Vụ nhà khoa học Trung Quốc chỉnh sửa gien người: Ảnh hưởng đến não bộ?
Theo một số nhà khoa học, nhà di truyền học gây tranh cãi Hạ Kiến Khuê có thể đã vô tình tăng cường chức năng não bộ của cặp song sinh mà ông tuyên bố chỉnh sửa gien trước đó.
Tạp chí MIT Technology Review nghi vấn ông Hạ có thể đã thay đổi các chức năng nhận thức của 2 bé gái song sinh khi sử dụng công cụ chỉnh sửa gien CRISPR để vô hiệu hóa CCR5, loại gien cho phép virus HIV xâm nhập vào tế bào của con người.
Cụ thể, nhà thần kinh học Alcino J. Silva tại Trường ĐH California (Mỹ) nói việc chỉnh sửa gien có thể ảnh hưởng đến não bộ của 2 đứa trẻ nhưng lại không thể dự đoán chính xác kết quả của việc này. "Giải thích đơn giản nhất là những đột biến đó có khả năng tác động đến chức năng nhận thức ở cặp song sinh" - trích lời ông Silva.
Nghiên cứu mới về CCR5 công bố trên Tạp chí Cell vào ngày 22-2 đã tìm ra những liên kết giữa loại gien này với khả năng học tập và ghi nhớ, từ đó liên quan tới trí thông minh của con người. "Liệu đến một lúc nào đó, chúng ta có thể gia tăng chỉ số IQ trung bình của dân số? Các thí nghiệm trên chuột cho thấy câu trả lời có thể là có. Nhưng chuột khác con người. Đơn giản là chúng ta không biết những hậu quả nào sẽ rình rập" - ông Silva trả lời Tạp chí MIT Technology Review.
Trước đó, ông Hạ Kiến Khuê làm dấy lên làn sóng phản đối trên thế giới sau khi công bố sự ra đời của cặp song sinh được chỉnh sửa gien mang tên Lulu và Nana. Hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin cơ quan chức năng Trung Quốc khẳng định ông Hạ và ê-kíp của mình sẽ bị xử phạt theo luật pháp và quy định liên quan vì hành vi chỉnh sửa gien phôi thai người vốn bị cấm ở nước này.