Vu Lan - mùa báo hiếu

Tháng bảy (Âm lịch) mỗi năm là thời điểm diễn ra một trong những lễ hội tâm linh quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Việt Nam - lễ Vu Lan. Được biết đến như là mùa báo hiếu, Vu Lan không chỉ là dịp để tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, mà còn là cơ hội để mỗi người con thể hiện lòng hiếu thảo, yêu thương đối với bậc sinh thành, dù họ còn sống hay đã khuất.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ Phật giáo, gắn liền với câu chuyện về Mục Kiền Liên, một vị đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Mục Kiền Liên sau khi chứng đắc thần thông đã tìm cách cứu mẹ của mình, bà bị đọa vào cảnh giới ngạ quỷ vì tội lỗi trong kiếp trước.

Tuy nhiên, dù đã dùng mọi cách, Mục Kiền Liên không thể cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ. Đức Phật khuyên ông nên tổ chức cúng dường cho chư tăng vào ngày rằm tháng bảy Âm lịch, nhờ sức chú nguyện của họ mà mẹ ông được giải thoát.

Dù cài lên ngực áo hoa đỏ hay hoa trắng, mỗi người con đều mang trong mình lòng biết ơn vô hạn với đấng sinh thành

Dù cài lên ngực áo hoa đỏ hay hoa trắng, mỗi người con đều mang trong mình lòng biết ơn vô hạn với đấng sinh thành

Từ đó, Lễ Vu Lan đã trở thành dịp để những người con hiếu thảo bày tỏ lòng thành kính, nhớ ơn cha mẹ; đồng thời, cầu nguyện cho những người đã khuất được siêu thoát.

Tại Việt Nam, Vu Lan còn được gắn liền với tục lệ cài hoa hồng, một biểu tượng của lòng hiếu thảo. Những ai còn đủ cha và mẹ sẽ cài hoa hồng đỏ, còn ai mất cha hoặc mẹ sẽ cài hoa hồng nhạt, ai mất cả cha lẫn mẹ sẽ cài hoa hồng trắng; nhằm nhắc nhở mỗi người hãy trân quý từng giây phút khi còn được ở bên cha mẹ.

Chị Nguyễn Thị Hằng (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Dù cha mẹ tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn tìm cách báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục bằng cách lên chùa cầu siêu và làm công quả. Tôi luôn tâm niệm rằng, dù không còn cơ hội báo hiếu cho cha mẹ nhưng qua việc cúng dường, phục vụ tại chùa, tôi như được nối dài lòng tri ân, gửi đến cha mẹ niềm thương nhớ và lòng biết ơn sâu sắc”.

Lễ Vu Lan tại chùa Thiên Châu (TP.Tân An)

Lễ Vu Lan tại chùa Thiên Châu (TP.Tân An)

Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cho biết: “Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa sâu xa vượt qua các nghi lễ tôn giáo, đó là việc nuôi dưỡng lòng hiếu thảo qua từng hành động, lời nói trong đời sống hàng ngày. Làm con, chữ "hiếu" phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng ta cần kính trọng và lắng nghe cha mẹ để học hỏi những kinh nghiệm quý giá mà họ đã trải qua trong cuộc đời. Bổn phận của mỗi người con không chỉ là hiếu dưỡng cha mẹ bằng sự chăm sóc vật chất mà còn bằng sự quan tâm, yêu thương trong đời sống tinh thần. Chỉ cần một cuộc gọi thăm hỏi, một lần trở về vào dịp tết, ngày giỗ hay một món quà nhỏ là đã đủ làm cha mẹ cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc vô cùng”.

Dịp này, nhiều người thường đến chùa để tụng kinh, lạy Phật với mong muốn hồi hướng công đức cho bậc sinh thành

Dịp này, nhiều người thường đến chùa để tụng kinh, lạy Phật với mong muốn hồi hướng công đức cho bậc sinh thành

Vu Lan - mùa báo hiếu không chỉ là một truyền thống văn hóa, tôn giáo đặc sắc mà còn là thời điểm để mỗi người tự soi rọi lại bản thân, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm làm con, về tình cảm gia đình thiêng liêng.

Thể hiện lòng hiếu thảo không chỉ gói gọn trong một ngày, mà là hành động, suy nghĩ và lời nói mà chúng ta thực hiện mỗi ngày với những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình./.

Khánh Duy - Thu Thảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vu-lan-mua-bao-hieu-a180989.html