Vụ lừa mua tiền ảo 2.000 tỷ đồng: Thủ đoạn 'thao túng' nhân viên lừa người nhà

Nhóm đối tượng cầm đầu trong vụ lừa mua tiền ảo 2.000 tỷ đồng không chỉ dùng nhiều thủ đoạn để xóa vết dòng tiền mà còn 'thao túng' cả nhân viên cấp dưới.

Trung tá Trần Công Đoàn – Đội trưởng đội điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, các đối tượng trong đường dây lừa đảo qua đầu tư tiền ảo đã sử dụng nhiều chiêu trò để "thao túng" nhân viên cấp dưới cũng như xóa vết dòng tiền.

Cụ thể, các đối tượng thường nhắm đến "nhà đầu tư" chủ yếu là đối tượng trung niên hoặc người lớn tuổi, không am hiểu về công nghệ. Các đối tượng cho "nhà đầu tư" ăn "bánh vẽ" về viễn cảnh đồng tiền ảo sẽ tăng giá hàng chục lần trong thời gian tới. Do đó, khi bị thuyết phục đầu tư, có người còn đưa cả điện thoại cho các đối tượng thao tác.

Xem chi tiết vụ án qua bài: Vụ lừa đảo tiền ảo hơn 2.000 tỷ đồng: Tiết lộ về "ông trùm" và chiếc Rolls-Royce biển 80

Trung tá Trần Công Đoàn – Đội trưởng đội điều tra Công an quận Cầu Giấy.

Trung tá Trần Công Đoàn – Đội trưởng đội điều tra Công an quận Cầu Giấy.

Sau khi nhà đầu tư "xuống tiền", nhóm đối tượng sẽ chuyển sang dòng tiền USDT (một loại tiền điện tử được neo giá với đồng USD; 1 USDT luôn có giá trị tương đương với 1 USD) rồi để che giấu nguồn gốc tiền rồi chuyển sang nước ngoài mua đồng MPX. Điều này gây khó khăn rất lớn trong quá trình cơ quan công an truy vết dòng tiền.

Trung tá Đoàn cho hay, đồng MPX do các đối tượng tạo ra không có giá trị và chỉ giao dịch trong nội bộ giữa các đối tượng.

"Ví dụ, khi bị hại muốn bán lại thì phải kêu gọi bị hại khác mua lại, hoặc phải bán lại với giá rất rẻ lại cho nhóm đối tượng khiến người lỡ mua không muốn bán lại", Trung tá Đoàn nói.

Hoàng Văn Quyết (ảnh trái) và Đỗ Huy Hoàng - 2 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo.

Hoàng Văn Quyết (ảnh trái) và Đỗ Huy Hoàng - 2 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo.

Vị Đội trưởng cho biết thêm, để tạo lợi ích tối đa cho bản thân, những đối tượng cầm đầu nghĩ ra nhiều phương án để "thao túng" nhân viên cấp dưới. Từ việc tổ chức đào tạo liên tục đến cho vay mượn tiền để mua xe sang, nhà cửa.

Từ đó, những nhân viên chịu gây sức ép tài chính nên phải tìm mọi cách để tìm kiếm, dụ dỗ nhà đầu tư, thậm chí kêu gọi cả người nhà tham gia. Trong vụ án, có rất nhiều người thân, quen của các nhân viện tham gia đầu tư.

Trung tá Đoàn khuyến cáo, hiện Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chức năng, báo chí,… liên tục cảnh báo về việc Việt Nam cấm tất cả các giao dịch tiền ảo. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn giới thiệu đồng tiền này có thể thay thế đồng tiền pháp định của Việt Nam, đưa ra những hứa hẹn về việc tăng giá mạnh để đánh vào sự thiếu hiểu biết và khao khát làm giàu của nhiều người.

Do đó, mọi người cần hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi đầu tư của các đối tượng.

Liên quan đến vụ án trên, đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 11 bị can liên quan đến đường dây trên, xác định có hơn 1.900 người đã tham gia đầu tư với số tiền khoảng hơn 2.000 tỷ đồng đã bị các đối tượng chiếm đoạt.

Công an Tp.Hà Nội đã tiến hành thu giữ và phong tỏa 19 bất động sản, 19 xe ô tô, tiền trong tài khoản khoảng 35 tỷ đồng. Tổng trị giá các tài sản đã thu giữ và phong tỏa khoảng 500 tỷ đồng.

Công an Tp.Hà Nội đề nghị ai là bị hại trong vụ án bị lừa theo phương thức thủ đoạn như trên liên hệ với đồng chí Trần Công Đoàn, SĐT: 0986243333.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-lua-mua-tien-ao-2000-ty-dong-thu-doan-thao-tung-nhan-vien-lua-nguoi-nha-204250221110513301.htm