Vu lan khuyết

Thỉnh thoảng tôi buột miệng khoe với đứa bạn thân là mình đang về nhà mẹ. Lần nào bạn cũng nhắn 'Sướng thế! Mình thì chẳng còn mẹ để về'. Nhắn xong chắc là bạn lại ngồi buồn nhớ mẹ với những ký ức xa xưa.

Từ ngày mẹ mất, mỗi lần gọi điện cho tôi, câu chuyện nào rồi cũng đưa bạn vòng về mẹ. Như lúc nhắc tuổi thơ kiểu gì bạn cũng nhớ những buổi chiều hai mẹ con đẩy xe sắn dây lên dốc; nhớ những món quà quê bạn nhận từ bàn tay còn bám đầy đất cát của mẹ; nhớ bát canh chua mẹ nấu; nhớ nồi cá mẹ kho...

Cũng có khi đang nói chuyện phố sá đông đúc, mua bán giành giật bon chen, bỗng bạn bảo: “Mẹ tớ rời quê vào Bình Dương lập nghiệp, nửa đời buôn bán chưa bao giờ nặng lời hay lừa lọc một ai. Mẹ vẫn cứ hiền như rơm rạ đồng nhà. Cái nết quê không khi nào phai nhạt”. Mỗi dịp lễ tết nhìn dòng người chen chúc về quê, bạn lại bảo: “Ước gì còn mẹ để có nơi mà về”.

Tôi thường chỉ biết lặng lẽ lắng nghe, chẳng có lời an ủi nào có thể khiến trái tim mồ côi mẹ của bạn bớt chênh vênh. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ khuyết danh mình từng đọc:

Còn mẹ còn lối đi về

Mất mẹ cả lối về quê cũng mờ

Còn mẹ ngày đợi đêm chờ

Mất mẹ ngay cả giấc mơ cũng buồn…”

Tôi có chị bạn thân mãi tận Sài Gòn. Chị thuộc tuýp người tình cảm nhưng mạnh mẽ, ít bi lụy. Từ ngày ba chị mất, chị trở nên trầm tính hẳn, không còn sôi nổi nói cười. Chị kể giờ mỗi lần đi ra ngoài là rất sợ về nhà. Sợ bắt gặp hình ảnh ba ngồi trên chiếc ghế sofa ngóng ra cửa, bên cạnh là con mèo mướp. “Giờ chiếc ghế còn đó, con mèo nằm đó. Có khi ba chị cũng vẫn ngồi đó trong hình hài của khói ngóng ra cửa đợi cháu con về”.

Đã mấy tháng trôi qua chị đi đâu, làm gì cũng hiện hữu bóng hình của ba. Lúc đứng trong bếp nấu nướng nhớ ba thích ăn món này món kia. “Ngày xưa chị bận bịu suốt ngày, có khi cả tuần mới nấu cho ba được bữa ngon. Giờ muốn nấu cho ba ăn cũng không được nữa”, chị ngậm ngùi.

Lên Facebook thấy người ta chụp ảnh gia đình đông vui quá, chị nhớ ra mình chẳng có bức hình nào tử tế chụp cùng ba. Ngay cả lần hiếm hoi đại gia đình đi chơi, chị cũng chỉ mải chụp hình con cháu, lá hoa sống ảo. Lúc đi làm về xe mắc kẹt giữa cửa ngõ Sài Gòn chị gọi cho tôi, bật khóc: “Bỗng nhiên chị thấy nhớ ba quá! Từ hồi ba lên ở cùng nhà, chị đã hứa mấy lần sẽ chở ông về thăm lại quê, bà con họ hàng. Rồi dịch bệnh ập đến. Đến lúc cuộc sống ổn định trở lại chị chưa kịp thực hiện lời hứa thì ba mất. Cả đời sống hời hợt với ba. Đến lúc biết ba mắc bệnh ung thư, muốn bù đắp mọi thứ mà đâu có kịp. Ba chị đi nhanh quá…”

Bạn đang chăm chút những bông sen trong vườn nhà hẹn nở trong mùa lễ Vu lan. Mắt bạn buồn từ khi mất mẹ, chưa khi nào thấy ánh lên niềm vui rặng rỡ ngay cả lúc cười. Ngay cả chị, dù đã từng trải qua biết bao nhiêu những biến cố thăng trầm của cuộc đời này thì nỗi buồn mồ côi ba vẫn đeo đẳng mãi.

Tôi thấy mình may mắn khi bố mẹ vẫn còn mạnh khỏe. Khi buồn vui có nơi để trở về. Khi những ngày cuối tuần bố hay điện xuống bảo: “Con nhớ cho các cháu về chơi”. Khi một buổi sáng nào đó thức dậy đã thấy mẹ chờ sẵn cổng nhà, tay xách nách mang chùm quả đầu mùa, túi tép sông, ít rau sắn ngâm chua, chục trứng gà mới đẻ. Chính vì lẽ đó mà tôi thương những mùa Vu lan khuyết. Thương cho mình cả những mất mát sau này khi bố mẹ ở tuổi xế chiều như ngọn đèn trước gió. Lòng tự nhắc mình đừng bận bịu hơn thua, đừng thưa thớt trở về. Khu vườn nhỏ, căn nhà cũ, cha mẹ già vẫn luôn ngóng đợi…

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/vu-lan-khuyet-post63404.html