Vụ ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại: Hai phương án thành lập hội đồng để tu sửa

UBND TP Huế đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch 2 phương án thành lập hội đồng đánh giá tình trạng, tìm phương án tu sửa ngai vua triều Nguyễn.

Ngày 28-5, UBND TP Huế có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xin ý kiến về thành lập Hội đồng cấp quốc gia để đánh giá tình trạng và đề xuất phương án bảo quản, tu sửa bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn, sau sự việc bị kẻ "loạn thần" xâm hại, gây hư hỏng.

Hình ảnh tay ngai bên trái của ngai vua triều Nguyễn bị gãy do kẻ "loạn thần" phá hoại. Ảnh: TL.

Hình ảnh tay ngai bên trái của ngai vua triều Nguyễn bị gãy do kẻ "loạn thần" phá hoại. Ảnh: TL.

Theo UBND TP Huế, hiện nay các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thành lập hội đồng đánh giá tình trạng và đề xuất phương án bảo quản, tu sửa bảo vật quốc gia. Vì vậy, để đánh giá một cách khoa học, toàn diện về tình trạng cũng như đề xuất phương án bảo quản, tu sửa phù hợp, hiệu quả đối với bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn, UBND TP Huế đề nghị 2 phương án thành lập hội đồng.

Phương án thứ nhất là Bộ VH-TT&DL chủ trì thành lập hội đồng, phương án thứ 2 là có văn bản thống nhất ủy quyền để Huế chủ trì thành lập hội đồng. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể những nội dung để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cũng tham mưu UBND TP Huế mời 11 thành viên tham gia thành phần hội đồng. Đây là những người đại diện cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan chuyên môn, các chuyên gia nghiên cứu sâu có uy tín trong lĩnh vực văn hóa di sản, phục hồi cổ vật ở Hà Nội, TP HCM và Huế.

Kẻ "loạn thần" có hành động xâm hại ngai vua triều Nguyễn xảy ra vào trưa ngày 24-5. Nguồn: MXH.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, cho biết đã trao đổi và các chuyên gia cũng đã đồng ý tham gia. Dự kiến khi Bộ VH-TT&DL chốt phương án thành lập hội đồng thì sẽ tổ chức họp vào cuối tuần này.

Theo ông Hải, sau khi có ý kiến của hội đồng, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ báo cáo UBND TP Huế và Bộ VH-TT&DL xin ý kiến về phương án triển khai. Với phương án được các cấp thẩm quyền phê duyệt, sở sẽ yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thực hiện với sự tham gia của các nghệ nhân và có sự giám sát chặt chẽ để đánh giá về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng...

Theo một số chuyên gia, cùng với việc phục hồi bảo vật lần này, hội đồng cũng nên cân nhắc bảo tồn những hư hại của ngai vua triều Nguyễn thời điểm xây dựng hồ sơ bảo vật.

Trước đó, vào lúc 11 giờ 55 phút ngày 24-5, Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983; quê TP Huế, hiện trú tại quận Bình Tân, TP HCM) có biểu hiện "loạn thần", đã mua vé vào cổng của Đại nội Huế rồi vào khu vực điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vua triều Nguyễn. Tại đây, Tâm leo qua hàng rào bảo vệ ngai ở trong điện rồi ngồi lên ngai và có những lời nói, hành động ngông cuồng. Đối tượng dùng tay bẻ gãy phần tựa tay bên trái của ngai vua và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh.

Ngai vua triều Nguyễn bị làm hỏng có niên đại 1802-1945, được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2015. Đây là chiếc ngai được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802-1819), sau đó được sử dụng trong suốt 143 năm tồn tại của vương triều này, kéo dài qua 13 đời vua, kết thúc là vua Bảo Đại – thoái vị năm 1945.

Theo hồ sơ, chiếc ngai làm bằng gỗ nặng khoảng 60 kg, gồm 2 phần là ngai vàng và đế ngai; phía trên có bửu tán. Kích thước ngai dài 87 cm, rộng 72 cm, cao 101 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm.

Quang Nhật

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-phuong-an-thanh-lap-hoi-dong-tu-sua-ngai-vua-trieu-nguyen-bi-xam-hai-196250528143335492.htm