu

Do công nghệ này thường có chi phí thấp và sẵn có trên thị trường nên những cuộc tấn công phi động lực - đặc biệt là gây nhiễu và giả mạo - đang gia tăng. Những hoạt động phi động lực sử dụng năng lượng bức xạ để phá hủy, gây hư hại hoặc can thiệp vào các hệ thống không gian. Năm 2021, Tướng David Thompson của Lực lượng Không gian Mỹ tuyên bố mạng lưới vệ tinh của nước này đang bị tấn công “mỗi ngày”.

Theo báo cáo của CSIS, sự can thiệp của Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) đã được quan sát trên toàn thế giới, thường là bởi phi công hãng hàng không thương mại. Tháng 3/2023, Qantas và Liên đoàn Hiệp hội Phi công Hàng không Quốc tế ban hành cảnh báo về tàu chiến Trung Quốc tham gia gây nhiễu tín hiệu vô tuyến và GPS trên Biển Đông, biển Philippines, phía đông Ấn Độ Dương và phía tây bắc Australia.

Tháng 9/2023, một phi hành đoàn máy bay tư nhân báo cáo họ gần như đã đi lạc vào không phận Iran - nơi các đơn vị Iran được cho là đã đưa ra lời đe dọa bắn hạ máy bay - do GPS bị giả mạo. Swope cho biết: “Những mối đe dọa có thể làm gián đoạn việc sử dụng không gian của chúng ta - gây nhiễu, giả mạo GPS và tấn công mạng - đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Điểm mấu chốt là bạn không cần phải phá hủy vệ tinh để phủ nhận việc sử dụng không gian”.

Thiệt hại do một mảnh rác vũ trụ va vào cánh tay robot của Trạm vũ trụ quốc tế.

Thiệt hại do một mảnh rác vũ trụ va vào cánh tay robot của Trạm vũ trụ quốc tế.

Tên lửa chống vệ tinh

Trong nhiều năm qua, nhiều quốc gia - bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga - đã phát triển và thử nghiệm công nghệ tên lửa chống vệ tinh (ASAT). Tên lửa phóng từ mặt đất sẽ va chạm với mục tiêu hoặc phát nổ bên cạnh mục tiêu và được thiết kế để phá hủy các vệ tinh quan trọng trong thời chiến. Năm 2020, Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc đang tích lũy một “kho vũ khí” ASAT. Báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên của tình báo Mỹ công bố đầu năm 2024 tiết lộ Nga tiếp tục phát triển tên lửa ASAT có khả năng phá hủy vệ tinh của Mỹ và đồng minh ở LEO. Và Tổ chức Secure World Foundation tuyên bố trong báo cáo Năng lực phản công toàn cầu năm 2024 rằng Trung Quốc “có thể vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc phát triển” tên lửa có khả năng vươn tới không gian sâu. Chỉ riêng việc thử nghiệm những tên lửa này cũng gây ra mối đe dọa lớn vì chúng tạo ra đám mây rác vũ trụ khổng lồ và có nguy cơ bắn trượt mục tiêu dự kiến.

Một cuộc thử nghiệm của Nga vào tháng 11/2021 đe dọa trực tiếp đến Trạm vũ trụ quốc tế, trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc và nhiều vệ tinh khác. Nó tạo ra một đám mây gồm gần 1.800 mảnh vỡ được theo dõi vẫn còn đe dọa vệ tinh. Vụ phóng đã gây ra sự lên án rộng rãi và dẫn đến việc Mỹ cam kết không tiến hành thử nghiệm ASAT nữa. Một số quốc gia khác cũng đã làm theo và ngày càng có nhiều lời kêu gọi cấm thử nghiệm. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm được đề xuất chỉ là lệnh hoãn đơn phương chứ không phải là một hiệp ước quốc tế. Với mối đe dọa về chiến tranh không gian hiện hữu, giới phân tích cho rằng luật mới và các hiệp ước cập nhật đã quá hạn từ lâu.

Những mảnh vỡ từ cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh của Nga năm 2021 đã gây nguy hiểm cho Trạm vũ trụ quốc tế, khiến phi hành đoàn phải tìm nơi trú ẩn.

Những mảnh vỡ từ cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh của Nga năm 2021 đã gây nguy hiểm cho Trạm vũ trụ quốc tế, khiến phi hành đoàn phải tìm nơi trú ẩn.

Văn bản của Liên Hiệp Quốc khẳng định nghĩa vụ tuân thủ Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967, trong đó cấm sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trong không gian. Hiệp ước Không gian nhấn mạnh không thể sử dụng không gian để phát động chiến tranh, nhưng Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân cảnh báo việc thiếu các chuẩn mực chung về không gian hiện nay và các chế độ quản lý khuyến khích các bên “thăm dò giới hạn của hành vi có thể chấp nhận được”. Ngoài ra, cũng không có hiệp ước toàn cầu nào cấm cuộc tấn công mạng vào vệ tinh và các hệ thống không gian khác. Trong khi đó, những lời lẽ xung quanh xung đột không gian ngày càng gay gắt.

Trang Thuần (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/vu-khi-va-chien-tranh-trong-khong-gian-i759862/