Vụ kiện thức ăn cho cá kéo dài 7 năm: Bài học cho các doanh nghiệp 'bán hàng trước, nhận tiền sau'
Khi bán chịu thức ăn nuôi cá cho 'đối tác', ông Cao Văn Út (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, chủ doanh nghiệp tư nhân Ngã Ba Cây Dương) không ngờ rằng sẽ phải vướng vào vụ kiện 7 năm chưa dứt.
“Trầy vi tróc vẩy” đòi tiền hàng
Theo hồ sơ, từ 25/11/2012 đến 30/8/2013, ông Út ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng bán thức ăn nuôi cá với ông Nguyễn Việt Tân, đại diện Công ty CP Nuôi trồng thủy sản Nam Thái (trụ sở xã Hòa Tân, TP Cà Mau). Khi số nợ lên đến hơn 4 tỷ, Nam Thái thu hoạch cá mà vẫn chưa trả nợ tiền thức ăn. Ngày 30/7/2013, ông Út đến ao kiểm tra mới phát hiện sự việc.
Trong buổi hòa giải tại xã Hòa Tân, Nam Thái thừa nhận số tiền còn nợ ông Út là hơn 4 tỷ; và cam kết sẽ mở tài khoản chung để thanh toán. Thế nhưng, sau khi bán cá, số tiền không được chuyển vào tài khoản chung mà chuyển vào tài khoản cá nhân ông Phạm Quốc Sử (Chủ tịch HĐQT Nam Thái) hơn 3 tỷ. Sau đó hơn 2 tỷ đã được chi vào việc khác, đến khi cơ quan tố tụng vào cuộc phong tỏa thì trong tài khoản chỉ còn hơn 400 triệu.
Sau nhiều lần đòi nợ không thành, ngày 28/8/2013, ông Út gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Cà Mau. Trong lúc tòa đang thụ lý vụ kiện, ngày 11/9/2013 ông Sử rút khỏi Nam Thái và sau đó không lâu công ty này ngừng hoạt động.
Cuối năm 2014, Công an tỉnh Cà Mau tiếp nhận hồ sơ để điều tra vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Nam Thái. CQĐT xác định, Nam Thái đưa ra 9 hóa đơn thuế giá trị gia tăng để cho rằng chỉ còn nợ 739 triệu; nhưng phiếu xuất hàng và biên nhận của Ngã Ba Cây Dương chứng minh Nam Thái còn nợ hơn 4 tỷ.
Làm việc với CQĐT, kế toán công ty Nguyễn Hồng Cẩm thừa nhận bị ông Sử chỉ đạo khai không đúng sự thật với CQĐT.
Trên cơ sở các chứng cứ có được, Công an Cà Mau ra quyết định và đề nghị VKSND cùng cấp phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Nam Thái. Đồng thời công an cũng ra quyết định khởi tố bị can với ông Lê Quốc Huy ngày 14/2/2015 (ông Huy là Phó Giám đốc, làm thuê theo Hợp đồng lao động)…
Sau đó, với lý do không chứng minh được ông Huy phạm tội nên ngày 15/10/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Sau đó TAND TP Cà Mau thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán” giữa Ngã Ba Cây Dương với Nam Thái. Ngày 10/5/2019, vụ kiện được đưa ra xử sơ thẩm. Tòa tuyên Nam Thái phải trả nợ 4 tỷ cho ông Út cộng với tiền lãi trên 2 tỷ theo quy định. Tuy nhiên, Tòa không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Út là buộc các thành viên Nam Thái liên đới thanh toán tiền cho ông Út. Ông Út kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm ngày 1/10/2019 mới đây, TAND tỉnh Cà Mau tuyên y án. Trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, các bị đơn và những người liên quan đều vắng mặt. Ông Út nhận định việc thu hồi số nợ là rất khó khăn và cho biết sẽ tiếp tục đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm, đề nghị buộc các thành viên Nam Thái liên đới trả tiền cho mình.
Luật sư đánh giá bản án “chưa triệt để”
Trong vụ án này, Luật sư (LS) Phạm Tuấn Anh (Đoàn LS TP HCM), nhận định: Sau khi mua chịu thức ăn nuôi cá của ông Út, các thành viên, lãnh đạo Nam Thái đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như lập khống hồ sơ nghỉ việc (ghi lùi ngày nghỉ) của nhân viên kế toán nhằm chối bỏ các chứng từ nhân viên này đã ký; Lập khống hồ sơ mua thức ăn nuôi cá của các cá nhân khác, hướng dẫn những người này khai báo gian dối nhằm phủ nhận việc nuôi cá bằng thức ăn của ông Út… “Thủ đoạn gian dối này được thể hiện rõ trong chính hồ sơ điều tra của Công an tỉnh Cà Mau”, LS Tuấn Anh cho biết.
Với số tiền hơn 3 tỷ doanh thu bán cá mà ông Sử, Chủ tịch HĐQT Nam Thái đã nhận chuyển khoản từ người mua cá vào tài khoản cá nhân, cần phải xác định đây là doanh thu, tiền của Nam Thái. “Tòa án một mặt phong tỏa tài khoản cá nhân ông Sử với số tiền hơn 400 triệu còn lại để thi hành án; nhưng một mặt không thừa nhận, không truy thu số tiền ông Sử đã rút ra sử dụng là mâu thuẫn, không triệt để, không có căn cứ pháp luật”, LS nói.
Vẫn lời LS Tuấn Anh cho biết thêm, hơn 3 tỷ đã được người mua cá chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân ông Sử mà không thông qua tài khoản, sổ sách Nam Thái; Nam Thái không xuất hóa đơn với số tiền này; như vậy là có dấu hiệu của “Tội trốn thuế”. Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ, xác định số tiền thuế cụ thể, nếu đủ căn cứ phải khởi tố theo quy định pháp luật.
Tư vấn cho ông Út trong vụ này, LS Trần Đức Phượng (Đoàn LS TP HCM) cho rằng ông Út cần tiếp tục làm đơn yêu cầu thi hành án với bản án phúc thẩm; đề nghị cơ quan thi hành án xác minh số tiền đã chuyển cho ông Sử để truy thu. Ông Út cũng có thể khởi kiện một vụ kiện mới, đòi tuyên bố giao dịch việc đối tác mua cá của Nam Thái chuyển tiền vào tài khoản cho ông Sử là vô hiệu.
Và nếu nhận thấy các cơ quan tố tụng xử lý vụ việc của mình chưa thỏa đáng, ông Út có quyền tiếp tục làm đơn kiến nghị về quyết định đình chỉ điều tra vụ án có liên quan đến doanh nghiệp của ông.