Vụ máy bay chiến đấu F-35A của Hàn Quốc hạ cánh bằng bụng đặt ra câu hỏi lớn
Vụ việc máy bay tàng hình F-35A của Hàn Quốc phải 'hạ cánh bằng bụng' đặt ra dấu hỏi lớn về hệ thống an toàn của máy bay chiến đấu mới nhất, đắt nhất thế giới này.
F-35A Hàn Quốc hạ cánh bằng bụng
F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu đa năng siêu thanh, tàng hình (thế hệ năm) do Tập đoàn Hàng không Lockheed Martin chế tạo. Năm 2014, Hàn Quốc đã đặt mua 40 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp (Joint Strike Fighter - JSF) F-35 Lightning II theo hợp đồng trị giá 6,4 tỷ USD.
Ngày 4/1/2022, trong một cuộc tập trận, do trục trặc, một phi công F-35A của Hàn Quốc đã buộc phải thực hiện "hạ cánh bằng bụng". Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi sự cố đối với máy bay tàng hình thế hệ năm sau khi một chiếc F-35 của Anh cất cánh thất bại từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và bị rơi xuống biển Địa Trung Hải năm 2021.
Theo hãng tin Yonhap, chiếc F-35A Hàn Quốc đã phải tiếp đất mà bộ phận hạ cánh không được kích hoạt hoàn toàn. Sau đó, Hàn Quốc đình chỉ tất cả các chuyến bay của F-35A. Có nhiều nhận định về nguyên nhân vụ việc.
Do tác chiến điện tử?
Đầu tiên, có những đồn đoán rằng máy bay chiến đấu tối tân do Mỹ sản xuất đã hạ cánh khẩn cấp sau sự cố của thiết bị điện tử trên máy bay. Những tuyên bố này đã làm tăng thêm tin đồn về việc Trung Quốc hoặc Triều Tiên đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử.
Một cuộc điều tra tiếp theo về nguyên nhân thực sự của sự cố đang được tiến hành. Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), một nhóm chuyên gia Mỹ sẽ đến Hàn Quốc để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố kỹ thuật của sự cố, bao gồm lý do tại sao hệ thống điện tử hàng không và thiết bị hạ cánh của máy bay bị lỗi.
Không quân Hàn Quốc yêu cầu các phương tiện truyền thông địa phương tránh đưa thông tin "suy đoán" về nguyên nhân của vụ hạ cánh bằng bụng, có lẽ là do tính nhạy cảm của tình huống, khi nhiều quốc gia khác cũng đang vận hành loại máy bay tàng hình tinh vi này. Giới chức quân sự Hàn Quốc tuyên bố, việc máy bay F-35A buộc phải hạ cánh không liên quan gì đến việc sử dụng các phương tiện tác chiến điện tử.
Một nguyên nhân đáng lo ngại?
Theo báo cáo sơ bộ, lý do F-35 của Hàn Quốc phải hạ cánh khẩn cấp là do một con chim đâm vào động cơ bên trái máy bay khi đang cất cánh. Hệ quả là động cơ quá nóng, lan sang thân máy bay, dẫn đến ảnh hưởng tới bộ bánh hạ cánh tại thời điểm nó được thu lại trong quá trình cất cánh. Giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết, phi công ngay lập tức quyết định hạ cánh. Chiếc F-35A tiếp đất trên đường băng được phủ bọt chữa cháy. Việc hạ cánh được thực hiện thành công, nhưng máy bay đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Năm 2019, một máy bay chiến đấu F-35, thuộc Phi đội máy bay chiến đấu số 121 của Nhật Bản cũng va chạm với một con chim khi cất cánh. Mặc dù chi tiết về thiệt hại không được tiết lộ, giới chức quân sự đã phân loại vụ va chạm là "Cấp A", nghĩa là máy bay chiến đấu F-35B đó bị thiệt hại ít nhất 2 triệu USD. Năm 2018, một sự việc tương tự đã xảy ra với một chiếc F-35A khác, mặc dù không có thông tin về thiệt hại.
Theo chương trình Đối tác trong chuyến bay của Bộ Quốc phòng, nhằm mục đích bảo vệ các loài chim di cư và cư trú trên các vùng đất do Bộ Quốc phòng quản lý, Lực lượng Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ ghi nhận tới 3.000 vụ việc liên quan đến chim mỗi năm, được gọi là “Nguy cơ tấn công máy bay của chim/động vật hoang dã” (Bird/Wildlife Aircraft Strike Hazard - BASH).
Phần lớn các vụ va chạm như vậy ít gây ra thiệt hại cho máy bay hoặc thương tích cho phi hành đoàn, nhưng có một vài vụ việc gây thiệt hại đáng kể. Theo Phòng công tác cộng đồng của Phi đoàn ném bom số 28 tại Căn cứ Không quân Ellsworth, từ năm 1985 đến năm 2016, các vụ tai nạn do chim đã khiến 36 phi công thiệt mạng, 27 máy bay bị rơi và làm tiêu tốn của lực lượng của Không quân Mỹ khoảng 1 tỷ USD.
Quân đội đã sử dụng một loạt kỹ thuật để giảm thiểu nguy cơ BASH, bao gồm dọn sạch môi trường sống, tiêu hủy bằng súng cầm tay và triển khai các khẩu pháo âm thanh chạy bằng khí propan để xua đuổi chim. Năm 2018, Căn cứ Không quân Ellsworth, nơi có nhiều máy bay ném bom B-1, ở Nam Dakota đã triển khai một hệ thống tự động ngăn chặn chim - loại súng độc đáo dùng để ngăn chặn các loài động vật nhằm chống lại mối đe dọa từ các loài chim.
Liên quan đến thông tin từ báo cáo sơ bộ, câu hỏi về hệ thống an toàn của máy bay chiến đấu mới nhất, đắt nhất thế giới này đã được đặt ra. Đặc biệt, vấn đề liên quan đến cửa hút khí, vì trong quá trình hoạt động của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, rất nhiều nguy cơ chim bị lọt vào. Việc đó có thể dẫn đến hậu quả máy bay hoàn toàn không thể hoạt động. Một lần nữa người ta đề xuất xem xét khả năng thay đổi cấu hình của các cửa hút gió, cũng như tăng cường các biện pháp an ninh chống lại các loài chim tại các sân bay ở châu Á./.