Vụ lộ kế hoạch đánh Houthis: Khoét sâu thêm căng thẳng Mỹ-châu Âu?

Những tin nhắn trong nhóm chat bàn kế hoạch đánh Houthis mà quan chức cấp cao Mỹ thêm nhầm một nhà báo vào dường như khoét sâu thêm căng thẳng Mỹ-châu Âu.

Vụ các quan chức cấp cao Mỹ thêm nhầm một nhà báo vào nhóm trò chuyện (chat group) trên ứng dụng nhắn tin Signal bàn về kế hoạch tấn công lực lượng Houthis (Yemen) đã mang lại cho thế giới nhận thức về suy nghĩ của những người chỉ đạo chính sách đối ngoại Mỹ, theo đài CNN.

Châu Âu chịu lời “cay đắng”

Trong đoạn tin nhắn được Tổng biên tập báo The Atlantic Jeffrey Goldberg - người vô tình được thêm vào cuộc trò chuyện - đăng tải trên báo này, Phó Tổng thống JD Vance, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và các thành viên cấp cao khác của chính quyền ông Trump đã không ngần ngại bày tỏ sự giận giữ, thậm chí là ghét châu Âu.

Sự ghét bỏ này lớn đến mức ông Vance đề xuất dừng tấn công Houthis - lực lượng liên tục tấn công tàu thuyền đi lại trên Biển Đỏ trong thời gian qua - vì điều đó sẽ có lợi cho nền kinh tế châu Âu nhiều hơn là nền kinh tế Mỹ. Ông Vance lý giải rằng chỉ 3% thương mại của Mỹ đi qua Kênh đào Suez, trong khi đó 40% thương mại của châu Âu đi qua kênh đào này, do đó việc Mỹ tấn công Houthis là không hợp lý.

Sau đó, dù miễn cưỡng đồng ý tấn công Houthis nhưng ông Vance nhắn thêm rằng ông “chỉ ghét việc cứu giúp châu Âu một lần nữa".

 Phó Tổng thống JD Vance (đứng sau), Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth được cho đã bày tỏ thái độ không hài lòng với châu Âu trong nhóm chat. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Phó Tổng thống JD Vance (đứng sau), Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth được cho đã bày tỏ thái độ không hài lòng với châu Âu trong nhóm chat. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bộ trưởng Hegseth tỏ ra đồng cảm với ông Vance khi nhắn lại rằng: "Tôi rất chia sẻ sự căm ghét của ông đối với việc châu Âu ăn bám. Thật là thảm hại”.

Một thành viên trong cuộc trò chuyện có nickname là "SM", được cho là ông Stephen Miller - trợ lý cấp cao của Tổng thống Donald Trump, đã đề xuất rằng cả Ai Cập và châu Âu nên đền bù cho Mỹ về chiến dịch này.

"Nếu châu Âu không bồi thường, thì sao? Nếu Mỹ khôi phục thành công quyền tự do hàng hải với chi phí lớn thì cần phải có thêm một số lợi ích kinh tế được trích xuất để đổi lại"- tài khoản SM viết.

Sau đó cuộc trò chuyện cũng đi đến một sự thỏa hiệp: Mỹ sẽ tấn công nhưng hóa đơn sẽ gửi cho châu Âu khi Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz nhắn rằng theo yêu cầu của tổng thống thì chính quyền đang làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao để xác định cách tổng hợp chi phí liên quan và tính thuế với châu Âu.

Trước đó, ông Trump và cấp dưới đã tỏ thái độ gay gắt đối với châu Âu khi yêu cầu châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phải chi nhiều hơn cho quốc phòng và đưa ra các kế hoạch áp thuế quan nặng nề đối với châu Âu với quan điểm rằng châu Âu đang "lừa gạt" và hưởng lợi từ Mỹ .

Liệu sẽ có cuộc “ly hôn” giữa Mỹ-châu Âu?

Những bình luận trong nhóm chat này là đòn giáng mới nhất vào một trong những liên minh lâu đời nhất thế giới nhưng đang bị lung lay mạnh, theo tờ The New York Times.

Ông François Heisbourg - một nhà phân tích người Pháp và cựu quan chức quốc phòng - lưu ý rằng việc Mỹ yêu cầu thanh toán rõ ràng, thay vì chỉ hỗ trợ chính trị và quân sự như ở Iraq và Afghanistan, là điều mới và đáng chú ý.

Cùng ý kiến, bà Anna Sauerbrey - biên tập viên báo Die Zeit của Đức - cho rằng thái độ đó trái ngược với thực tế rằng Mỹ phụ thuộc vào thương mại toàn cầu và thể hiện Mỹ đang phớt lờ những nỗ lực của châu Âu.

 Lính Mỹ và các nước NATO đang huấn luyện tại Đức vào tháng 3-2025. Ảnh: GETTY IMAGES

Lính Mỹ và các nước NATO đang huấn luyện tại Đức vào tháng 3-2025. Ảnh: GETTY IMAGES

Thực tế là Pháp, Anh và Hà Lan đã triển khai tàu chiến đến khu vực này vì cùng mục đích là bảo vệ an toàn ở một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. Năm ngoái, Anh và Hà Lan đã tham gia cùng lực lượng Mỹ tấn công các mục tiêu của Houthis, trong đó London đã hỗ trợ tiếp nhiên liệu trên không cho các cuộc tấn công này.

Từ vụ rò rỉ tin nhắn này giới quan sát đã đề cập đến cụm từ “ly hôn” giữa Mỹ-châu Âu, thậm chí cho là châu Âu có thể nghĩ đến viễn cảnh này. Lý do là Mỹ không còn là đồng minh đáng tin cậy như trước nữa, cả về mặt lời nói lẫn thực tế khi quan chức Mỹ không ngần ngại thảo luận các kế hoạch quân sự nhạy cảm ở trên một nền tảng không bảo mật.

Ông Ben Hodges - cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu - cho biết việc coi thường các thủ tục an ninh thông thường sẽ "khiến các đồng minh rất miễn cưỡng chia sẻ phân tích và thông tin tình báo". Theo ông Hodges, trừ khi có sự thay đổi lớn, các quốc gia đối tác sẽ cho rằng không thể tin tưởng vào nước Mỹ.

Ngay cả khi đang cố gắng duy trì tình bạn với Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang chạy đua để tăng cường chi tiêu quốc phòng và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, dù tốn kém.

Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một sáng kiến tái vũ trang quân sự châu Âu trị giá 800 tỉ euro (khoảng 865 tỉ USD) để mua sắm vũ khí và giúp các quốc gia châu Âu đạt được mức chi tiêu quân sự mong muốn.

Tuy nhiên, với thái độ ngày càng xa cách của Mỹ đối với châu Âu, các quan chức ở châu lục này dường như nhận thức được rằng tương lai của một mối quan hệ liên minh được vun đắp trong nhiều thập niên có thể sẽ không bao giờ còn như cũ.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-lo-ke-hoach-danh-houthis-khoet-sau-them-cang-thang-my-chau-au-post840874.html