Vụ máy bay Ryanair: G7 lên án, Czech ra 'đòn' nhắm vào Belarus, ICAO điều tra

Ngày 27/5, nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lên án Belarus vì buộc máy bay dân sự chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh để các nhà chức trách nước này có thể bắt giữ một nhà báo trên máy bay.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nhất trí điều tra vụ Belarus buộc máy bay của hãng Ryanair hạ cánh xuống sân bay ở Minsk hôm 23/5. (Nguồn: AP)

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nhất trí điều tra vụ Belarus buộc máy bay của hãng Ryanair hạ cánh xuống sân bay ở Minsk hôm 23/5. (Nguồn: AP)

Một thông báo được Văn phòng Đối ngoại của Anh, đại diện cho ngoại trưởng các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Anh, phát đi nêu rõ: "Hành động này gây nguy hiểm cho sự an toàn của các hành khách và phi hành đoàn. Nó cũng là một vụ tấn công nghiêm trọng vào những quy định quản lý hàng không dân dụng".

Theo thông báo, các nước G7 "sẽ tăng cường những nỗ lực, trong đó thông qua các lệnh trừng phạt bổ sung thích hợp, để nâng cao trách nhiệm giải trình với các hành động của giới chức Belarus".

Trong khi đó, trang mạng Euractiv của Czech đưa tin, kể từ ngày 28/5, Prague sẽ đình chỉ hoạt động của hãng hàng không Belavia (Belarus) trên lãnh thổ Czech để phản đối vụ máy bay Ryanair.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Phó Thủ tướng Czech Karel Havlíček nêu rõ, Hội đồng An ninh Quốc gia nước này đã đưa ra quyết định tạm thời không chấp nhận những chuyến bay thẳng của Belavia từ Minsk đến Prague, với tần suất 3 chuyến/tuần, cho đến khi kết thúc cuộc điều tra về vụ việc trên.

Người phát ngôn của hãng hàng không Czech (CSA) Vladimíra Dufková cũng thông báo, CSA sẽ tạm dừng những chuyến bay đến Belarus.

Cũng trong một động thái phản ứng với Belarus, ngày 27/5, chính phủ Estonia ra tuyên bố cho hay, nước này quyết định cấm các hãng hàng không của Minsk và máy bay khởi hành từ Belarus hạ cánh trên lãnh thổ Estonia, cất cánh từ đây hoặc bay qua không phận nước này”.

Tuyên bố dẫn lời Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhấn mạnh: “Thông qua hành động bắt cóc máy bay chở khách và bắt giữ nhà báo chỉ trích chính phủ cùng cộng sự của ông, chính quyền Belarus đã phạm phải hành vi khủng bố nhà nước và phải chịu trách nhiệm cho những hành động này”.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/5, Bộ trưởng Giao thông Ireland Eamon Ryan thông báo, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc đã nhất trí điều tra vụ Belarus buộc máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair hạ cánh xuống sân bay ở Minsk hôm 23/5.

Hội đồng quản lý gồm đại diện 36 quốc gia thành viên của ICAO đã nhóm họp để xem xét yêu cầu của Mỹ và một số đồng minh về việc mở một cuộc điều tra về vụ việc trên. Theo ông Ryan, ICAO sẽ đưa ra bản báo cáo sơ bộ vào ngày 25/6.

Tuyên bố của Bộ trưởng Giao thông Ireland nêu rõ: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của ICAO về việc tiến hành một cuộc điều tra minh bạch và độc lập về vụ việc ở Belarus và hoan nghênh sự ủng hộ của các đồng nghiệp quốc tế nhằm đảm bảo cuộc điều tra này sẽ được thực hiện”.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab lập tức đã ra tuyên bố khẳng định London hoan nghênh quyết định trên của ICAO.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi cùng các đối tác quốc tế yêu cầu được biết rõ về những tình huống dẫn đến sự vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng này và hành vi tấn công vào những nguyên tắc trụ cột của hàng không dân dụng”.

(theo Reuters, AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-may-bay-ryanair-g7-len-an-czech-ra-don-nham-vao-belarus-icao-dieu-tra-146579.html