Vụ lùm xùm quanh bữa liên hoan của học sinh: Cần bảo vệ trẻ khỏi áp lực tiêu cực từ mạng xã hội

Theo chuyên gia giáo dục, mọi ứng xử của người lớn cần đặt trẻ vào trung tâm, thay vì để trẻ trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử chỉ bởi những bất đồng giữa người lớn.

Vừa qua, vụ việc "học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ" được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận.

Vụ việc xảy ra tại lớp 1C, Trường Tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Một phụ huynh của lớp không đóng tiền liên hoan cuối năm cho con, phụ huynh lớp này chỉ mua 31 suất gà rán kèm khoai tây chiên và xúc xích, trị giá 40.000 đồng/suất (lớp có 32 học sinh). Trong quá trình tổ chức liên hoan, em N đã cùng các bạn trong lớp ăn bánh gato và bánh kẹo khác; riêng đùi gà, xúc xích và khoai tây chiên, em N không có suất ăn riêng, song có ăn cùng các bạn. Sau buổi liên hoan, mẹ em N. đã đăng thông tin trên Facebook cá nhân cho rằng, con mình "không được suất ăn" trong buổi liên hoan lớp.

Người mẹ đăng tải phần chat tranh cãi của nhóm phụ huynh trong lớp. Ảnnh: Mạng xã hội

Người mẹ đăng tải phần chat tranh cãi của nhóm phụ huynh trong lớp. Ảnnh: Mạng xã hội

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sự việc cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ.

Đầu tiên, trong việc ứng xử với trẻ cần phải được cân nhắc dưới các nguyên tắc đạo đức. Mọi ứng xử của người lớn cần đặt trẻ vào trung tâm, thay vì để trẻ trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử chỉ bởi những bất đồng giữa người lớn. Trong đó, thầy cô giáo cần phải hành động với tâm thiện và luôn đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Việc để một đứa trẻ cảm thấy bị phân biệt đối xử có thể gây ra tổn thương tâm lý sâu sắc.

"Nhà giáo nên tạo môi trường học tập và sinh hoạt công bằng, nơi mọi học sinh đều cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Học sinh, bất kể hoàn cảnh gia đình thế nào, cũng đều xứng đáng nhận được sự đối xử tinh tế, không tạo ra cảm nhận phân biệt trong một sự kiện chung của lớp. Việc làm tổn thương lòng tự trọng của một đứa trẻ là không thể chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nhà giáo cũng phải hành xử chính trực, minh bạch và công khai trong mọi hoạt động. Nếu có vấn đề liên quan đến tài chính, cần phải giải thích rõ ràng với phụ huynh và học sinh trước đó và đạt được sự đồng thuận.

Đối với cha mẹ, những sự việc liên quan đến trẻ em nên được xử lý một cách kín đáo và tôn trọng. Trẻ em không nên trở thành công cụ để người lớn đạt được mục đích cá nhân, dù là để thu hút sự chú ý hay tạo ra hiệu ứng truyền thông. Cách hành xử của mọi người trên không gian mạng cũng cần đảm bảo các nguyên tắc lành mạnh, an toàn và tôn trọng, không nên lấy tình tiết câu chuyện của trẻ em làm mồi nhử "câu view", cũng không thể vì một vụ việc lùm xùm làm trầm trọng hóa, gây ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.

"Việc sử dụng hình ảnh và câu chuyện của trẻ em để "câu view" là hành động phi đạo đức và không thể chấp nhận được. Khi có những sự việc nhạy cảm liên quan đến trẻ em, thay vì phê phán ngay lập tức, mỗi người cần lắng nghe và tìm hiểu rõ ràng trước khi đưa ra nhận định. Trẻ em cần được bảo vệ khỏi những áp lực và tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Mọi hành động và quyết định cần được thực hiện trên tinh thần tôn trọng và yêu thương, đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu".

Trường Tiểu học Gia Lương - nơi xảy ra sự việc.

Trường Tiểu học Gia Lương - nơi xảy ra sự việc.

Chia sẻ thêm với PV báo Sức khỏe và Đời sống, cô Nguyễn Thu Hà - giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho biết, đã nhiều năm làm chủ nhiệm cấp tiểu học nhưng chưa thấy hiện tượng này bao giờ.

Theo cô Hà, trong câu chuyện này, cả giáo viên và phụ huynh đều phải rút kinh nghiệm để không làm đứa trẻ bị tổn thương tâm lý. "Học sinh trong câu chuyện này hoàn toàn không có lỗi nhưng chính em lại là người phải gánh chịu hậu quả lớn nhất từ những lời bàn tán xung quanh, từ chính các bạn trong lớp, trong trường, từ hàng xóm hay cộng đồng mạng.

Sau sự việc này, gia đình, thầy cô và nhà trường cần phải đặc biệt lưu ý tới tâm lý của em học sinh cùng các bạn trong lớp, trong trường. Cần phải xử lý tốt vấn đề này để em học sinh đó không bị chính bạn bè xung quanh trêu chọc, đùa cợt hay cô lập, tẩy chay. Cha mẹ và thầy cô cần giải thích cho em hiểu để em vui vẻ bình thường, không bị ảnh hưởng tới tâm lý".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-hoc-sinh-khong-duoc-an-lien-hoan-can-bao-ve-tre-khoi-ap-luc-tieu-cuc-tu-mang-xa-hoi-169240528155430029.htm