Vu Lan không chỉ rằm tháng Bảy

Tháng Bảy đang mùa Vu Lan báo hiếu. Các ngôi chùa Hà Nội từ Quán Sứ, Kim Liên, Phúc Khánh đến Ngũ Xã, Tứ Kỳ… ngan ngát khói hương, tấp nập người đi lễ, cầu mong sức khỏe, bình an cho những đấng sinh thành cũng là tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ cha mẹ đã qua đời.

Hàng vạn người đội mưa đến dự lễ Vu Lan ở các chùa đã nói lên sức lan tỏa mạnh mẽ của phong tục tốt đẹp này trong người dân.

Không chỉ nơi cửa Phật, nhân dịp này, mỗi gia đình đều sửa soạn mâm lễ, thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Và không chỉ có vậy, với những gia đình may mắn còn ông bà, cha mẹ, đây cũng là dịp mọi người quây quần bên các đấng sinh thành trong không khí vui vẻ, đầm ấm, chan hòa tình yêu thương. Và đó có lẽ là niềm vui lớn nhất với các bậc ông bà, cha mẹ nhân mùa Vu Lan báo hiếu.

Về lễ Vu Lan, nhiều người trong chúng ta chắc đều nhớ đến những dòng Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết từ những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước trong đoạn văn Bông hồng cài áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất. Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”.

Nghĩ về phong tục đẹp đẽ này, lại nghĩ đến những việc mà mỗi người cần và có thể làm để báo hiếu cha, mẹ, tổ tiên. Những người được cài bông hồng trắng trên ngực áo đành phận thiệt thòi cha mẹ đã khuất núi, chỉ biết biểu lộ tấm lòng hiếu thảo bằng việc lên chùa làm lễ Vu Lan, hương khói cúng giỗ, cùng con cháu nhớ lại những kỷ niệm ấm áp về cha mẹ…

Cũng theo giáo lý nhà Phật, con cháu càng làm việc thiện, điều tốt, rạng danh ông bà cha mẹ thì cũng có nghĩa là đã báo hiếu được các đấng sinh thành. Với những người có hạnh phúc được cài bông hồng màu đỏ trên ngực áo, không chỉ là việc thể hiện tấm lòng với cha mẹ trong lễ Vu Lan báo hiếu, thăm nom chăm sóc lúc ốm đau, hay đồng quà tấm bánh…

Bên cạnh niềm vui vì con cái hiếu hạnh, thành đạt, với người già sự qua lại thường xuyên, gần gũi của con cháu nhiều khi còn cần thiết hơn những chăm sóc về vật chất.

Ở một góc độ khác, những năm gần đây, ý nghĩa của mùa Vu Lan đã không chỉ có ý nghĩa báo đáp, tưởng nhớ công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Chánh văn phòng T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là dịp để chúng ta nghĩ đến “Tứ đại ân”: Ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội. Cha mẹ còn sống như Phật tại thế, Vu Lan là dịp mỗi người nhìn lại bản thân mình, cần biết hiếu kính, phụng dưỡng ông bà cha mẹ thật chu đáo, ân cần.

Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy là những người công dân tốt. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những kiến thức, đạo lý đã được dạy dỗ. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội đã có cống hiến cho cộng đồng.

Như vậy, để báo đáp công ơn cha mẹ sinh thành, nuôi nấng, mỗi người sống sao cho có ích, đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội với một tâm thế hướng thiện. Đó cũng là cái đích chúng ta phải luôn hướng tới trong cuộc sống chứ không chỉ trong mùa Vu Lan tháng Bảy. Hiểu và làm được như vậy cũng là nhân lên ý nghĩa nhân văn của phong tục tốt đẹp này.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vu-lan-khong-chi-ram-thang-bay.html