Vụ nghi ngộ độc ở Phan Thiết: Nhà hàng tự gửi mẫu thức ăn là không có giá trị pháp lí
Theo ngành y tế tỉnh Bình Thuận, việc nhà hàng tự gửi mẫu thức ăn đi kiểm nghiệm mà không thông qua cơ quan chức năng thì kết quả kiểm nghiệm không có giá trị pháp lí
Chiều 16-5, ông Nguyễn Bá Tòng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, thông tin về vụ nghi ngộ độc khiến 51 du khách nhập viện tại TP Phan Thiết. Theo ông Tòng, kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn từ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Thuận được nhà hàng Hồng Vinh gửi đến không có giá trị pháp lí vì không được thu thập bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.
"Nếu phía nhà hàng còn lưu giữ mẫu thức ăn để cơ chức năng đem đi kiểm nghiệm thì lúc đó mới đủ cơ sở công nhận kết quả xét nghiệm, để khẳng định việc nghi ngộ độc là không xuất phát từ nhà hàng. Còn trường hợp này thì nhà hàng này được xếp vào diện không lưu mẫu thức ăn. Việc đơn vị tự đi lấy mẫu thì không đảm bảo tính pháp lí" - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận nói.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Tòng, đoàn kiểm tra cũng không lấy được mẫu thức ăn từ các nơi khác, bao gồm cả những hộp thức ăn được một nhóm du khách mua về bãi biển để tiếp tục ăn uống sau 21 giờ, ngày 12-5. Vì vậy, trước mắt cơ quan chức năng chưa kết luận được nguyên nhân khiến 51 du khách nhập viện với các biểu hiện ngộ độc.
Trong sáng 16-5, đại diện nhà hàng Hồng Vinh (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết), nơi đoàn khách 750 người dùng cơm tối 12-5, đã công bố thông tin về kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn. Theo phiếu kết quả từ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Thuận (được nhà hàng Hồng Vinh tự gửi mẫu), 6 món ăn gồm: Mực nhúng giấm, cá mặt quỷ um cà ri, hàu đút lò, lẩu hải sản, ốc hương rang tiêu, ghẹ hấp, đều không phát hiện vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn Escherichia coli.
Trước đó, sáng 12-5, đoàn khách do Công ty du lịch Viettravel tổ chức gồm 750 người xuất phát từ tỉnh Bình Dương đến nhận phòng tại phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết.
Sau đó, đoàn khách chia làm 2 tốp, ăn cơm trưa tại nhà hàng Cánh Buồm Vàng và nhà hàng Hải sản Dê và Cua 245 (cùng đặt tại phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết).
Đến 18 giờ 30 phút, đoàn dùng cơm tối tại nhà hàng Hồng Vinh với thực đơn: Hàu đút lò, ghẹ hấp, ốc hương rang tiêu, cá mặt quỷ nấu cà ri, mực ống nhúng giấm, lẩu Hải sản, nho Mỹ.
Ngoài dùng tiệc tại nhà hàng Hồng Vinh, khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, một nhóm người trong đoàn tự mua tôm và một số thực phẩm để xuống bãi biển của resort tiếp tục ăn uống.
Đến sáng hôm sau, một số người đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy phải nhập viện. Ca đầu tiên nhập viện lúc 7 giờ 30 ngày 13-5 tại Trạm y tế Hàm Tiến. Sau đó, nhiều du khách trong đoàn lần lượt vào Phòng khám Mũi Né và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, với tổng cộng 51 người.
Ngày 15-5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Theo công văn, trên địa bàn TP Phan Thiết đã xảy ra trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm từ những khách du lịch lưu trú tại các khu du lịch thuộc phường Hàm Tiến và phường Mũi Né do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn từ các quán ăn, gánh hàng rong ở bãi biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền.
Đồng thời yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các nhà hàng, quán triệt, nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động và thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế trong hoạt động sản xuất, chế biến thức ăn, thức uống phục vụ khách.