Vụ ngộ độc làm 1 người tử vong ở Kông Chro: Nguyên nhân do độc tố có trong sâu ban miêu mình đen đầu đỏ
Sáng 20-4, ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai-thông tin: Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại lán trại thu hoạch cây keo (làng Kliêt-H'Ôn, xã Đak Song, huyện Kông Chro) ngày 18-4 khiến 3 người nhập viện cấp cứu; trong đó, có 1 người tử vong ngoại viện là do độc tố tự nhiên có trong sâu ban miêu mình đen đầu đỏ (Epicauta gorhami Marseul).
Trước đó, vào lúc 8 giờ, ngày 19-4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhận được tin báo về vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại lán trại thu hoạch cây keo. Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Kông Chro và Trạm Y tế xã Đak Song tổ chức điều tra, xác minh tại địa bàn. Qua điều tra, xác minh từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và hồi cứu hồ sơ bệnh án được biết: Chiều 18-4, ông Đinh Văn Rể (SN 1963, hộ khẩu thường trú thôn Mang Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), hiện làm công nhân thu hoạch cây keo tại làng Kliêt-H’ôn đã bắt côn trùng trong rừng keo. Vào khoảng 18 giờ cùng ngày, ông Rể để nguyên con đem chiên và ăn (không ăn cùng món ăn khác) và rủ bà Phạm Thị Dép (SN 1976) và ông Phạm Văn Mói (SN 1983) cùng ăn.
Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người đều xuất hiện triệu chứng nôn, đau bụng quanh rốn và đi cầu phân lỏng. Sau đó, ông Rể xuất hiện triệu chứng nôn kèm máu tươi, đi cầu phân lỏng kèm máu. Đến khoảng 2 giờ ngày 19-4, ông Rể tử vong. Bà Dép và ông Mói được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kông Chro để điều trị. Đến khoảng 11 cùng ngày, 2 bệnh nhân Dép và Mói sức khỏe ổn định và xin xuất viện để trở về quê ở thôn Mang Đen.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã nhận bàn giao 8 con côn trùng do Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu thông qua người nhà bệnh nhân. Căn cứ thời gian khởi phát vụ ngộ độc thực phẩm, thời gian ngắn (khoảng 30 phút); nguyên nhân ngộ độc là thức ăn côn trùng chiên chín, không ăn cùng các món ăn khác. Căn cứ hình thái côn trùng được sử dụng làm thức ăn với các tài liệu thu thập được, xác định côn trùng được dùng làm thức ăn là sâu ban miêu mình đen đầu đỏ (Epicauta gorhami Marseul). Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu.
Qua sự vụ trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Người dân không nên bắt sâu và côn trùng để ăn vì chúng có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loài có chất độc và rất dễ nhầm lẫn giữa loài có độc và không độc. Đặc biệt, người dân không được ăn sâu ban miêu vì sẽ gây ngộ độc nặng và tử vong.